Thương mại điện tử và mua bán qua mạng Internet
19:32', 13/12/ 2007 (GMT+7)

Internet đang tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động của nền kinh tế đất nước và các doanh nghiệp, tạo dựng môi trường kinh doanh mới, hình thành kênh thông tin, cung cấp, phân phối mới trên các thị trường điện tử. Các hoạt động thương mại điện tử như mua bán hàng hóa, dịch vụ, thông tin... đang tăng trưởng với tốc độ rất cao hàng năm và thực sự đã làm thay đổi thế giới, thay đổi hoạt động mua bán của các doanh nghiệp và từng cá nhân.

Với sự phát triển của Internet và thương mại điện tử (TMĐT), hoạt động mua và bán ngày nay không chỉ diễn ra tại chợ hay cửa hàng mà còn diễn ra trên mạng như một loại chợ ảo. Bạn có thể ngồi tại nhà, vào mạng Internet dạo quanh các chợ ảo, lựa chọn xem xét hàng hóa tùy thích, vài thao tác chuyển tiền qua mạng rồi “click” chuột và nhâm nhi cà phê đợi người mang hành đến tận nhà cho bạn. Việc mua hàng qua mạng bây giờ không còn xa lạ đối với thành phố lớn. Sách báo, hàng tiêu dùng, xe máy và cả ô tô bạn đều có thể xem hàng, mua hàng qua mạng. Dạo hàng trên chợ ảo thì không được hưởng cái thú vị của việc sờ nắn hàng hóa, mặc thử nhưng vẫn có cảm giác như đi siêu thị, đặc biệt là không ...mỏi chân. Ban chỉ việc chọn lựa hàng hóa, cho vào giỏ hàng ảo, OK và chuyển tiền qua mạng bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM là xong. Ở xa bạn có thể phải mất vài ngày, nhưng ở các thành phố lớn bạn sẽ được nhận hàng ngay trong ngày.

Thương mại điện tử là quy trình mua bán ảo thông qua việc truyền dữ liệu giữa các máy tính nối mạng Internet. Tại đây một mối quan hệ thương mại hay dịch vụ trực tiếp giữa người cung cấp và khách hàng được tiến hành thông qua Internet. Hiểu theo nghĩa rộng, thương mại điện tử bao gồm tất cả các loại giao dịch thương mại mà trong đó các đối tác giao dịch sử dụng các kỹ thuật thông tin trong chào mời, thỏa thuận, giao nhận hàng hóa, chuyển tiền điện tử, mua bán cổ phiếu điện tử, vận đơn điện tử, đấu giá thương mại, hợp tác thiết kế, mua sắm công cộng, tiếp thị trực tiếp tới người tiêu dùng và các dịch vụ sau bán hàng. Thương mại điện tử làm thay đổi các mô hình kinh doanh truyền thống. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, TMĐT đem lại phương thức tiến hành mới, hiệu quả hơn, nhanh hơn so với tất cả các hoạt động truyền thống, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, nâng cao hiệu quả, tăng lợi nhuận, giảm chi phí, duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên các ứng dụng công nghệ thông tin. Có thể nói rằng Thương mại điện tử đang trở thành một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức mua sắm của con người.            

TMĐT tăng cơ hội bán cho người bán đồng thời cũng tăng cơ hội mua cho người mua. Các doanh nghiệp có thể dùng TMĐT trong quá trình mua bán để xác định các đối tác cung và cầu mới. Trong TMĐT thì thỏa thuận về giá cả và chuyển giao các mặt hàng dễ dàng hơn bởi vì Web có thể cung cấp thông tin cạnh tranh về giá cả rất hiệu quả. TMĐT đẩy mạnh tốc độ và tính chính xác để các doanh nghiệp có thể trao đổi thông tin và giảm chi phí cho cả hai bên trong các giao dịch. TMĐT cho người kinh doanh nhiều sự lựa chọn hơn là thương mại truyền thống bởi họ có thể đồng thời biết nhiều loại sản phẩm và các loại dịch vụ từ nhiều người bán khác nhau luôn sẵn sàng hàng ngày, hàng giờ.

TMĐT cung cấp cho người kinh doanh cách dễ dàng nhất để tùy chỉnh các cấp độ thông tin trong mua bán. Thay vì phải đợi nhiều ngày để gửi thư từ, mang theo một quyển mẫu hoặc các trang mô phỏng sản phẩm hoặc thậm chí nhanh hơn là nhờ vào những giao dịch qua fax, thì người kinh doanh có thể truy cập ngay vào những thông tin chi tiết trên Web. Một số sản phẩm  phần mềm tin học có thể chuyển qua Internet, giảm được thời gian và chi phí giao nhận hàng. TMĐT cũng góp phần làm tăng thêm phúc lợi xã hội. Thanh toán điện tử của việc trả thuế, lương hưu, và phúc lợi xã hội chi phí thấp, an toàn và nhanh chóng khi giao dịch qua Internet. Hơn nữa các thanh toán điện tử có thể kiểm toán và điều hành dễ dàng hơn các thanh toán bằng séc có thể chống thất thoát và gian lận.

Hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay còn khá mới đối với các doanh nghiệp. Nguyên do là các văn bản pháp quy phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử chỉ mới được ban hành và đội ngũ am hiểu thương mại điện tử còn thiếu. Tuy nhiên, đây lại là một lĩnh vực mang lại rất nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp nên chắn chắn trong thời gian tới TMĐT sẽ phát triển mạnh. Chỉ cách đây khoảng chục năm Việt Nam còn xa lạ với  Internet, vậy mà hiện nay chúng ta đã lọt vào Top 20 quốc gia sử dụng Internet trên thế giới. Trên đà phát triển đó chắc chắn trong vài năm tới thương mại điện tử sẽ bùng nổ ở Việt Nam và các doanh nghiệp sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên nhờ áp dụng phương thức mua bán hiện đại này.

  • Thu Thảo
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Hai Lúa” cải tiến máy cắt lúa  (13/12/2007)
Cẩn thận khi chọn giày cho trẻ em  (12/12/2007)
GS, TS Trần Văn Trường được ABI bầu chọn là nhân vật của năm 2007  (12/12/2007)
Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ thông tin cho tàu cá  (12/12/2007)
"Vợ bầu… chồng bí"  (11/12/2007)
Cước di động của các mạng GSM sẽ bằng nhau ?  (11/12/2007)
Công bố hết dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm  (11/12/2007)
Tiến sĩ người Việt nhận giải thưởng của Hội thiên văn Mỹ  (10/12/2007)
Chất chống tia tử ngoại dựa trên công nghệ gene giúp ngừa ung thư da  (09/12/2007)
Xe máy điện xách tay  (09/12/2007)
Siêu máy tính chạy trên một chip  (09/12/2007)
Đẹp nhờ... dao kéo  (08/12/2007)
Phát hiện loài cây mới ở Việt Nam  (07/12/2007)
Đồ chơi gây tiếng ồn có thể tổn hại thính giác trẻ  (06/12/2007)
Bóng đèn khử khói, khử mùi  (06/12/2007)