Sự thật về chương trình tu nghiệp sinh tại Nhật Bản:
Đào tạo hay lạm dụng sức lao động
10:59', 5/10/ 2007 (GMT+7)

Nhật Bản đang thiếu nhiều công nhân tay nghề cao.

17 năm qua, hàng ngàn công nhân nước ngoài đã đến Nhật Bản để làm việc và học tập kĩ năng chuyên môn theo một chương trình đào tạo chính thức của chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của chính phủ Nhật về chương trình đào tạo công nhân nước ngoài, trên thực tế, các tu nghiệp sinh bị sử dụng như những lao động rẻ tiền. Các chuyên gia của chính phủ Nhật cũng đã thừa nhận điều kiện làm việc của lao động nước ngoài không được kiểm tra giám sát một cách đúng đắn.

Năm ngoái, khi chính phủ Nhật âm thầm tiến hành nhiều cuộc thanh tra các cơ sở kinh doanh có sử dụng lao động nước ngoài, họ đã phát hiện ra 80% các doanh nghiệp bị thanh tra vi phạm các điều luật về trả lương và tạo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động. Nhiều tu nghiệp sinh nước ngoài bị đối xử thậm tệ đã tìm đến Nghiệp đoàn công nhân Zentoitsu ở quận Akiharbara của thủ đô Tokyo để trình báo sự việc. Có lúc họ là nạn nhân của tệ quấy rối tình dục. Đôi khi, các công ty sử dụng lao động ở Nhật còn giữ trái phép hộ chiếu, thẻ cư trú dành cho đối tượng là người nước ngoài và thẻ bảo hiểm của họ.

Bộ Ngoại giao của Mỹ còn điều tra vấn đề xa hơn. Theo báo cáo năm của bộ này về tình hình buôn người, “một số công nhân nhập cư (ở Nhật) đã được ghi nhận là đối tượng bị cưỡng bức lao động thông qua chương trình đào tạo thực tập sinh nước ngoài của Nhật”.

Đơn cử trường hợp của Wang Jun, người Trung Quốc. Anh này cho biết mình đến Nhật Bản “vì Nhật là nước phát triển nhất ở châu Á. Vì thế, tôi có thể học tập nhiều kĩ năng để khi trở về nước có thể kiếm được một công việc tốt”. Wang làm việc cho một nhà máy nhỏ ở ngoại ô Tokyo. Anh cùng với 3 tu nghiệp sinh khác phải làm việc quần quật ở xưởng bên cạnh 11 công nhân Nhật. Giờ làm việc của các tu nghiệp sinh cũng giống như các đồng nghiệp Nhật Bản nhưng họ được trả mức lương thấp hơn và bị đối xử phân biệt. Dù vậy, họ không dám nói lên sự thật vì sợ bị đuổi việc.

Nguyên nhân

Chương trình tu nghiệp sinh được chính phủ Nhật hình thành vào năm 1990 với mục đích giúp đỡ những nước nghèo hơn học hỏi được qui trình sản xuất tinh thông của Nhật. Nhưng, vấn đề là hiện nay đông đảo quần chúng tại Nhật tỏ ra ác cảm với lao động nhập cư. Điều này càng khiến cho thị trường lao động càng thiếu. Trong khi lao động nước ngoài tại Mỹ chiếm 15% lực lượng lao động thì con số này ở Nhật là ít hơn 1%.

Toshiaki Funakubo, chủ doanh nghiệp nơi Wang làm việc, cho biết ông ta thuê công nhân Trung Quốc bởi vì ông muốn giúp Trung Quốc. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận rằng chính tình trạng thiếu nhân công ở Nhật là nguyên nhân quan trọng khiến ông này phải thuê công nhân nước ngoài. “Nói thật, tôi muốn người Nhật làm việc cho công ty tôi nhưng vào thời điểm hiện nay, tôi không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc dựa vào công nhân có tay nghề giỏi đến từ nước ngoài”.

Mặc dù cần lao động nước ngoài nhưng chính phủ Nhật cũng không muốn biến đất nước mặt trời mọc của họ thành quốc gia của dân nhập cư. Họ không muốn thay đổi tính toàn vẹn văn hóa và xã hội của nước mình. Vì vậy, họ chọn cách giải quyết là buông lỏng quản lý đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài. Hậu quả là công nhân nước ngoài bị lạm dụng sức lao động.

Tổ chức hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO), đơn vị chịu trách nhiệm triển khai chương trình tu nghiệp sinh của chính phủ Nhật, cho biết họ có nhận biết được vấn đề rắc rối với tu nghiệp sinh nước ngoài nhưng lập luận đó chỉ là một vài trường hợp lẻ tẻ.

Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia của chính phủ Nhật đã quyết định cần phải áp dụng hình phạt nặng hơn đối với những công ty ngược đãi công nhân. Nói vậy nhưng phải cần ít nhất 2 năm nữa, điều này mới trở thành luật.

  • Tố Uyên (theo BBC)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dùng ớt để bào chế thuốc gây tê  (05/10/2007)
Ô nhiễm - thủ phạm của bệnh ung thư  (04/10/2007)
Cảnh báo động đất đến từng nhà dân  (04/10/2007)
Rượu bia khiến người ta nghễnh ngãng  (03/10/2007)
Một loài chim bay không nghỉ 11.600 km  (03/10/2007)
Cuối năm 2008: Thẻ ATM liên thông giữa các ngân hàng  (02/10/2007)
Hóa chất bảo quản trái cây: Cực độc  (01/10/2007)
Khám phá mới: Rượu có liên quan đến ung thư  (01/10/2007)
Việt Nam có thể dự báo bão trước 5-7 ngày  (30/09/2007)
Có thêm 2 khu bảo tồn cho sao la Việt Nam  (28/09/2007)
Việt Nam có 9.600 cụ sống trên 100 tuổi  (28/09/2007)
Dùng chung café và paracetamol có thể gây tử vong  (27/09/2007)
3 thời điểm không nên ăn trứng gà  (27/09/2007)
Internet và môi trường học tập ngày nay  (27/09/2007)
Phát hiện 11 loài mới tại Việt Nam  (27/09/2007)