Năng lượng tái tạo: hướng đi cho các nước châu Á
11:50', 18/12/ 2007 (GMT+7)

Một nông dân ở Nam bộ làm dụng cụ thu năng lượng mặt trời để sử dụng trong gia đình. (Ảnh: VNN)

Những năm gần đây nhiều gia đình ở nước ta, nhất là các tỉnh phía Nam có điều kiện ánh sáng mặt trời ổn định, bắt đầu làm quen với các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời trong việc đun nấu trong nhà, đun bình nước nóng nhà tắm. Trung Tâm Nghiên Cứu Thiết Bị Áp Lực Và Năng Lượng Mới, thuộc Đại Học Đà Nẵng, phối hợp với Tổ Chức Phục vụ Năng lượng mặt trời (Solar Serve) đã hoàn thành nghiên cứu và đưa bếp Năng lượng mặt trời vào sử dụng rộng rãi nhiều vùng trong cả nước. Dự án ra đời nhằm nâng cao nhận thức của người dân và từng bước đưa các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời vào cuộc sống hằng ngày.

Hiện có 2 dạng bếp được sử dụng: Bếp hình hộp dùng để đun nước và nấu cơm sử dụng một cái chậu nhôm, phía trên có một tấm kính gắn tấm phản chiếu ở phía sau, giá thành khoảng 250.000 đồng. Loại thứ 2 mới được sản xuất năm nay là bếp hình parabol, gồm một chảo parabol nhằm tập trung tia nắng mặt trời tại một điểm để đun nấu. Bếp nấu rất nhanh và đạt nhiệt độ cao như đun nấu bằng nhiên liệu bình thường. Bếp parabol có giá thành 950.000 đồng/cái. Sở Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Viện Năng lượng thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam nghiên cứu và đưa vào sử dụng thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời được làm bằng nguyên liệu trong nước, dung tích 180 lít, giá thành khoảng 3.000.000 đồng, cung cấp đủ nước nóng cho gia đình, nhà trẻ, khách sạn, chế biến hải sản. Ở các tỉnh phía Nam các loại thiết bị đun bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời đã được sử dụng rộng rãi và hiệu quả đem lại rõ rệt, nhất là trong tình hình nguồn điện đang rất khó khăn hiện nay.

Ngoài năng lượng mặt trời, các phụ phẩm nông nghiệp hiện nay như trấu, bã mía, sắn, ngô, quả có dầu, gỗ, phân động vật, rác sinh học đô thị cũng là dạng năng lượng tái tạo dồi dào ở nước ta, trong đó trấu và bã mía là hai phụ phẩm có khả năng dùng để phát điện năng lớn nhất. Lợi thế to lớn của nguồn năng lượng này là có thể dự trữ và sử dụng khi cần, đồng thời luôn ổn định, có thể cung cấp điện trên qui mô nhỏ. Theo đánh giá, chỉ riêng bã mía cũng có thể cung cấp được 250MW mỗi năm, trấu cũng có thể đạt 100MW/năm. Những loại năng lượng khác như phân gia súc, khí của các bãi rác chôn lấp nếu thu hồi tốt cũng có thể phát điện với tổng lượng khí khoảng 10 tỷ m3/năm.

Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, đã có nhiều kế hoạch tham vọng nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo. Những kế hoạch đó bao gồm việc nâng sản lượng điện từ phong điện ở mức 570 megawatt (MW) hiện nay lên 20.000 MW vào năm 2020, và 50.000 MW vào năm 2030. Một MW điện có thể cung cấp năng lượng cho 1.000 hộ gia đình. Việc thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học như dùng rơm rạ, cặn đường và rác nông nghiệp để chạy nhà máy điện, có thể giúp Trung Quốc tiết kiệm 28 triệu tấn than mỗi năm. Tại Nhật Bản, một trong những nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, các nhà sản xuất ô-tô đang đầu tư mạnh vào pin nhiên liệu hydro dành cho các loại xe mới. Mặc dù vậy, chi phí vẫn ngoài tầm với của những người có thu nhập trung bình.

Để giảm lượng dầu mỏ tiêu thụ, Ấn Độ đã bắt đầu trộn xăng với ethanol cũng như tiến hành thử nghiệm một số loại phương tiện giao thông sử dụng hỗn hợp diesel sinh học chiết xuất từ thực vật và diesel dầu mỏ. Bộ Tài nguyên Năng lượng phi truyền thống của Ấn Độ ước tính nước này có tiềm năng sản xuất 80.000 MW điện từ các nguồn tái tạo. Tuy nhiên, hiện nay năng lượng tái tạo ở Ấn Độ mới đạt 5.000 MW, 50% trong số này có nguồn gốc từ năng lượng gió.

