Thay vì đi bộ theo máy, người sử dụng có thể ngồi phía sau máy để điều khiển máy cắt lúa. Đây là lần thứ hai anh Nguyễn Kim Chính (ở thôn Đại Ân, xã Cát Nhơn, Phù Cát) cải tiến máy cắt lúa rải hàng.
|
Anh Nguyễn Kim Chính đang vận hành máy cắt lúa cải tiến lần 2 của mình. Ảnh: H.L
|
Cách đây chừng 3 năm, anh Chính đã cải tiến máy cắt lúa rải hàng từ máy cắt lúa FUTU 1 có bán trên thị trường. Nay trên cơ sở máy đã cải tiến, anh thêm hệ thống sên rút nhau, gắn thêm bánh hơi vào 2 bánh lồng, thêm bánh xe thứ 3 phía sau, thêm yên ngồi để người sử dụng không phải đi bộ theo. Máy cắt được lúa cả lúc trời mưa, lúc lúa ướt do sương, lúa ngã 45 độ, ruộng lầy - điều mà máy cùng loại không làm được.
Trước đây, người điều khiển máy cắt lúa rải hàng phải “lẽo đẽo” đi bộ theo máy, tốn công tốn sức rất nhiều. Anh Chính đã khắc phục được nhược điểm này. Không dùng bánh lồng cũ, anh tạo ra một bánh lồng mới - một mâm sắt có hàn 8 lá tôn chống lầy hình xoắn, mỗi miếng dày 3 mm có cốt là sắt chữ V hay L, bề ngang 20 cm (ngắn hơn trước) - khi lội ruộng bùn không bị lún, không bị bám đất và lúa... Đối lưng với bánh lồng là bánh hơi, tiện vận hành trên đường.
Ở đuôi sau, bánh xe máy được thay bằng bánh rùa hơi. Chỉ gạt cần là càng bánh xe xếp vào hay mở ra. Khi máy đi trên đường hoặc khi cắt ruộng khô, người điều khiển có thể mở càng bánh xe để ngồi; khi ruộng lầy thì thu càng lại và đi bộ. Đuôi sau của máy có độ dài hợp lý để khi qua góc quanh, bánh sau không cán lên lúa đã cắt. Máy tải thêm người ngồi nhưng không phải tăng công suất; vận hành ở ruộng khô mất 7 - 10 phút/sào, ruộng lún 12- 15 phút/sào (giảm 3 - 5 phút/sào so với máy cải tiến lần trước). Năng suất cắt không giảm, công suất máy không cần tăng. Máy này cắt được cả trên ruộng nước lún đến 20 cm.
Máy cắt lúa cải tiến của anh Nguyễn Kim Chính là một trong những sản phẩm đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc” lần thứ I năm 2004-2005. Sản phẩm máy gặt cải tiến đa năng của anh Chính đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận quyền sở hữu tác giả. |
Anh Chính cho biết, từ tháng 4.2007 đến nay, sau khi hoàn chỉnh chiếc máy cải tiến mới, anh đã bán ra khoảng 15 chiếc. Với giá bán 18,5 triệu đồng/chiếc, so với máy cắt lúa sản xuất ở An Giang thì đắt hơn khoảng 4 triệu đồng, nhưng tiện ích, đỡ tốn sức, cắt được với điều kiện lúa ngã, ướt… Nếu sản xuất hàng loạt dưới dạng công nghiệp thì giá sẽ rẻ hơn.
Qua tham gia Hội chợ triển lãm nông nghiệp vào tháng 9.2007, máy cắt lúa cải tiến của anh Chính được nhiều người biết đến và quan tâm vì những tiện ích của máy. Mặc dù vậy, hiện nay sản phẩm máy cắt lúa cải tiến này chỉ được anh Chính sản xuất theo đơn đặt hàng. Bởi muốn sản xuất quy mô công nghiệp cần có vốn và công tác tiếp thị quảng bá, tổ chức sản xuất, tiêu thụ. Tuy nhiên, với một người nông dân như anh Chính, việc đẩy mạnh sản xuất loại máy này theo quy mô công nghiệp vượt quá khả năng của anh về nhiều mặt. Hiện nay anh Chính đã thành lập công ty, nhưng chưa có vốn để đầu tư sản xuất hàng loạt…
|