Ở cái tuổi ngũ tuần nhưng bà Đặng Thị Thảo ở huyện Tuy Phước vẫn tham công tiếc việc, ngày ở ngoài đồng tối làm việc nhà. Cách đây nửa tháng, bà Thảo thấy mệt, ăn uống kém, không đi tiểu được, vào BVĐK tỉnh, bác sĩ kết luận bà bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối. Cùng một bệnh như bà Thảo, ông Đặng Văn Thuận, 44 tuổi, ở huyện Tây Sơn dù mệt mỏi, tiểu khó nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên chỉ đến khi khó thở, tăng huyết áp, phù thũng gia đình mới đưa ông vào bệnh viện.
Thạc sĩ Nguyễn Dũng, phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, BVĐK tỉnh cho biết: “Đa phần những bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh suy thận mạn đều chỉ đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối do hoàn cảnh khó khăn. Và cũng vì thế nhiều người không đủ tiền chạy thận nhân tạo, phải bỏ dở nửa chừng hoặc chỉ chạy 1 hoặc 2 lần/tuần (thay vì 3 lần/tuần) nên rất nguy hiểm”.
Theo thống kê của BVĐK tỉnh, bình quân mỗi năm, số bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn chiếm khoảng 3% tổng số bệnh nhân.
Những người mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn đầu thường ít hoặc không có triệu chứng lâm sàng, bệnh tiến triển âm thầm nên người bệnh chủ quan. Đến khi nhập viện thì bệnh đã nặng, xuất hiện những biến chứng của suy thận như tăng huyết áp, thiếu máu, suy tim, thậm chí phù phổi cấp, xuất huyết não.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh suy thận mạn: bẩm sinh, nhiễm trùng tiết niệu, tiểu đường, cao huyết áp… Tuy nhiên, có hai nguyên nhân chính là bệnh nhân mắc bệnh viêm cầu thận mạn (khoảng 40%) và bệnh viêm thận bể thận mạn (khoảng 30%).
Thạc sĩ Dũng khuyến cáo: “Điều quan trọng nhất trong phòng chống bệnh suy thận mạn là bệnh nhân cần phải phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh như: ăn không ngon, mệt bất thường, đi tiểu nhiều, tiểu khó, tiểu máu, tiểu đục, tiểu buốt, đau dọc theo vùng cột sống ở thắt lưng, tăng huyết áp… Đồng thời, người dân nên tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ và làm các xét nghiệm cần thiết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời”.
Theo các chuyên gia về thận tiết niệu, chế độ ăn uống có tác động rất lớn trong việc hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn. Theo đó, người dân không nên ăn quá nhiều thực phẩm có chứa nhiều canxi (vì canxi có thể kết tinh thành sỏi thận). Đối với những người cao huyết áp không nên ăn mặn, rất dễ làm tổn thương các mạch máu và ngăn cản mạch máu loại trừ các chất cặn bã. Uống nhiều nước cũng là một biện pháp hiệu quả để giúp thận lọc chất độc, cặn bã có thể tạo thành sỏi thận. Đặc biệt, khi bệnh nhân mắc bệnh suy thận mạn, cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu nguyên nhân gây bệnh được xuất phát từ bệnh tăng huyết áp hoặc đái tháo đường thì phải khống chế các bệnh này bằng cách điều chỉnh lối sống và dùng thuốc để làm chậm sự phát triển của quá trình suy thận.
|