1. Thành lập Mạng lưới liên chính phủ về thay đổi khí hậu (IPCC)
Mạng lưới này qui tụ hàng ngàn nhà khoa học quốc tế những người thường xuyên làm việc với nhau kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước không thông qua một cơ quan đầu mối liên lạc nào. IPCC được thành lập năm 2007 nhằm thúc đẩy sự đồng tâm hiệp lực trong giới khoa học nghiên cứu về vấn đề thay đổi khí hậu. Trong báo cáo đánh giá lần thứ 4 tập hợp hàng loạt báo cáo công bố rải rác suốt năm 2007 về thay đổi khí hậu của IPCC, cơ quan này đã đưa ra kết luận cuối cùng rằng tình trạng toàn cầu ấm lên là có thật và nguyên nhân chính nằm ở con người. IPCC cũng đưa ra những cảnh báo chi tiết về hậu quả tiềm ẩn nếu chúng ta không kiểm soát sự ấm dần lên của trái đất. Cơ quan này đã đề xuất một lộ trình thay đổi kinh tế, kỹ thuật nhằm tránh xảy ra một thảm kịch tồi tệ nhất.
IPCC đã chia sẻ giải Nobel Hòa bình 2007 cùng với cựu tổng thống Mỹ Al Gore.
2. Dây chuyền cung cấp sản phẩm xanh
Trong thời đại toàn cầu hóa, giới doanh nghiệp dường như có khả năng sáng tạo ra những thay đổi triệt để hơn bất kỳ chính phủ một nước nào. Nhiều tập đoàn đa quốc gia có hàng ngàn chi nhánh lớn nhỏ trên khắp thế giới có thể buộc những nhà cung cấp bán cho họ những loại hàng hóa “xanh” hơn. Tháng 10 vừa qua, tập đoàn bán lẻ Wal-Mart của Mỹ đã sáng kiến thành lập Liên minh các nhà lãnh đạo dây chuyền cung cấp. Vài công ty lớn nhất thế giới như Proter & Gamble, Unilever cũng bắt tay cùng nhau để gây sức ép đối với các nhà cung cấp, buộc họ phải báo cáo tình hình thải khí gây hiệu ứng nhà kính của họ đồng thời phải nỗ lực hơn nữa trong việc đấu tranh chống lại sự thay đổi khí hậu.
3. Quỹ phòng tránh phá rừng
Mỗi ngày trên thế giới có ít nhất 80.000 ha rừng bị biến mất. Ước tính nạn chặt phá rừng là tác nhân gây ra khoảng 20% lượng khí carbon trên toàn cầu. Có một cách để làm chậm lại tốc độ phá rừng. Đó là các nước giàu phải đền bù cho những nước nghèo hơn để những nước nghèo chăm sóc rừng của họ. Tuy nhiên, chẳng có một thỏa thuận nào như vậy được ký theo tinh thần của nghị định thư Kyoto. Vì vậy, tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Thế giới đã bắt đầu chiến dịch gây một quỹ thử nghiệm trị giá 250 triệu USD để tài trợ cho các dự án chống phá rừng. Sáng kiến này đã được đưa ra bàn thảo chi tiết tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về khí hậu vừa mới được tổ chức tại Indonesia.
4. Giới cổ cồn xanh
Nếu các nước chuyển sang sử dụng công nghệ sạch và xanh hơn hiện nay thì có thể sẽ xuất hiện một tầng lớp lao động hoàn toàn mới: giới cổ cồn xanh. Đó có thể là những người chuyên đi lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời cho các công trình xây dựng. Đó có thể là những nông dân sản xuất theo công nghệ hữu cơ sạch. Đó có thể là những người làm công tác bảo tồn và cứu hộ loài gấu trắng Bắc cực. Xét theo nghĩa này thì công nghệ sạch và xanh đã tạo ra thêm công ăn việc làm. Mâu thuẫn lợi ích giữa việc bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế đã được giải quyết tích cực.
5. Xe hơi E-Flex chạy bằng nhiều loại nhiên liệu khác nhau
Hãng General Motors đã cho ra đời dòng xe hơi thông minh mang tên E-Flex dựa trên nền tảng ý tưởng một chiếc xe hơi điện Chevrolet Volt. E-Flex có khả năng chạy bằng pin được nạp điện, bằng nhiên liệu hydrogen, bằng khí ethanol hay bằng dầu nhớt thông thường.
6. Địa cơ khí
Địa cơ khí từng được xem là ý tưởng điên rồ chỉ có trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chuyên gia khoa học ủng hộ ý tưởng này. Khái niệm mới này xuất phát từ nỗ lực làm giảm nhiệt độ trái đất thông qua các hành động ở qui mô hành tinh của các nhà khoa học. Chẳng hạn như họ muốn “khóa” tia nắng mặt trời bằng cách lắp đặt các tấm gương trong vũ trụ, trồng nhiều trụ sắt dưới đáy biển để giúp các sinh vật phù du hấp thụ nhiều khí C02 hơn hay bơm sulfur vào thượng tầng khí quyển để tạo thành những đám mây làm chệch hướng nắng. Các nhà khoa học không dám nói chắc liệu những giải pháp trên có khả thi hay không nhưng ít nhất nó cũng gióng thêm một hồi chuông cảnh báo về khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
|