Thời điểm “vào mùa” của bệnh tay - chân - miệng thường là giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 6 nhưng hiện nay bệnh lại đột biến tăng trở lại. Như vậy, sau TP.HCM và một số tỉnh, Bình Định cũng đã xuất hiện bệnh tay - chân - miệng trái mùa.
Bác sĩ Bùi Thị Hồng Nhụy, khoa Da liễu, Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết: “Từ đầu tháng 9 đến nay, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 30 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng, tập trung chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Sau khi điều trị ngoại trú, chúng tôi đã hướng dẫn cho các phụ huynh tiếp tục theo dõi bệnh cho trẻ và tiếp tục đến các cơ sở y tế trong tỉnh điều trị khi thấy bệnh có những dấu hiệu bất thường”.
Bệnh tay - chân - miệng trước đây chủ yếu do virus Coxsakie A16 lành tính gây ra và người bệnh tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, những năm gần đây các nhà chuyên môn đã phát hiện ra Enterovirus 71 và một số type virus khác cũng gây ra bệnh tay - chân - miệng nên rất nguy hiểm. Loại virus này có thể gây biến chứng ở não, viêm màng não, cơ tim làm cho bệnh nhân tử vong nhanh trong vòng 24 giờ.
Do tính chất nguy hiểm và diễn biến bất thường của bệnh nên việc phòng tránh bệnh xảy ra cho trẻ quan trọng nhất là cần đảm bảo vệ sinh trong ăn uống, môi trường vui chơi sinh hoạt của trẻ, cụ thể là phải rửa tay cho trẻ trước khi ăn; đảm bảo vệ sinh nguồn nước; sàn nhà, đồ chơi của trẻ cũng phải sạch sẽ; không để trẻ ngậm đồ chơi, hay bú ngón tay… |
Tình trạng lây nhiễm của bệnh tay - chân - miệng rất cao, nhất là ở nơi đông đúc như nhà trẻ, trường mẫu giáo. Trước tình hình này, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã yêu cầu Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai ngay các biện pháp giám sát, điều trị bệnh, tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân khỏi hoang mang, biết cách phòng chống bệnh, tránh để cho bệnh bùng phát mạnh.
Theo các nhà chuyên môn, nếu bệnh nhẹ, thì có thể bệnh tự khỏi sau 5 ngày. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây nên bệnh là do virus Entero 71 thì trẻ rất dễ bị biến chứng lên não, màng não, gây co giật, gây viêm cơ tim, phù phổi, hôn mê... dẫn đến tử vong rất nhanh trong vòng vài giờ. Thông thường, sau khi khởi phát bệnh độ một tuần, thì bệnh diễn tiến nặng. Khi bệnh diễn tiến nặng, việc chữa trị kịp thời, chữa trị đúng trong vòng 3 ngày sau đó là rất quan trọng. Do đó, khi thấy trẻ có các triệu chứng điển hình của bệnh như: nổi những bóng nước màu xam xám, hay màu đỏ rải rác khắp cơ thể, nhưng tập trung nhiều nhất là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng (những vết loét), đầu gối, mông, sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy… các phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.
|