Chính phủ Philippin sẽ bắt đầu triển khai nhà máy điện sử dụng đường mía đầu tiên tại nước này vào năm tới. Tháng 7/2004, các loại xe của chính phủ Philippin đã bắt đầu sử dụng nhiên liệu pha 1% methyl ester từ dừa. Philippin, quốc gia sản xuất điện địa nhiệt lớn thứ hai thế giới, muốn đầu tư hơn nữa vào ngành này nhằm giảm sự thiếu hụt điện hiện nay. Indonexia cũng đang đầu tư vào điện địa nhiệt nhằm đáp ứng nhu cầu điện tăng trưởng 10% của nước này. Trong khi đó, Thái Lan muốn thay thế xăng thông thường bằng một hỗn hợp gồm 10% ethanol cũng như tăng mức tiêu thụ ethanol mỗi ngày lên 12 lần vào năm 2006.

Việt Nam đã sử dụng thủy điện nhỏ từ lâu nhằm giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình và cộng đồng nhỏ (chủ yếu là vùng trung du miền núi). Thủy điện nhỏ có sức cạnh tranh so với các nguồn năng lượng khác do có giá thành rẻ, khoảng 600 đồng/kWh. Ước tính, Việt Nam có khoảng 480 trạm thủy điện nhỏ với tổng công suất lắp đặt là 300MW, phục vụ hơn 1 triệu người tại 20 tỉnh (trong đó, 50% trạm thủy điện nhỏ đặt ở vùng núi phía Bắc). Con số 300MW quả là quá khiêm tốn so với tiềm năng của thủy điện nhỏ ở Việt Nam là 2.000MW, tương đương với công suất của nhà máy Thủy điện Hòa Bình.

Về phong điện, tiềm năng gió tại Việt Nam không bằng các nước châu Âu, song so với Đông Nam Á thì lại có tiềm năng nhất bởi vì nước ta có bờ biển dài, lại nằm giữa chí tuyến Bắc và xích đạo - nơi có gió thổi điều hòa nhất. Sử dụng nguồn điện bằng sức gió không lo hết nhiên liệu hay cạn kiệt nguồn nước như nhiệt điện và thủy điện, không gây những tác động đáng kể đến môi trường, nhưng đáng tiếc là cho tới nay, năng lượng gió ở Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Theo các nhà khoa học, ở nước ta, năng lượng gió có thể phát triển cho những khu dân cư ven biển và đảo xa bờ, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho dân sự và quân sự. Ước tính, tiềm năng phát triển phong điện ở Việt Nam từ nay tới năm 2030 là 400 MW.

Năng lượng tái tạo đang được khuyến khích sử dụng trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước châu Á. Các chuyên gia năng lượng tái tạo thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định rằng năng lượng tái tạo có ý nghĩa sống còn đối với các nền kinh tế châu Á. Năng lượng tái tạo giúp giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ, giảm nhẹ biến động kinh tế khi giá dầu tăng, giảm ô nhiễm môi trường trong khu vực mà có tới hơn 50% dân số thế giới đang cư trú. Thúc đẩy sử dụng năng lượng mặt trời, gió và nhiên liệu sinh học cũng như xây dựng các nhà máy thủy điện nhỏ tại vùng xa, không thể tiếp cận điện lưới quốc gia, sẽ giúp giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch và nâng cao tiêu chuẩn sống.

  • Thu Thảo (Tổng hợp)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hành tinh có thể có sự sống thực sự  (17/12/2007)
Làm gì khi con bạn bị sốt?  (17/12/2007)
Tinh trùng- đầu mối quan trọng mở ra hiểu biết về những bệnh miễn dịch  (17/12/2007)
Những người có khả năng kỳ lạ  (14/12/2007)
10 khám phá đáng chú ý trong lĩnh vực y học năm 2007  (14/12/2007)
Giữa thế kỷ này, trái đất có thể hết sạch san hô  (14/12/2007)
Chuột không sợ mèo nhờ... biến đổi gien!  (14/12/2007)
Hãy khóc mỗi khi tâm hồn bạn bị tổn thương  (14/12/2007)
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường  (13/12/2007)
Thương mại điện tử và mua bán qua mạng Internet  (13/12/2007)
“Hai Lúa” cải tiến máy cắt lúa  (13/12/2007)
Cẩn thận khi chọn giày cho trẻ em  (12/12/2007)
GS, TS Trần Văn Trường được ABI bầu chọn là nhân vật của năm 2007  (12/12/2007)
Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ thông tin cho tàu cá  (12/12/2007)
"Vợ bầu… chồng bí"  (11/12/2007)