PHÒNG TRUYỀN THỐNG CHI BỘ NHÀ MÁY ĐÈN QUY NHƠN:
Chuyện bây giờ mới kể
22:26', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Cũng một mùa xuân cách đây tròn 80 năm - Mùa xuân năm 1930 - có một sự kiện lịch sử diễn ra, đánh dấu bước ngoặt trọng đại của cách mạng Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh sứ mệnh nắm quyền lãnh đạo duy nhất đối với cách mạng Việt Nam.

 

Tranh vẽ cuộc mít - tinh biểu dương lực lượng của công nhân và quần chúng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn vào ngày 1.5.1930. Ảnh: B.S

 

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3.2.1930, thì chỉ gần 2 tháng sau, tức vào cuối tháng 3.1930, Chi bộ Cộng sản tại Nhà máy đèn Quy Nhơn được thành lập. Lúc thành lập, Chi bộ có 5 đảng viên, do đồng chí Lê Xuân Trữ (Lê Xuân Trứ)- công nhân kỹ thuật Nhà máy đèn, quê Hà Tĩnh- làm Bí thư.

Ngay sau khi thành lập, Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn đã phân công đảng viên thâm nhập vào một số xí nghiệp, trường học, các xóm lao động, công trường đường sắt, khu phố… để tuyên truyền, giáo dục quần chúng, phát triển đảng viên. Chi bộ đã lãnh đạo công nhân và nhân dân lao động tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống cúp phạt… Trong những năm 1930-1931, bằng thực tiễn đấu tranh cách mạng, Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn đã làm nhiệm vụ của một tổ chức Đảng chỉ đạo toàn thành phố.

***

Ở Phòng truyền thống Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn tại Điện lực Bình Định, vật minh họa tiêu biểu nhất cho phong trào đấu tranh của công nhân và quần chúng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn là bức tranh vẽ cuộc mít-tinh - biểu dương lực lượng trước cổng Ga Quy Nhơn. Cuộc đấu tranh này được tổ chức vào ngày 1.5.1930 - tức chỉ hơn 1 tháng sau khi Chi bộ Nhà máy đèn được thành lập. Đó là cuộc rải truyền đơn, hô hào công nhân, nông dân, lao động đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, miễn phu đài, tạp dịch, thuế má. Tham gia cuộc mít-tinh, công nhân và nông dân, với biểu ngữ trên tay, đã hô vang các khẩu hiệu đòi dân sinh dân chủ. Truyền đơn được rải đầy đường phố. Đó cũng là lần đầu tiên ở Bình Định, lá cờ Đảng được công nhân Nhà máy đèn treo công khai trên cột điện gần ngã 3 Công quán (gần Ga Quy Nhơn hiện nay).

Với Bình Định, Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn không chỉ là cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh mà còn là tổ chức Đảng đầu tiên bắt được liên lạc với Đảng Cộng sản Việt Nam; và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khối liên minh công - nông đầu tiên ở tỉnh, khi bắt liên lạc với Chi bộ Cửu Lợi (Hoài Nhơn).

***

 

Tượng đồng chí Lê Xuân Trữ (trái) tại Phòng truyền thống Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn. Ảnh: B.S

 

Trong quá trình sưu tầm hiện vật, tranh ảnh để xây dựng Phòng truyền thống, ông Tướng Văn Thuận - cán bộ Phòng Tổ chức Điện lực Bình Định, người trực tiếp làm công tác này - cho biết, ông có một kỷ niệm đáng nhớ. Đó là việc đặt đúc tượng đồng chí Lê Xuân Trữ - Bí thư đầu tiên của Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn. Việc đúc tượng gặp khó khăn bởi trong các tài liệu lịch sử chỉ có ảnh chân dung chính diện của đồng chí Lê Xuân Trữ, trong khi việc đúc tượng đòi hỏi còn phải có ảnh chân dung nhìn nghiêng và ảnh chụp từ phía sau, vì tượng là hình ảnh được nhìn trong không gian 3 chiều. Phương án chụp ảnh một người thân nào đó của đồng chí Lê Xuân Trữ làm mẫu được đưa ra và các cán bộ Điện lực Bình Định đã ra Hà Nội chụp ảnh đồng chí Lê Xuân Tùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội - con trai duy nhất của liệt sĩ Lê Xuân Trữ. Đây được xem là phương án khả thi nhất vì xác suất giống nhau về đặc điểm hình thể giữa cha - con là rất lớn. Và kết quả là bức tượng chân dung đồng chí Lê Xuân Trữ mà chúng ta thấy tại Phòng truyền thống Chi bộ Nhà máy đèn bây giờ. Chính đồng chí Lê Xuân Tùng cùng gia đình sau đó vào thăm Phòng truyền thống cũng rất thích bức tượng cha mình và Điện lực Bình Định đã tặng đồng chí Tùng một bức tượng như vậy để mang về nhà đặt trên bàn thờ cha.

***

Quay lại hoạt động của đồng chí Lê Xuân Trữ, tháng 4.1930, đồng chí được phân công đi nhiều địa phương, làm nhiều nghề khác nhau theo yêu cầu của cách mạng. Năm 1937, đồng chí Lê Xuân Trữ tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, đồng chí bị địch bắt và bị kết án 10 năm tù khổ sai đày ra Côn Đảo, sau đó đã hy sinh tại đây. Hòa bình, gia đình đã tìm được mộ đồng chí Lê Xuân Trữ tại Côn Đảo và năm 1996 đã đưa về an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Một điều trùng hợp là tại đây, mộ đồng chí Lê Xuân Trữ nằm kề bên mộ liệt sĩ Nguyễn Hoàng - người thợ điện Bình Định, Bí thư Chi bộ Nhà máy đèn Quy Nhơn thứ hai sau khi đồng chí Trữ đi nhận nhiệm vụ mới. Vậy là sau khi đi vào cõi vĩnh hằng, những người đồng chí năm xưa vẫn lại được ở bên nhau, như khi họ cùng chung vai sát cánh những ngày đầu thành lập Đảng.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gắn việc tập trung chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2010  (02/02/2010)
Ước vọng đầu thập niên mới  (02/02/2010)
Xuân về trên những “cánh đồng vàng”  (02/02/2010)
Hành trình vươn đến tầm cao mới  (02/02/2010)
Năm mới, trò chuyện với doanh nhân  (02/02/2010)
Những “triệu phú” nông dân  (02/02/2010)
“Hai lúa” chấm com  (02/02/2010)
Anh nông dân và những sáng chế cho “trái đất xanh tươi”  (02/02/2010)
Rộng mở đường xuân  (02/02/2010)
Tiếp nối những mùa xuân  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Vào “lò” phó giáo sư, tiến sĩ  (02/02/2010)
Đầu năm, nói chuyện… bệnh viện thân thiện  (02/02/2010)
“Số hóa” trạm y tế xã  (02/02/2010)
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)