Xuân về trên những “cánh đồng vàng”
22:3', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Lựa chọn cây trồng, mùa vụ hợp lý, áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất xen canh, thâm canh, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành những cánh đồng cho thu nhập cao…

 

Được mùa. Ảnh: Duy Quyên

 

* Vui với những “mùa vàng”

Dưới ánh nắng ban mai, tôi đứng giữa cánh đồng rau Tân Thanh, xã Cát Hải (Phù Cát) để được tận hưởng không khí trong lành và cảm nhận màu xanh đến dịu dàng của làng rau. Ông Võ Kế Hùng, cán bộ khuyến nông xã Cát Hải, cho biết: “Từ khi có đường giao thông, điện lưới…, việc triển khai chủ trương xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm của tỉnh rất thuận lợi, người dân trong xã hưởng ứng tích cực. Đến nay, xã đã hình thành được 3 cánh đồng cho thu nhập cao ở 3 thôn Tân Thanh, Chánh Oai, Vĩnh Hội với diện tích 279 ha. Trên diện tích này, bà con nông dân đã áp dụng 19 phương thức luân canh cây trồng khác nhau, cho thu nhập trên 76 triệu đồng/ha/năm. Năm nay cây trồng được mùa, được giá, nên nông dân trong xã đã thu về 30 tỉ đồng, cao hơn năm trước 2 tỉ đồng. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao”. Quả thật, Cát Hải hôm nay đã khác trước rất nhiều. Dọc theo những con đường bê tông phẳng phiu là những ngôi nhà ngói mới, hàng quán rộn tiếng nhạc vui. Khu trung tâm xã là trường học, khu vui chơi giải trí rộn ràng tiếng cười của trẻ thơ… càng tô thêm sức sống cho vùng đất này.

Ngược dòng sông Côn, tôi tiếp tục chuyến du xuân đến Tây Sơn. Dọc theo dòng sông hiền hòa này là những cánh đồng lúa, đồng rau xanh ngát đang vươn mình trong gió xuân. Dừng chân tại cánh đồng rau Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong), chúng tôi cảm nhận được niềm vui trên khuôn mặt của bà con nông dân. Ông Nguyễn Văn Thái, chủ một vườn rau ở đây, tâm sự: “Cũng chỉ bấy nhiêu ruộng đất, nhưng trước đây có ai dám nghĩ đến 50 triệu đồng/ha. Nay, một sào đất ở vùng này chí ít cũng phải “ẵm” từ 3- 4 triệu đồng/vụ!  Riêng tôi, từ 2 sào ruộng khoán trồng rau màu, thực hiện phương pháp canh tác xen canh và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, bình quân mỗi năm gia đình tôi có thu nhập trên 40 triệu đồng/ năm, cao gần gấp 2 lần so với trước đây. Nhờ cây rau mà gia đình tôi đã có của ăn của để”.

Ông Hồ Thành Phi, Phó phòng NN-PTNT huyện Tây Sơn, cho biết: “Phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm ở các địa phương đang phát triển khá mạnh. Ngoài trên 200 hộ trồng rau “chuyên nghiệp” với diện tích 50 ha ở Thuận Nghĩa, còn có hàng trăm nông hộ khác ở Tây Giang, Bình Thành… cũng đã và đang khai thác trên 300 ha đất ven sông Côn, sông Đá Hàn (một nhánh của sông Côn) để trồng rau màu và các loại cây trồng cạn cho thu nhập cao. 

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng mạnh mẽ, lựa chọn cây trồng, mùa vụ hợp lý, áp dụng phương pháp canh tác xen canh, luân canh, nông dân phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) và nông dân các xã: Cát Tài (Phù Cát), Mỹ Trinh (Phù Mỹ) cũng đã hình thành những cánh đồng rau, cây trồng cạn cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm, giúp bà con vượt qua những ngày tháng gian khó. Cần cù chịu khó, nông dân xã Phước Hiệp (Tuy Phước) làm cho vùng đất khó trở thành cánh đồng khổ qua, hoa huệ… cho thu nhập cao. Kết quả kiểm tra của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 175 cánh đồng với diện tích 2.500 ha cho thu nhập cao, bền vững.

 

Nông dân Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong - Tây Sơn) thu hoạch rau. Ảnh: Tiến Sỹ

 

* Mãi “xuân” trên những “cánh đồng vàng”

Thực tế cho thấy, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm là hướng đi đúng đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuy vậy, vấn đề khiến cho nông dân lo ngại nhất hiện nay là đầu ra nông sản. Ngoài một số cây trồng như lúa cấp 1, mì, mía được các doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng bao tiêu theo tinh thần Nghị định 80, vẫn còn nhiều sản phẩm của nông dân “bí” đầu ra hoặc phải bán giá rẻ. Với một số sản phẩm, khi mở rộng sản xuất thì lại bị khủng khoảng thừa. Ông Nguyễn Văn Bảy, nông dân ở Thuận Nghĩa, cho biết: “Trước đây số hộ trồng rau chưa nhiều nên sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó. Còn nay, số hộ trồng rau đã tăng lên gần gấp đôi, sản lượng rau cũng tăng theo, nên việc tiêu thụ gặp khó khăn hơn, thường bị tư thương ép giá. Dù bán với giá rẻ cũng phải bán vì rau là mặt hàng tươi sống không thể để được lâu”…

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Phan Trọng Hổ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm, để chọn lọc các loại giống cây mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đất đai ở các địa phương, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. Ngành sẽ tham mưu cho các địa phương quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh các loại cây trồng; tìm kiếm các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho nông dân. Mặt khác, chúng tôi đang hỗ trợ các địa phương có các loại cây trồng, vật nuôi có thể cạnh tranh làm các thủ tục cần thiết để tham gia dự án cạnh tranh nông nghiệp. Tham gia dự án này, nông dân sẽ được hỗ trợ phát triển các phương thức canh tác bền vững; giám sát và kiểm soát dư lượng hóa chất; hỗ trợ liên minh sản xuất mới giữa DN và nông dân; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản”.

Mục đích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh cốt là để nông dân có điều kiện cải thiện cuộc sống, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn. Mục đích này được trọn vẹn khi bà con nông dân không còn nỗi lo về đầu ra nông sản. Khi đó “mùa xuân” mới thực sự đến với bà con, đến với những cánh đồng vàng.

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hành trình vươn đến tầm cao mới  (02/02/2010)
Năm mới, trò chuyện với doanh nhân  (02/02/2010)
Những “triệu phú” nông dân  (02/02/2010)
“Hai lúa” chấm com  (02/02/2010)
Anh nông dân và những sáng chế cho “trái đất xanh tươi”  (02/02/2010)
Rộng mở đường xuân  (02/02/2010)
Tiếp nối những mùa xuân  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Vào “lò” phó giáo sư, tiến sĩ  (02/02/2010)
Đầu năm, nói chuyện… bệnh viện thân thiện  (02/02/2010)
“Số hóa” trạm y tế xã  (02/02/2010)
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)
Làm việc thiện - Một cách trả ơn đời  (02/02/2010)
Niềm vui từ những ngôi nhà đại đoàn kết  (02/02/2010)
Nghĩa cử thơm thảo của người Bình Định xưa ở vùng rốn lũ  (02/02/2010)