|
Rất khó thể phân biệt loại quả nào đã bị phun tẩm hoá chất. |
Lâu nay, ai cũng biết các loại củ quả nhập ngoại bày bán cả tháng nhưng không hề hấn gì là nhờ một loại hóa chất bảo quản màu trắng. Tuy nhiên, gần đây, các chuyên gia đã phát hiện đây là loại hóa chất gốc clo cực độc.
Hóa chất gốc clo, thuốc diệt cỏ
Bom, lê, cam, quýt kể cả nho bày bán cả tháng trời nhưng vẫn không hề hư hỏng và màu sắc vẫn không thay đổi nhiều. Đặc biệt là trái cây nhập ngoại lưu thông trên thị trường nhiều ngày do tốn thời gian vận chuyển nên hầu hết đều được giới kinh doanh trái cây phun lên một lớp hóa chất bảo quản giữ trái cây tươi lâu.
Theo giới chuyên môn, các loại hóa chất này có tác dụng vừa chống mốc vừa bảo quản hàng hóa lâu bị hư hại. Hóa chất này có gốc clo, peroxit rất độc hại cho người sử dụng vì nó không mùi, không vị, không màu nên rất khó phát hiện. Những loại hóa chất này thẩm thấu rất mạnh vào bên trong củ quả. Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó Khoa Công nghệ Hóa học Đại học Bách khoa TPHCM, cho biết: “Các chất trên “bị” đưa vào củ quả ngoài tính chất diệt côn trùng, diệt tất cả vi khuẩn (kể cả vi khuẩn có lợi) nên ngăn chặn được quá trình chuyển hóa các tế bào, các vitamin bị chậm chuyển hóa cũng như chống ôxy hóa làm củ quả tươi lâu.
Thông tin từ Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho thấy tại một số địa phương ở các tỉnh phía Bắc, nhất là vùng giáp biên giới, người ta còn sử dụng cả chất 2,4D (thuốc diệt cỏ) để tẩm ướp củ quả nhằm mục đích bảo quản được lâu. Theo tiến sĩ Lê Quang Hưng, Trưởng Bộ môn Cây công nghiệp Đại học Nông Lâm TPHCM, chất 2,4D nếu sử dụng liều lượng cao sẽ có công dụng diệt cỏ. Sử dụng nồng độ thấp sẽ trở thành chất kích thích cực mạnh làm cho củ quả tăng kích thước nhanh bất thường. Ngoài ra, còn có công dụng làm chậm quá trình lão hóa, tươi lâu cũng như giữ được màu sắc củ quả khá tốt. Nó còn diệt cả côn trùng, vi khuẩn... nên bị giới kinh doanh trái cây lợi dụng.
Không ai chịu trách nhiệm
Tại khu vực chợ Kim Biên TPHCM, hầu hết các sạp kinh doanh hóa chất đều có bán các loại hóa chất dùng để bảo quản trái cây, rau củ. Biết chúng tôi tìm mua hóa chất để tẩm trái cây lâu hư, bà chủ một sạp hóa chất khu vực chợ Kim Biên hỏi chúng tôi dùng loại bột hay nước và hướng dẫn sử dụng là chỉ cần pha với nước có thể phun lên trái cây hoặc ngâm đều được. Chúng tôi đang chần chừ, bà trấn an: “Giới kinh doanh trái cây, rau củ đều ra đây lấy hàng, mỗi lần lấy cả chục ký. Bảo đảm hàng bán đến Tết... cũng không hư. Yên tâm đi, có hư ra đây đền tiền gấp đôi!”.
Mặc dù thị trường hóa chất bảo quản trái cây rất sôi động nhưng hiện nay các ngành chức năng chưa quản lý được việc sử dụng hóa chất bảo quản trái cây. Trong buổi họp báo cáo về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm, TS, BS Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng số vụ ngộ độc có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số người mắc tăng đến 1.426 người (cùng kỳ năm ngoái là 930 người), trong đó có lý do từ hóa chất bảo quản trái cây.
Sở Y tế TPHCM cũng thừa nhận là chưa hề kiểm tra chất bảo quản trái cây nên cũng không biết độc hại đến mức độ nào. Cho đến thời điểm này cũng chưa có biện pháp xử lý sai phạm do chưa xác định được cơ quan nào có thẩm quyền vì đây là hàng nhập khẩu và không ai chịu trách nhiệm về khâu lưu thông.
Còn ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TPHCM, cho biết lâu nay chi cục cũng chỉ kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên rau quả, còn việc sử dụng chất bảo quản thì chịu thua do không biết họ sử dụng loại hóa chất gì. Bộ NN-PTNT cũng chưa ban hành danh mục các chất bảo quản được phép sử dụng trong rau quả.
. Theo NLĐ
Ăn nhiều trái cây có chất bảo quản dễ mắc ung thư
Tại một cuộc hội thảo về hóa chất ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn cho biết hóa chất bảo quản trái cây được phun lên lớp vỏ bên ngoài giúp trái cây tươi lâu trong thời gian dài. Tuy nhiên, hóa chất này lại thấm vào bên trong làm trái cây cứng và giảm vị ngọt nhưng nguy hại hơn là chất bảo quản dễ gây ung thư và một số bệnh khác. Gần đây, hóa chất được phát hiện dùng để phun hay tẩm nhanh trái cây sau thu hoạch là chất carbendazim. Chất này có tác dụng trị nấm, được xếp vào loại hóa chất gây rối loạn hệ thống nội tiết tố. Khi thử trên chuột thì thấy carbendazim có khả năng tích lũy dần trong cơ thể, tới lúc nào đó sẽ gây đột biến, kích thích tế bào khối u phát triển, ảnh hưởng đến bào thai và gây dị dạng cho thế hệ sau. Điều nghịch lý được giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn nêu ra là từ trước đến nay ai cũng biết ăn nhiều trái cây làm giảm nguy cơ gây ung thư thế nhưng trong tình hình hiện nay ăn nhiều trái cây lại dễ mắc bệnh ung thư hơn. | |