''Trong 3-5 năm qua không có tả; nếu có, chỉ lưu hành rải rác ở các tỉnh có lũ lụt. Trong khi dịch lần này lại xảy ra chủ yếu ở miền Bắc. Đặc biệt, Hà Nội lại là địa phương khởi phát dịch với số bệnh nhân cao nhất. Bên cạnh thực phẩm nguy cơ cao ban đầu là mắm tôm (với 100% trường hợp mắc có sử dụng), nay đã có ca bệnh nhiễm qua nguồn lây khác. Nguy cơ lây lan dịch qua thực phẩm không an toàn, nước bề mặt, nước sinh hoạt, nước trong gia đình có bệnh nhân tả vẫn rất lớn", Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn bày tỏ lo ngại tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống bệnh tiêu chảy cấp chiều 12.11.
Trong 24 giờ qua, thêm 86 ca tiêu chảy cấp nhập viện nâng tổng số bệnh nhân từ đầu vụ dịch lên 1.661 trường hợp, số dương tính với vi khuẩn tả là 204 và đã có 520 bệnh nhân ra viện. Đã có bệnh nhân người nước ngoài nhiễm khuẩn tả. Đến hôm qua lại thêm Thái Nguyên là tỉnh thứ 14 có bệnh nhân mắc tả. Bệnh nhân người địa phương nhưng nhặt rác tại Sóc Sơn (Hà Nội) về. Bộ Y tế đã mời Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ trong việc phân lập phẩy khuẩn tả trong một số mẫu thực phẩm, xác định sự tồn tại của vi khuẩn này trong các nguồn lây. Dự kiến trong tuần này, 8 đoàn thanh tra An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Chính phủ do các thứ trưởng, bộ trưởng các bộ, ngành làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra công tác ATVSTP tại các tỉnh, thành phố.
* Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tiêu chảy cấp trên phạm vi toàn quốc, Trung ương Đoàn đã có văn bản chỉ đạo các Tỉnh, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc thực hiện một số biện pháp cấp bách về việc chủ động phòng và dập tắt dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất với nội dung sau: Tập trung đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền thông qua hệ thống thông tin trực quan, tổ chức các tụ điểm truyền thông, các chương trình phát thanh thanh niên, phát tài liệu hướng dẫn phòng, chống dịch, đưa nội dung đó vào hoạt động của từng chi đoàn, tới từng cơ sở Đoàn, từng đoàn viên, thanh thiếu nhi... Phối hợp với ngành y tế thành lập các đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích phòng chống bệnh dịch để tăng cường các biện pháp tuyên truyền trực tiếp tới từng hộ gia đình, đồng thời hỗ trợ các lực lượng chức năng của ngành y tế tham gia dập tắt dịch bệnh, nhất là những vùng đang có dịch.
. Theo TNO
|