Phòng chống bão cho nhà và công trình xây dựng
15:13', 25/10/ 2007 (GMT+7)

Bình Định là một trong những địa phương thường có nhiều bão lụt. Việc tìm hiểu các biện pháp phòng chống hợp lý nhằm giảm nhẹ thiệt hại do bão gây ra là một nhu cầu cần thiết và mang tính thực tiễn cao. Sau đây là những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình xây dựng nhà ở vùng bão của nhân dân và kết quả nghiên cứu từ một số đề tài, dự án về phòng chống bão trong và ngoài nước. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Các dạng phá hoại của bão lên công trình

Thiệt hại do bão gây ra thường rất lớn vì sức gió mạnh lại đổi chiều nhanh chóng.  Bão kèm theo mưa dữ dội thường gây ngập lụt, đắm tàu thuyền, sập đổ nhà cửa, công trình… Để có biện pháp phòng chống tác hại của bão lên nhà và công trình xây dựng, trước tiên cần tìm hiểu các dạng công trình phân theo kết cấu. Có hai loại kết cấu cơ bản là kết cấu nhẹ và kết cấu nặng.

- Kết cấu nhẹ bao gồm: kết cấu khung thép tiền chế, mái và kèo thép, kèo gỗ, chất lợp là fibôximăng hoặc mái tôn, nhà tranh tre nứa lá đơn giản. Khi hệ kết cấu mái bị biến dạng sẽ gây tốc mái, sập đổ toàn bộ mái và cả công trình.

- Kết cấu nặng: nhà xây gạch, khung bê tông cốt thép. Đối với các loại nhà này, hư hỏng do bão chủ yếu là tốc mái hoặc từng phần của mái, công trình bị xô nghiêng dẫn đến đổ tường dọc, tường ngang hoặc rạn nứt khối xây.

Thực ra, nguyên nhân gây hư hỏng công trình do gió bão rất nhiều, có thể do các nguyên nhân sâu xa, phức tạp, nhưng cũng có khi do các nguyên nhân hết sức đơn giản như: liên kết của tấm mái vào xà gồ không vững chắc, chốt cửa sổ của công trình bị yếu, gió dập nhiều làm vỡ kính cửa sổ, do sự chênh lệch áp suất lớn, gió lùa mạnh vào nhà gây tốc mái và có thể gây sập nhà… Do đó giải pháp phòng chống bão phải toàn diện, phải đi từ những chi tiết liên kết nhỏ nhất đến những giải pháp tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… nhằm tránh được những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

 

Các giải pháp phòng và giảm thiểu thiệt hại do bão

Sau đây là một số giải pháp kỹ thuật đơn giản, sử dụng vật liệu sẵn có, rẻ tiền để phòng và giảm thiểu thiệt hại do bão đối với nhà ở đã có, nhà ở xây mới hoặc sửa chữa phục hồi sau bão.

* Phòng và giảm thiểu tốc mái, đổ nhà cho nhà ở đã có, bao gồm:

(Giảm thiểu tốc mái tôn, fibôximăng bằng bao cát: Đối với nhà có độ dốc mái lớn, dùng các bao cát đóng lỏng có trọng lượng từ 15 - 20kg, nối với nhau bằng dây và đặt vắt qua mái nhà, sao cho các bao cát nằm sát trên đầu tấm lợp hoặc mép tiếp giáp của các tấm lợp. Khoảng cách giữa các bao cát là 1,5m ở vùng giữa mái và 1m ở xung quanh mái. Đối với nhà có độ dốc mái nhỏ, làm tương tự như trên nhưng không cần dùng dây để nối các bao cát với nhau.

(Giảm thiểu tốc mái tôn, fibôximăng bằng thanh nẹp: Đặt lên mái các thanh nẹp (có thể dùng thép góc, thép thanh Ø 14, gỗ, tre bổ đôi) cách nhau khoảng 1,5 - 2m tại mép chồng lên giữa hai tấm lợp. Đục lỗ tại đỉnh mút tấm lợp, dùng thép Ø 2mm buộc thanh nẹp vào đòn tay.

(Giảm thiểu tốc mái ngói bằng cách chèn vữa: buộc chặt vì kèo, đòn tay, rui, mè với nhau bằng dây thép Ø 1 - 2mm, hoặc đóng đinh, sau đó chèn vữa xi măng - cát tỉ lệ 1:3 gắn các viên ngói ở 3 - 4 hàng ngói xung quanh mái; xây bờ nóc mái bằng viên gạch úp nóc, xây bờ chảy mái, xây con chạch mái.

