Một nhóm các nhà tâm lý học thuộc Viện Nghiên cứu xã hội của trường đại học Michigan (Mỹ) đã phát hiện ra nếu một người bỏ ra 10 phút để chat mỗi ngày thì trí nhớ của họ sẽ được cải thiện.
Trong lời giới thiệu về nghiên cứu của mình, trưởng nhóm nghiên cứu Oscar Ybarra viết “hoạt động giao tiếp xã hội như chat với nhau qua mạng cũng có hiệu quả như các phương pháp luyện tập trí óc truyền thống khác nhằm tăng cường khả năng ghi nhớ và tư duy”.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về 3.610 người ở độ tuổi từ 24 đến 96 và nhận thấy người nào có tần số giao tiếp xã hội càng cao thì nhận thức của họ càng nhanh nhạy. Giao tiếp xã hội ở đây bao gồm việc tụ tập bạn bè, bà con họ hàng, hàng xóm hay tán gẫu với nhau qua điện thoại trên mạng (phone chat).
Nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thử nghiệm trong điều kiện tại phòng lab trên 76 sinh viên đại học tuổi từ 18 đến 21 để đánh giá mức độ ảnh hưởng của giao tiếp xã hội và các bài tập thể dục cho trí óc lên khả năng ghi nhớ và tư duy.
Các sinh viên này được chia làm 3 nhóm. Nhóm có giao tiếp xã hội được thảo luận về một vấn đề xã hội trong vòng 10 phút trước khi làm bài trắc nghiệm. Nhóm tập thể dục trí óc phải hoàn thành 3 bài tập về đọc hiểu và chơi ô chữ trước khi bước vào bài trắc nghiệm. Nhóm đối chứng được xem một chương trình ti vi kéo dài 10 phút.
Ybarra kết luận: “Chúng tôi nhận thấy các hoạt động giao tiếp xã hội trong thời gian ngắn khoảng 10 phút đã thúc đẩy khả năng tư duy của tình nguyện viên. Mức độ cải thiện khả năng tư duy này cũng ngang bằng với kết quả của việc luyện tập thông qua các hoạt động trí tuệ trong cùng một khoảng thời gian”.
Dự kiến, nghiên cứu này sẽ được xuất bản trên tập chí Bản tin về Tâm lý xã hội và cá nhân số ra tháng 2.2008
|