Tổ lạnh, tổ rỗng thời hiện đại
19:10', 19/12/ 2007 (GMT+7)

Đó là những gia đình có vẻ ngoài hạnh phúc, thành đạt, nhưng bên trong ẩn chứa nhiều mối nguy hại, khi mà đã từ lâu, mọi mối quan hệ cha mẹ - con cái - vợ chồng trong gia đình đã trở nên lỏng lẻo…

* Gia đình: “sợi dây” lỏng lẻo

Chuyện thứ nhất

Bữa cơm gia đình của họ lâu nay vẫn chia làm nhiều ca. Thức ăn nấu xong để đó, cơm găm sẵn trong nồi điện. Ai đói, cứ tự túc và dọn rửa phần của mình. Tối đến mỗi người thu mình vào phòng riêng xem ti vi ở phòng riêng hoặc đi chơi. Về khuya, mỗi người một chìa khóa vào nhà…

Nguyên do bắt nguồn từ cuộc hôn nhân không hạnh phúc của hai thành viên trụ cột. Bữa cơm gia đình thường xuyên tái diễn cảnh cha ăn trước, mẹ ăn sau, con muốn ăn lúc nào thì ăn. Trong tâm thức của những đứa con, bữa cơm gia đình chỉ đơn thuần là để giải quyết “cái đói”, chứ không phải là cơ hội để mọi thành viên trò chuyện chia sẻ buồn, vui trong cuộc sống. Nếp sinh hoạt gia đình vẫn không thay đổi, ngay cả khi con cái đã trưởng thành. Mối quan hệ gia đình của họ lỏng lẻo đến mức, khi vui - buồn, mỗi thành viên lại tìm nguồn an ủi, tâm sự ở bên ngoài, hơn là chia sẻ với người thân trong gia đình. Ngọc Minh, một thành viên trong nhà, đã thốt lên: “Gia đình gì mà thế này!. Ra ngoài, thâáy gia đình người ta hòa thuận, vui vầy mà thèm. Có lẽ, nguyên nhân khiến tôi ngại kết hôn chính là vì đã quá sợ một cuộc sống gia đình lạnh lẽo như chính gia đình của mình”. Trong con mắt của người ngoài, gia đình Minh được xếp vào hạng thành đạt, nhà cửa khang trang, con cái đều có việc làm ổn định.

Chuyện thứ hai.

Gia đình họ đã có thời rất hạnh phúc. Song, cuộc sống vật chất ngày càng dư thừa, thì tình cảm vợ chồng ngày càng giảm sút. Chồng mải mê với công danh sự nghiệp, nhậu với “đối tác” nhiều hơn ăn cơm nhà, ít dành thời gian cho vợ con. Người vợ bất mãn, ghen với những cú điện thoại nửa vời của chồng trong khi chị vẫn còn nhan sắc. Dẫu không căng thẳng, ồn ào, mâu thuẫn cứ thế tích tụ dần khiến họ xa nhau. Cả hai đều tìm những thú vui bên ngoài. Trước mặt con cái, dẫu cố đóng tròn vai một gia đình hạnh phúc, song ngoài những câu hỏi về chuyện học hành của con, họ chẳng biết nói gì thêm. Bầu không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt, lạnh lùng. Họ đâu biết đứa con ngày một lớn, hiểu được nội tình của cha mẹ. Nó tâm sự nhân viên tư vấn: “Cha mẹ cứ tưởng làm vậy sẽ tốt cho em, sẽ làm tròn trách nhiệm của họ đối với em. Nhưng trách nhiệm ấy đâu thể gọi là hoàn thành khi nó được xây dựng trên sự giả tạo, lừa dối…”.

 

* Vấn đề của xã hội hiện đại

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn gia đình - Ly hôn (FDC) TP. Hồ Chí Minh đã có lần nhận xét: Ngày nay, đặc biệt ở các thành phố lớn, dịch vụ gia đình đã và đang thuộc về xã hội. Nhịp sống công nghiệp ngày càng hối hả, sáng ra vợ chồng tất bật đi làm, con cái đi học, có khi đến tối mới về nhà. Do vậy, mối gắn kết giữa các thành viên trong gia đình không còn chặt chẽ như trước, hình thành nên những “tổ lạnh” trong xã hội hiện đại.