(Bịt kín cửa và khe hở chống gió lùa vào nhà: cài chặt các chốt cửa ra vào, cửa sổ, neo cửa bằng đòn tre hoặc gỗ vào tường nhà đề phòng gió giật làm bung cửa; dán cửa kính bằng băng keo dính bản rộng để giảm thiểu vỡ kính; bịt các khe hở giữa đỉnh tường và mái, các lỗ thông gió đầu hồi và trên cửa.

(Giảm thiểu tốc mái, đổ nhà bằng giằng chữ A kết hợp dây neo xuống đất:

- Với nhà mái tôn, fibrôximăng: đặt các thanh chặn ngang bằng tre (gỗ, thép) lên mái cách nhau khoảng 1m; đặt tiếp các giằng chữ A (đỉnh chữ A nằm ở đỉnh nơi tiếp giáp giữa hai mái nhà) cách nhau khoảng 2,5m lên thanh chặn, cột thanh chặn vào thanh giằng bằng dây thép hoặc dây thừng. Sau đó dùng dây thừng neo giằng chữ A vào các cọc tre đóng sâu xuống đất 1 - 1,5m.

- Với nhà mái lá: đặt phên, liếp hoặc lưới mắt cáo lên mái trước khi thực hiện tương tự như trên.

* Giảm thiểu thiệt hại do bão cho nhà xây mới:

- Lợi dụng địa hình sau các gò, đồi, cồn cát, sau các hàng cây để chắn gió bão. Nhà ở nên bố trí thành cụm, so le nhau, trồng thêm cây cản gió giữa các nhà. Không nên làm nhà nơi trống trải, ven sông, giữa 2 sườn đồi, núi. Việc bố trí các nhà thẳng hàng nhau sẽ tạo luồng gió hút gây nguy hiểm.

- Về kiến trúc, chiều dài nhà không quá 3 lần chiều rộng, trong nhà nên có một gian kiên cố (đổ mái bằng bê tông) để làm nơi trú ẩn khi xảy ra bão. Làm mái hiên ngắn, có trần để giảm tốc mái. Về móng nhà, phải có giằng móng bằng bê tông cốt thép đặt trên móng gạch chạy xung quanh nhà.

- Nhà xây gạch: nên xây tường đôi (20 - 22cm), làm giằng móng, giằng tường, liên kết vì kèo với giằng tường và vì kèo với các chi tiết trên mái. Trường hợp xây tường đơn (10 - 11cm) thì các trụ cách nhau khoảng 2,5m.

* Khi có bão lớn, người dân nên chọn các công trình công cộng kiên cố như trụ sở cơ quan, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để tránh bão. Khi không ở gần các công trình trên, có thể làm hầm trú ẩn bằng bao cát kết hợp với gỗ, tre và các vật dụng thích hợp khác.

  • P.V

* Xem video clip cách phòng chống bão cho nhà và công trình xây dựng.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những điều kỳ lạ nhất trong vũ trụ  (25/10/2007)
10 loại cây có chất độc hàng đầu thế giới  (25/10/2007)
Bệnh tay - chân - miệng xuất hiện trở lại  (25/10/2007)
Kỷ niệm 5 năm thành lập  (25/10/2007)
Người dân khó tiếp cận - Vì sao ?  (25/10/2007)
Cha mẹ, con và blog sex  (24/10/2007)
80-90% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do hút thuốc lá  (24/10/2007)
Nhà ngoại cảm "dỏm" lừa tìm mộ liệt sĩ  (23/10/2007)
68% học sinh bị chói lóa khi ngồi trong lớp học  (22/10/2007)
Cảnh báo về nguy cơ mắc bệnh gan  (21/10/2007)
Thư viện trực tuyến toàn cầu đang được xây dựng  (21/10/2007)
31 trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng  (20/10/2007)
Chia sẻ kiến thức trên mạng internet  (19/10/2007)
Phát hiện lỗ đen hình sao khổng lồ làm hoang mang các nhà thiên văn học  (19/10/2007)
Dây thần kinh “sinh học” giúp phục hồi chức năng bộ phận cơ thể bị tổn thương  (19/10/2007)