Năm mới, trò chuyện với doanh nhân
20:55', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Mỗi người trong số 3 gương mặt doanh nhân mà chúng tôi trò chuyện đều có một hướng đi riêng, một lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD) khác nhau; nhưng họ đều có một điểm chung là năng động, nhạy bén, biết nắm bắt thời cơ để vượt qua khó khăn, thách thức, khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thương trường…

* ÔNG TRẦN MẠNH TƯỞNG - CHỦ TỊCH HĐQT, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP THỦY SẢN HOÀI NHƠN:

Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là phát huy trí tuệ tập thể

Gắn bó với Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn gần 25 năm ở vị trí “đầu tàu”, mỗi khi tiếp xúc với ông, chúng tôi có cảm giác ông rất kiệm lời khi nói về bản thân và điều duy nhất mà ông thổ lộ là: “Tôi đang cố làm thật tốt công việc được giao”…

 

Ông Trần Mạnh Tưởng

 

Ông Tưởng tham gia kháng chiến chống Mỹ năm 1972. Trước khi chuyển sang làm nghề kinh doanh, ông là Phó Văn phòng UBND huyện Hoài Nhơn. Gần 25 năm kể từ khi về với Trạm Thủy sản Tam Quan (tiền thân của Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn ngày nay), mọi gian truân, thử thách của những ngày “vạn sự khởi đầu nan” đã qua, công việc SXKD cũng đã vào guồng, nhưng lúc nào ông cũng bận rộn, thoắt đó thoắt đây, chạy ngược chạy xuôi lo công việc của đơn vị.

Tháng 2.1999, Công ty Thủy sản Hoài Nhơn tiến hành cổ phần hóa. Nhờ có chiến lược SXKD đúng đắn và người “thuyền trưởng” vững tay chèo, DN ngày càng “ăn nên làm ra”. Nếu như năm đầu tiên cổ phần hóa, vốn điều lệ của Công ty chỉ có 1 tỉ đồng, doanh thu 16 tỉ đồng; sau 10 năm, vốn điều lệ đã tăng lên 9 tỉ đồng, doanh thu tăng lên 420 tỉ đồng. Ngoài ra, đơn vị còn có 3 công ty thành viên (phần vốn của công ty mẹ chiếm trên 60%) là: Công ty CP Đông lạnh Quy Nhơn, Công ty CP Thương mại Quy Nhơn và Công ty CP Xuất nhập khẩu lâm sản Hoài Nhơn.

“Điều tôi tâm đắc nhất và cũng là giá trị cốt lõi để đem đến thành công cho DN  là biết tập hợp trí tuệ của tập thể. Người lãnh đạo phải tạo được niềm tin cho nhân viên, cùng hòa đồng, chia sẻ buồn vui với anh em; phải tạo được sự đồng thuận, kích thích tinh thần làm việc trong DN. Cùng chăm lo tốt cho sự nghiệp chung thì quyền lợi riêng của mỗi người cũng sẽ tốt hơn…”.

 

* ÔNG NGUYỄN VĂN THÂM, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH TRÍ TÍN:

Mất chữ tín là mất tất cả

Tên ông không được nhiều người biết đến, bởi tính cách thầm lặng và ít xuất hiện trước công chúng, nhưng hầu như nhiều người trong giới DN điều biết đến việc ông đã đưa một cơ sở nhỏ trở thành một DN có quy mô lớn. Năm 2004, ông khởi nghiệp từ một xưởng gỗ nhỏ với vài chục công nhân. Bằng sự kiên trì học hỏi và đặc biệt là biết cách dùng người, ông đã đưa DN ngày càng lớn mạnh. Trong những năm qua, ông đã vinh dự được nhiều cấp, nhiều ngành tặng bằng khen và trao giải thưởng lớn. Mới đây, ông được Bộ Công Thương tặng Cúp vàng DN tiêu biểu và Lãnh đạo xuất sắc. Năm 2009, Công ty TNHH Trí Tín đã lọt vào top 500 DN tiêu biểu của toàn quốc.

 

Ông Nguyễn Văn Thâm (giữa) nhận Cúp vàng DN tiêu biểu và Lãnh đạo xuất sắc.

