Thiếu ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư phổi. Một nhóm các nhà khoa học của trường đại học California, San Diego đã đưa ra kết luận như vậy.
Sau khi khảo sát số liệu của 111 nước ở một số châu lục, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tỉ lệ bệnh nhân ung thư phổi xảy ra cao nhất ở những nước xa xích đạo nhất, nơi thiếu ánh nắng mặt trời nhất.
Nhóm nghiên cứu tin rằng vitamin D được sinh ra trong quá trình phơi nắng có thể làm trì hoãn sự phát triển của khối u ác tính bằng cách thúc đẩy các nhân tố chịu trách nhiệm về sự chết đi của tế bào trong cơ thể.
Tiến sĩ Cedric Garland, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết ung thư phổi thường bắt đầu xuất hiện ở các tế bào biểu mô vốn phát triển thành dãy trên bề mặt của mô một cơ quan. Khi những tế bào này biểu mô này phân chia một cách không kiểm soát được thì cơ quan đó sẽ bị ung thư.
Vitamin D có thể kích thích cơ thể tiết ra các chất hóa học. Những chất này kết hợp với canxi để tạo thành một hợp chất giống như keo dán giúp các tế bào trên dính chặt với nhau, cản trở quá trình phân chia của chúng. Vì vậy, bệnh ung thư sẽ tiến triển chậm lại.
Nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí Dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia khoa học trên cũng đưa ra khuyến cáo là không nên phơi nắng quá độ vì ánh nắng mặt trời vẫn là tác nhân chính gây ra ung thư da. Chỉ cần phơi nắng điều độ và vừa phải (khoảng từ 5-15 phút/ngày vào những ngày trời đẹp, quang mây và chỉ để hở khoảng 40% cơ thể) để tránh bị ung thư phổi vừa không lo sợ bị ung thư da hay khối u ác tính.
Mỗi năm trên thế giới có hơn 1 triệu người chết vì ung thư phổi. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính của căn bệnh này. (Hơn 85% tổng số ca ung thư phổi có liên quan đến việc hút thuốc).
|