VĂCXIN PHÒNG BỆNH DẠI:
Người dân khó tiếp cận - Vì sao ?
9:16', 25/10/ 2007 (GMT+7)

Theo quyết định của Bộ Y tế, kể từ ngày 24.9.2007, tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh đều ngừng sử dụng loại văcxin phòng dại Fluenzalida và thay thế vào đó là văcxin Verorab. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, người dân vẫn khó tiếp cận với loại văcxin mới này.

 

Một ca tiêm phòng vắcxin tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh.

 

* Giá quá cao

Chị Lê Thị Thanh Hường, 38 tuổi, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước là công nhân chế biến gỗ, lương 700.000 đồng/ tháng cho biết: “Cách đây 2 năm tôi bị chó cắn, đi tiêm văcxin chỉ tốn vài chục ngàn đồng. Bây giờ lại bị chó cắn cũng tiêm 5 mũi đó mà “mất” cả tháng lương”.

Cuối tháng 7 vừa qua, thông tin về việc tiêm phòng loại văcxin Fluenzalida gây ra nhiều tai biến đã làm cho người dân rất hoang mang. Tuy nhiên, việc sử dụng loại văcxin Verorab để thay thế với giá thành khá cao cũng không làm cho người dân yên tâm chút nào!

Bác sĩ Hứa Tự Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh nói: “Văcxin phòng dại cũ Fluenzalida rẻ (80.000 đồng/liều) nhưng tỉ lệ gây tai biến cao, Bộ Y tế đã đình chỉ lưu hành. Loại mới được nhập từ Pháp, có chỉ định tiêm phòng thì người dân khó tiếp cận bởi giá thành cao. Ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh đa số là dân nghèo nên không đủ khả năng để chi trả”.

Hiện nay, giá một lọ văcxin Verorab 0,5ml được các cơ sở y tế mua tại đơn vị cung ứng Công ty Cổ phần Dược-Mỹ phẩm May, TP HCM là 120.000 đồng, về địa phương cộng tất cả chi phí cần thiết để tiêm cho người dân thì giá đã đội lên gần 130.000 đồng. Nếu liều văcxin này được tiêm dưới da thì giá một liều khoảng 280.000 đồng đến 300.000 đồng. Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật tiêm văcxin dưới da khá khó với lượng thuốc đưa vào rất ít (0,1ml cho mỗi lần tiêm) nên chỉ có Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và một số đơn vị triển khai. Phần lớn các cơ sở y tế tuyến huyện đều phải tiêm vào bắp nên chi phí cho một liều điều trị của người dân cũng khá cao, khoảng 700.000 đồng đến 800.000 đồng.

Chính vì giá thành của văcxin Verorab quá cao nên đã có tình trạng người dân bị chó, mèo cắn bỏ tiêm phòng. Ở huyện Hoài Ân, một số người bị chó, mèo cắn chỉ tiêm 1,2 mũi văcxin phòng dại rồi bỏ cũng vì giá ngừa thuốc quá cao so với thu nhập.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, đến cuối tháng 8.2007, toàn tỉnh có hơn 6.600 lượt người tiêm phòng văcxin ngừa dại, trong đó riêng tháng 8 là thời điểm bắt đầu sử dụng văcxin Verorab thay thế chỉ có 499 lượt người tiêm phòng.

* Cơ sở y tế cũng khó

Trong khi người dân kêu trời vì giá văcxin mới quá cao thì các cơ sở y tế trong tỉnh cũng đang gặp khó khăn. Do văcxin Fluenzalida bị ngưng sử dụng bất ngờ, cần phải có loại văcxin phòng dại khác thay thế để phục vụ nhu cầu của người dân nên Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh giao hẳn các cơ sở y tế liên hệ với nhà phân phối, cung ứng để mua trực tiếp chứ không qua hình thức đấu thầu.

Bác sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi sử dụng cả 2 loại văcxin phòng dại là Verorab và Rabipur. Văcxin Rabipur có giá thành thấp hơn (khoảng 160.000 đồng/lọ 1 ml) nhưng loại này đang bị “đứt” hàng. Còn loại văcxin Verorab tương đối khó mua vì lâu nay các cơ sở y tế ở tỉnh ta vẫn chưa dùng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 8 đến nay, cũng chưa xảy ra tình trạng thiếu văcxin Verorab cung ứng”.

Do giá thành văcxin khá đắt nên các cơ sở y tế thận trọng trong việc mua văcxin phục vụ cho người dân. Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân, lo lắng: “Mỗi năm huyện Hoài Ân có nhiều người bị chó, mèo cắn cần phải tiêm phòng văcxin ngừa dại. Nhưng hiện nay, giá văcxin Verorab khá cao, đơn vị phân phối văcxin lại chỉ cho cơ sở y tế mua nợ trong vòng một tháng nên chúng tôi chỉ mua đủ để phục vụ cho người dân. Chúng tôi đang chờ kết quả đấu thầu thuốc năm 2007 của tỉnh để xem có loại văcxin nào khác thay thế Verorab hay không”.

  • Thu Hiền

Trong khi các cơ sở y tế tổ chức triển khai tiêm phòng văcxin ngừa dại cho người dân thì tại huyện Vân Canh từ năm 2005 đến nay, người dân buộc phải xuống tận TP Quy Nhơn hoặc huyện Tuy Phước để tiêm; vừa mất thời gian vừa tốn kém tiền bạc. Lý giải vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: “Tiêm phòng văcxin dại là tiêm theo dịch vụ. Thế nhưng, khi UBND tỉnh ban hành quyết định miễn hoàn toàn cho đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tiêm phòng văcxin thì Chi cục thuế của huyện không bán hóa đơn để đơn vị triển khai dịch vụ. Chúng tôi cũng đã có đề nghị với Chi cục nhưng không được”.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cha mẹ, con và blog sex  (24/10/2007)
80-90% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc lá  (24/10/2007)
Nhà ngoại cảm "dỏm" lừa tìm mộ liệt sĩ  (23/10/2007)
68% học sinh bị chói lóa khi ngồi trong lớp học  (22/10/2007)
Cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh gan  (21/10/2007)
Thư viện trực tuyến toàn cầu đang được xây dựng  (21/10/2007)
31 trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng  (20/10/2007)
Chia sẻ kiến thức trên mạng internet  (19/10/2007)
Phát hiện lỗ đen hình sao khổng lồ làm hoang mang các nhà thiên văn học  (19/10/2007)
Dây thần kinh “sinh học” giúp phục hồi chức năng bộ phận cơ thể bị tổn thương  (19/10/2007)
Việt Nam đang mất cân bằng giới tính  (18/10/2007)
Đưa Bình Định trở thành tỉnh điện tử  (18/10/2007)
Xem tivi trong khi ăn có hại cho trẻ  (17/10/2007)
Tập đoàn Microsoft cung cấp chương trình mới cho người sử dụng Internet  (17/10/2007)
Những kiểu di cư kỳ lạ của một số loài động vật  (17/10/2007)