Theo Tân Hoa Xã, tàu thăm dò vũ trụ Hằng Nga 1 của Trung Quốc hiện đang đi theo quỹ đạo như mong muốn và sẽ đến được quỹ đạo của mặt trăng trong sáng nay (5.11).
Dưới sự điều khiển của Trung tâm kiểm soát không gian Bắc Kinh (BCC), Hằng Nga 1 thực hiện cú “hãm phanh” đầu tiên tại một điểm trong quỹ đạo của mặt trăng vào lúc 11h sáng nay (giờ địa phương) trước khi bay chậm dần để thu nhận các thông tin về lực hấp dẫn của mặt trăng và trở thành một vệ tinh quay xung quanh hành tinh này. Vận tốc của Hằng Nga 1 lúc đến điểm cần “hãm phanh” là 2,4 km/giây. Đây là một thời điểm quan trọng khác trong chuyến hành trình dài của Hằng Nga 1.
Hằng Nga 1 được phóng lên từ Trung tâm phóng vệ tinh Xichang tại tỉnh Sichuan ở tây nam Trung Quốc vào ngày 24.10 vừa qua. Tàu thăm dò này đã hoàn thành việc chuyển quỹ đạo lần thứ 4 vào trưa ngày 31.10, kết thúc 120.000km quay quanh trái đất để tiến vào quỹ đạo 380.000 quay quanh mặt trăng.
Sáng ngày 2.11 vừa qua, BCC đã tiến hành điều chỉnh quỹ đạo của Hằng Nga 1 để đảm bảo nó bay theo đúng lộ trình đã định sẵn. Lần điều chỉnh thứ 2, dự kiến vào sáng hôm qua (4.11), đã được hủy bỏ vì không cần thiết. Các nhà khoa học của BCC cho biết Hằng Nga 1 đã bay theo đúng quỹ đạo mong muốn với tốc độ hơn 300m/giây để tiến đến điểm “hãm phanh”. Tất cả mọi thông tin dữ liệu đều cho thấy vệ tinh này đang vận hành tốt. Khi Hằng Nga 1 tiến vào quỹ đạo của mặt trăng, nó sẽ được giảm tốc độ vài lần nữa. Dự kiến vệ tinh này sẽ gửi những hình ảnh đầu tiên về mặt trăng vào cuối tháng 11 và sau đó sẽ tiếp tục thám hiểm chị Hằng trong 1 năm.
Hằng Nga 1 nặng 2.350kg và có khả năng đem theo 8 trang thiết bị thăm dò là camera stereo, dụng cụ đo giao thoa, máy mô tả mặt trăng, quang phổ kế tia gama/tia X, dụng cụ đo độ cao laser, máy dò vi sóng, máy dò hạt mặt trời năng lượng cao và máy dò ion năng lượng thấp.
Hằng Nga 1 được phóng để phục vụ cho 4 mục tiêu khoa học: thám hiểu không gian 3 chiều bề mặt mặt trăng, phân tích sự dư thừa và sự phân tố các yếu tố trên bề mặt mặt trăng, điều tra các đặc tính của lớp sỏi đầy bụi trên bề mặt mặt trăng và thám hiểu tình trạng hiện nay giữa mặt trăng và trái đất.
Việc phóng thành công Hằng Nga 1 là bước đầu tiên trong chiến dịch thám hiểm của Trung Quốc. Bước thứ hai là đưa máy dò đi khắp nơi trên mặt trăng và bước thứ ba là đưa xe tự hành thu thập mẫu đất đá trên mặt trăng để nghiên cứu.
Mục tiêu của Trung Quốc là đưa người lên mặt trăng vào năm 2020.
Việc Trung Quốc phóng Hằng Nga 1 được xem là một phần trong cuộc đua chinh phục không gian của châu Á cùng với Nhật Bản và Ấn Độ. Trước đó, vào tháng 10, tàu thăm dò mặt trăng của Nhật đã tiến vào quỹ đạo của mặt trăng. Ấn Độ cũng đã có nhiều kế hoạch thực hiện sứ mệnh không người lái lên mặt trăng vào tháng 4 năm sau.
|