|
Thịt lợn được bày bán "lộ thiên" nhiều giờ |
Kết quả điều tra mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, có rất nhiều mẫu thịt bị nhiễm khuẩn vượt quá mức cho phép:
Các loại vi khuẩn tìm thấy trong các mẫu thịt được đưa đi xét nghiệm là Staphylococcus Aureus (tụ cầu vàng), Clostridium perfringens (vi khuẩn yếu khí), và Salmonella (vi khuẩn gây bệnh phó thương hàn).
Các loại vi khuẩn này xâm nhập vào thịt gia súc, gia cầm ngay từ khâu giết mổ không đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Một miếng thịt - hàng triệu vi khuẩn
Thường ngày, chị Ngân đi chợ mua thịt và xay luôn tại chỗ cho tiện. Lúc nào vắng khách, thì chủ hàng thịt sẽ nhúng vào nước rửa qua rồi xay. Còn nếu hôm nào bận, họ thái thịt rồi xay ngay tại chỗ. Chị Ngân bảo: “Lo gì, về nhà cũng còn nấu trên lửa nóng cơ mà, vi trùng kiểu gì cũng chết hết”.
Chủ hàng thịt lợn Loan bán tại ngõ chợ Đê La Thành cho biết, sáng sớm đi chợ mổ lợn ở tận Thái Nguyên, làm vội vàng nên khi mổ cũng chẳng để ý tới những phần bảo quản, bỏ cùng vào cả một đống báo cũ cho đỡ ra nhiều nước hao cân.
Chị Loan còn bật mí, khi mổ cũng chẳng có nước sạch mà rửa thịt, toàn dùng nước ao rửa cho nhanh.
Theo tiêu chuẩn của ngành thú y, trong một gam thịt, nếu số tế bào vi khuẩn vượt quá 500.000 tế bào là không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, toàn quốc có khoảng 12.400 cơ sở giết mổ gia súc, trong đó số cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo vệ sinh chỉ chiếm khoảng 15%. Hầu hết các điểm giết mổ phát triển tự do, không thực hiện việc vệ sinh tiêu độc trước và sau khi giết mổ.
Việc giết mổ chủ yếu diễn ra trên nền nhà hoặc bệ, số cơ sở thực hiện giết mổ treo rất ít. Dụng cụ giết mổ không được tiệt trùng theo đúng quy định. Điều này rất nguy hiểm vì virus cúm có thể lây nhiễm chéo qua các thao tác giết mổ, gây ô nhiễm sản phẩm và đe dọa sức khoẻ người tiêu dùng.
Đặc biệt, thực phẩm bày bán “lộ thiên” từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối trong nhiệt độ môi trường rất nguy hiểm. Chỉ cần miếng thịt bị nhiễm một tế bào vi khuẩn thì sau 8 tiếng, nó đã nhân thành hàng triệu đến hàng tỷ. Ngoài ra, bàn bán hàng, dụng cụ pha, thái thịt không được khử trùng thường xuyên cũng là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển.
Mua thịt từ sớm sẽ tránh được nhiễm khuẩn
Theo phân tích của PGS.TS Trần Thị Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Thú y, các loại vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt dễ dàng bằng nhiệt độ. Tuy nhiên, nhiệt độ đun nấu bình thường không thể vô hiệu hóa độc tố, nha bào của chúng.
Với độc tố của tụ cầu vàng, cần phải đun nấu thức ăn trong nồi áp suất mới đảm bảo an toàn. Nha bào của vi khuẩn yếu khí cũng có khả năng chống chịu nhiệt độ cao. Việc xào nấu thông thường, đun đi đun lại nhiều lần không những không “giết” được chúng mà còn kích thích chúng hoạt động, sinh độc tố.
Cũng theo PGS.TS Hạnh, để tránh mua phải thịt bị nhiễm khuẩn, người tiêu dùng nên đi chợ sớm, mua loại thịt mới được đưa từ lò mổ đến chợ. Trong thời điểm này, thịt tương đối sạch, chưa bị nhiễm khuẩn nhiều.
Từ 10 - 12h hoặc từ 17 - 19h trong ngày là thời điểm không an toàn, vì sau nhiều giờ lộ thiên trong điều kiện thường, vi khuẩn đã bám đầy, sinh sôi và tiết độc tố trong miếng thịt.
Để tránh bị ngộ độc do thịt nhiễm khuẩn, người tiêu dùng nên tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc chế biến thực phẩm. Cần rửa thịt nhiều lần bằng nước sạch, thái bằng dụng cụ sạch và đun nấu kỹ để tiêu diệt vi khuẩn.
Nếu không chế biến được ngay sau khi mua về thì cũng nên rửa sạch rồi bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4oC. Trong điều kiện không có tủ lạnh, tốt nhất nên xây dựng thói quen mua và chế biến đến đâu, ăn hết đến đấy, không nên đun nấu lại nhiều lần.
. Theo GĐ&XH |