Một nhóm nghiên cứu người Kenya và người Nhật của trung tâm nghiên cứu động vật linh trưởng thuộc trường đại học Kyoto đã tìm thấy xương hàm 10 triệu năm tuổi của một loài vượn người tiền sử khổng lồ mà họ cho rằng có thể đó là tổ tiên chung cuối cùng của loài khỉ đột, tinh tinh và loài người. Mẩu xương hàm có 11 chiếc răng đã được tìm thấy dưới lớp bùn lắng của một ngọn núi lửa ở vùng Nakali thuộc phía bắc Kenya.
Cả 11 chiếc răng đều thấp và có phủ một lớp men dày. Bề mặt răng to. Những đặc điểm này chứng tỏ thực đơn hàng ngày của con vật gồm một lượng lớn các thức ăn cứng như hạt, quả hạch hay trái cây.
Nhiều loài có kích thước khoảng cỡ một con khỉ đột tới cỡ một con đười ươi cái. Điều này chứng tỏ có một mắt xích trong chuỗi tiến hóa đã bị mất. Nhờ vào phát hiện trên, các nhà khoa học có thể tiến đến một điểm mà ở đó họ giải thích được cái gọi là mắt xích tiến hóa bị mất. Loài vật mới được phát hiện có thể là loài ở giữa chuỗi tiến hóa của khỉ đột, tinh tinh và con người.
Nhóm khoa học vẫn tích cực tìm kiếm thêm nhiều hóa thạch, đặc biệt là hóa thạch dưới cổ, khác ở các địa điểm giao nhau của khu vực khai quật nhằm tạo nền tảng vững chắc cho giả thiết khoa học của họ và hiểu được cơ chế chuyển động của con vật.
Phát hiện này có vai trò quan trọng vì nó củng cố thêm cho giả thiết quá trình tiến hóa từ vượn sang người có thể đã xảy ra hoàn toàn tại châu Phi. Trước khi có phát hiện này, người ta đã tìm thấy rất ít bằng chứng hóa thạch ở châu Phi có tuổi từ 7-13 triệu năm. Một số chuyên gia khoa học đã bắt đầu nghi ngờ giả thiết tổ tiên chung cuối cùng của động vật linh trưởng và người đã rời châu Phi để đến châu Âu và châu Á nhưng sau đó lại quay trở về nơi xuất phát ban đầu.
Kết quả nghiên cứu trên đã được đăng trên số mới nhất của Biên bản lưu của Học viện Khoa học Quốc gia Kenya.
|