Theo một số chuyên gia tâm lý khác, hội chứng “tổ rỗng” cũng xuất hiện ở những gia đình ít con nhưng đều đi học hoặc đi làm xa nhà. Trong giai đoạn này, ngoài những lo lắng vật chất, một số người rơi vào tình trạng hụt hẫng, trống trải, cộng với những biến đổi về sinh lý lứa tuổi khiến cả vợ, chồng đều cảm thấy dễ cáu gắt. Hội chứng này đặc biệt rất dễ xảy ra ở những gia đình vợ chồng không còn tình yêu, chỉ gắn bó với nhau vì con cái, lợi ích. Chị Ngọc Thủy, nhà ở Chợ Đầm (TP Quy Nhơn) có hai con đều đi học xa nhà, tâm sự: “Anh ấy đã từng phản bội gia đình, dù đã tha thứ nhưng từ bấy đến nay chị tâm niệm mình chỉ sống vì con mà thôi. Từ ngày bọn nhỏ đi xa, ngoài lo tiền bạc, nơi ăn chốn ở cho con, chị chẳng thiết nói gì với chồng nữa. Đi sớm về khuya mặc lòng, cả ngày có khi chẳng thấy mặt nhau”.

* Liều thuốc nào?

“Để tránh tình trạng “tổ lạnh, tổ rỗng” trong xã hội hiện đại, mỗi thành viên trong gia đình phải tự biết tăng sức đề kháng, không có điều kiện ở bên nhau thì tạo điều kiện để gần gũi, chan hòa nhau. Đó là cha mẹ phải cùng nhau chăm sóc đến con cái; tạo ra những buổi đi chơi cuối tuần cùng nhau, quan tâm và duy trì bữa cơm gia đình ấm cúng, coi đó là dịp sinh hoạt văn hóa, giao lưu tình cảm…” - bà Nguyễn Thị Thương khuyên.

Ngoài ra, theo các chuyên gia tâm lý khác, để tạo mối liên hệ mật thiết giữa các thành viên, nên bố trí nhiều không gian sinh hoạt chung như phòng ăn, nghe nhạc, xem ti vi hoặc phòng tiếp khách chung. Cùng nhau xem một bộ phim, bàn luận về vở kịch hay trận bóng đá sẽ giúp mọi thành viên xích lại gần nhau hơn.

Cũng nên đặt ra quy định mỗi thành viên trong gia đình khi vắng mặt cần thông báo cho nhau biết đi đâu, làm gì. Nếu gia đình bạn chưa có thói quen này, mọi người nên họp lại và thống nhất một số quy định chung, chẳng hạn ai đi đâu, bao giờ về, có việc gì đột xuất, ăn cơm nhà hay không đều cần gọi điện, nhắn tin lại cho các thành viên khác trong gia đình biết. Đây không phải là sự theo dõi, kiểm soát nhau mà là cách thể hiện sự tôn trọng và quan tâm lẫn nhau của mỗi thành viên đối với gia đình của mình.

  • Uyên Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nguy cơ gây ung thư từ chất BBP  (19/12/2007)
Những ý tưởng xanh nhất năm 2007  (19/12/2007)
WHO cảnh báo: Cúm gia cầm có thể lan mạnh trong mùa đông  (19/12/2007)
Vì sao trời rét khiến ta run rẩy?  (19/12/2007)
Thuốc mới Tykerb tiêu diệt tế bào ung thư vú gốc  (19/12/2007)
Phát hiện hai loài động vật quý hiếm ở Indonesia  (18/12/2007)
Web Việt siêu hạng về đánh lừa Alexa  (18/12/2007)
Tạo xà cừ ngọc trai bằng nuôi cấy tế bào  (18/12/2007)
Phơi nắng vừa phải và điều độ giúp giảm nguy cơ bị ung thư phổi  (18/12/2007)
Năng lượng tái tạo: hướng đi cho các nước châu Á  (18/12/2007)
Hành tinh có thể có sự sống thực sự  (17/12/2007)
Làm gì khi con bạn bị sốt?  (17/12/2007)
Tinh trùng- đầu mối quan trọng mở ra hiểu biết về những bệnh miễn dịch  (17/12/2007)
Những người có khả năng kỳ lạ  (14/12/2007)
10 khám phá đáng chú ý trong lĩnh vực y học năm 2007  (14/12/2007)