Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước ngầm
9:51', 11/10/ 2007 (GMT+7)

Trước đây, nguồn dữ liệu về tài nguyên nước ngầm ở tỉnh ta khá phong phú, nhưng phần lớn được lưu trữ dưới dạng các hồ sơ bằng giấy. Hiện nay nguồn dữ liệu này đã được tập hợp thành một hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu (CSDL), thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên quý giá này.

 

Nước ngầm vẫn được sử dụng vô tư mà chưa có quy chế quản lý cụ thể nào.

 

Hệ thống quản trị CSDL nói trên có tên là Hệ quản trị cơ sở dữ liệu nước ngầm của tỉnh Bình Định (BINH DINH GW BASE). Đây là kết quả của đề tài “Tổng hợp biên hội bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1/50.000; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước ngầm; đánh giá hiện trạng khai thác nước ngầm và đề xuất các giải pháp quản lý khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững tại tỉnh Bình Định” do kỹ sư Vũ Ngọc Trân - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất thủy văn-địa chất công trình miền Trung - làm chủ nhiệm.

BINH DINH GW BASE đã tập hợp toàn bộ tài liệu về điều tra, khai thác, sử dụng nước ngầm hiện có của tỉnh Bình Định từ trước đến nay và bổ sung thêm những kết quả điều tra của đề tài. Dữ liệu được chia làm ba bảng, gồm: bảng tổng hợp, bảng nước mặt, bảng nước ngầm; chứa đựng các dữ liệu địa chất, địa chất thủy văn của tất cả các giếng khoan, các điểm khảo sát, quan trắc nước mặt, nước mưa thuộc 3 loại hình: giếng khoan điều tra địa chất, địa chất thủy văn, giếng khoan khai thác nước ngầm và trạm quan trắc chất lượng nước ngầm.

Người sử dụng có thể xem, tra cứu, và khai thác thông tin một cách trực quan từ các bản đồ trên BINH DINH GW BASE. Chẳng hạn, muốn tra cứu dữ liệu theo điểm (các giếng khoan…) chỉ cần click chuột vào điểm cần tra cứu sẽ thấy được hầu hết các thông tin về địa chất thủy văn và nước ngầm tại đó. Tương tự, nếu cần tra cứu theo diện tích chỉ cần click chuột vào phạm vi cần tìm hiểu, sẽ nhận được đầy đủ các dữ liệu về diện tích, tổng lưu lượng khai thác an toàn, mật độ lỗ khoan khai thác được phép bố trí, khoảng cách hợp lý giữa các lỗ khoan, lưu lượng bình quân có thể đạt được ở mỗi lỗ khoan trong phạm vi đó…

BINH DINH GW BASE là kho lưu trữ dữ liệu dưới dạng phần mềm, có thể cung cấp cho các cơ quan quản lý của tỉnh những thông tin đầy đủ về tài nguyên nước ngầm, nhằm phục vụ cho quản lý, khai thác, sử dụng nước ngầm một cách hợp lý và bền vững.

Kết quả của đề tài còn cho thấy, hiện trạng quản lý nước ngầm của tỉnh ta còn rất nhiều bất cập. Hiện nay, tỉnh ta chưa có quy hoạch, chiến lược quản lý việc khai thác nước ngầm, chưa ban hành quy chế quản lý khai thác và thu phí khai thác nước ngầm. Các cơ quan quản lý của tỉnh chưa thật sự có sự phối hợp trong việc kiểm soát, điều phối các hoạt động điều tra, khai thác, sử dụng nước ngầm, khiến cho các hoạt động này không liên kết được với nhau. Vì vậy, đã không kiểm soát ngăn chặn được những hoạt động gây tác hại đến nguồn nước, như tình trạng khoan giếng vô tổ chức hoặc xả rác bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước; tình trạng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản mà không xin phép, không tuân thủ bất cứ quy định nào. Nạn khai thác nước ngầm khá bừa bãi, không được kiểm soát như hiện nay có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn vào sâu theo các cửa sông và vào các tầng nước ngầm ven biển.

Kỹ sư Vũ Ngọc Trân cho biết: “Khai thác nước ngầm ở Bình Định hiện tại chưa phải là vấn đề quá nghiêm trọng, vì tổng lượng nước khai thác còn thấp hơn so với trữ lượng khai thác an toàn của tầng chứa nước. Tuy nhiên, theo số liệu do phòng Tài nguyên nước và Khoáng sản (Sở TN-MT tỉnh) cung cấp, hiện toàn tỉnh có khoảng 47.500 giếng khoan và 183.000 giếng đào cung cấp nước sinh hoạt cho 738.000 người dân, công suất khai thác ước hàng trăm nghìn m3/ngày đêm (lớn hơn rất nhiều so với công suất khai thác nhà máy thuộc Công ty Cấp thoát nước Bình Định). Con số này so với tổng trữ lượng khai thác tiềm năng thì đã đến lúc phải báo động về tình trạng khai thác nước ngầm quá mức. Nếu không thì nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, gây xâm nhập mặn là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, quá trình thi công các lỗ khoan cấp nước cần được kiểm soát chặt chẽ từ khâu cấp phép, thiết kế đến khâu thi công thực địa”.

  • Mai Hồng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Căng thẳng trong quan hệ tăng nguy cơ đau tim  (10/10/2007)
Máu hiến rất nhanh hỏng  (10/10/2007)
Hai nhà khoa học châu Âu đoạt giải Nobel Vật lý  (10/10/2007)
Khám phá hơn 1.300 tiểu hành tinh mới  (10/10/2007)
Tàu thăm dò vũ trụ của NASA phát hiện ra chớp tại hai cực của sao Mộc  (10/10/2007)
Railcab: Taxi không người lái  (09/10/2007)
Nguyễn Việt đã ra đi  (08/10/2007)
Nhịn ăn đồ ngọt, sống thêm 15 tuổi  (08/10/2007)
Phát tán thư rác (spam) bị phạt tới 100 triệu đồng  (07/10/2007)
Rủ nhau đi làm đẹp  (06/10/2007)
Biến thành người khác sau khi ghép tạng  (05/10/2007)
Đào tạo hay lạm dụng sức lao động  (05/10/2007)
Dùng ớt để bào chế thuốc gây tê  (05/10/2007)
Ô nhiễm - thủ phạm của bệnh ung thư  (04/10/2007)
Cảnh báo động đất đến từng nhà dân  (04/10/2007)