 

Ông chia sẻ: Theo tôi, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là tính bền vững của DN. Mà muốn đạt đến sự bền vững thì DN phải có sản phẩm - dịch vụ tốt, có văn hóa DN và trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Trong SXKD, tôi luôn quan niệm  việc giữ chữ tín với khách hàng là điều quan trọng nhất, bởi một danh nhân Pháp đã từng nói: “Mất tiền là không mất gì, mất danh dự là mất một nửa, mất niềm tin là mất hết”. Hơn ai hết, những người lãnh đạo DN phải là người ý thức sâu sắc nhất về điều này và thể hiện tinh thần tiên phong trong tất cả các mối quan hệ. Chính vì vậy, việc dung hòa giữa mục tiêu lợi nhuận với trách nhiệm công dân là yêu cầu thường xuyên, thể hiện phẩm cách và đạo đức của người làm kinh doanh. Với tôi, cao hơn lợi ích, lợi nhuận là giá trị mang lại cho xã hội. Sự khao khát thành đạt của DN là chính đáng, nhưng sự thành đạt ấy phải được xã hội thừa nhận thì mới có ý nghĩa.

 

* BÀ LÊ THỊ THANH HƯƠNG - GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH PHÚ HÒA:

Người lao động là tài sản quý của doanh nghiệp

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Cát Tài (Phù Cát): 3 anh trai là liệt sĩ, chỉ còn mình bà với cha mẹ già. Nhà nghèo, nên ngay từ nhỏ bà đã sớm vất vả mưu sinh và nung nấu ý nghĩ mình phải làm ra thật nhiều tiền để nuôi dưỡng cha mẹ và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

 

Bà Lê Thị Thanh Hương

 

Khởi nghiệp cách đây 8 năm, với một cơ sở nhỏ chỉ 20 lao động, sản xuất các loại sản phẩm đồ gỗ nội thất, đến nay, Công ty TNHH Phú Hòa (Phù Cát) có một cơ ngơi khang trang với trên 100 lao động, sản phẩm tiêu thụ ở thị trường nhiều tỉnh khu vực miền Trung. Nói về sự thành công của mình, bà Lê Thị Thanh Hương khẳng định: “Người lao động là tài sản quý giá của DN. Thành công hay thất bại của mỗi DN đều phụ thuộc rất nhiều vào người lao động. Bởi vậy, chăm lo cho người lao động chính là chăm lo cho DN của mình”. Không những chăm lo về đời sống tinh thần, Công ty TNHH Phú Hòa còn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách về lương bổng, phúc lợi cho người lao động. Nhờ đó, người lao động đã gắn bó trách nhiệm của mình với lợi ích chung của DN. Từ ngày thành lập đến nay, chưa có lao động nào của DN phải nghỉ việc vì lý do chế độ không đảm bảo. Ngoài ra, DN Phú Hòa cũng chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, năm 2008 được Bộ Tài chính tặng Bằng khen về thành tích chấp hành tốt nghĩa vụ.

Điều đáng quý trọng ở doanh nhân Lê Thị Thanh Hương còn ở tấm lòng biết thương yêu, chia sẻ khó khăn với cộng đồng, xã hội. Và trong rất nhiều hoạt động xã hội thì chương trình học bổng giúp học sinh, sinh viên nghèo vượt khó, học giỏi, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa được bà đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, bà đã dành ra hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các em học sinh nghèo hiếu học và xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Bà tâm sự: “Điều ao ước của tôi là có được nhiều tiền để có điều kiện giúp đỡ nhiều hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn, cho các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Theo tôi, giá trị và ý nghĩa cuộc sống sẽ được nhân lên gấp bội khi mình biết sống vì cộng đồng, xã hội”.

  • Ngọc Thái
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những “triệu phú” nông dân  (02/02/2010)
“Hai lúa” chấm com  (02/02/2010)
Anh nông dân và những sáng chế cho “trái đất xanh tươi”  (02/02/2010)
Rộng mở đường xuân  (02/02/2010)
Tiếp nối những mùa xuân  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Vào “lò” phó giáo sư, tiến sĩ  (02/02/2010)
Đầu năm, nói chuyện… bệnh viện thân thiện  (02/02/2010)
“Số hóa” trạm y tế xã  (02/02/2010)
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)
Làm việc thiện - Một cách trả ơn đời  (02/02/2010)
Niềm vui từ những ngôi nhà đại đoàn kết  (02/02/2010)
Nghĩa cử thơm thảo của người Bình Định xưa ở vùng rốn lũ  (02/02/2010)
Ngày Tết, nói chuyện hoa, trái bốn mùa  (02/02/2010)