Hôm qua (2.12), các nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu về ung thư Johnsson của trường đại học California tại Los Angeles (Mỹ) đã công bố một tiến bộ quan trọng trong việc tầm soát tế bào ung thư khi chúng sinh sôi nảy nở trong cơ thể người bệnh.
Tiến bộ mới này có thể giúp cho con người ứng dụng công nghệ nano để phát hiện mầm bệnh ung thư và biết được tốc độ phát triển của khối u ác tính.
Các nhà nghiên cứu đã dùng đầu nhọn và cực nhỏ của một cái nhíp để chọc vào cạnh của các tế bào sống trong khi quan sát toàn bộ quá trình qua một kính hiển vi năng lượng hạt nhân. Mục đích của họ là để xem màng của những tế bào này có độ mềm dẻo đến mức độ nào. Dựa vào đó, họ có thể đoán biết được tế bào nào là lành tính, tế bào nào là ác tính vì thông thường màng các tế bào ung thư mềm dẻo hơn màng của các tế bào khỏe mạnh. Sở dĩ tế bào ung thư có đặc tính trên là vì chúng sinh sôi quá nhanh ở một nơi chật chội cho nên chúng buộc phải mềm dẻo để ép chặt vào nhau cho đủ chỗ.
Phương pháp xét nghiệm kỹ thuật cao mới mẻ này sẽ được ứng dụng để thay thế cho kỹ thuật sinh thiết đang được áp dụng hiện nay. (Hiện tại, các bác sĩ phải tiến hành lấy mẫu mô tế bào, nhuộm mẫu mô đó rồi soi nó dưới kính hiển vi quang học để nhận diện những tế bào bất thường có khả năng sinh ung thư. Nhược điểm của phương pháp này là khó phân biệt được tế bào ung thư với tế bào khỏe mạnh trích xuất từ dịch các khoang trong cơ thể vì hai loại tế bào này trông gần giống nhau dưới kính hiển vi quang học).
|