Hôm qua (19.12), hãng BBC đưa tin lần đầu tiên các nhà khoa học châu Âu đã phát hiện có vẻ một sông băng đang hoạt động trên sao Hỏa.
Các đặc điểm về sông băng này đã được các nhà khoa học nhận ra sau khi quan sát các hình ảnh do tàu vũ trụ Hành trình sao Hỏa của Trung tâm Vũ trụ châu Âu gửi về.
Gerhard Neukum, trưởng nhóm nghiên cứu về các hình ảnh ba chiều có độ phân giải cao của tàu vũ trụ Hành trình sao Hỏa, nói: “Nếu đó là những hình ảnh về Trái Đất, tôi có thể nói ngay rằng đó là sông băng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu quang phổ của nước. Chúng tôi sẽ bay lên sao Hỏa trong một vài tháng tới và sẽ đo đạc kiểm tra. Trên các đỉnh băng, chúng tôi đã thấy những chóp trắng. Đây chỉ có thể là băng bị lộ ra ngoài”.
Nhiều sông băng hàng triệu năm đã được phát hiện ra trên hành tinh đỏ. Tuy nhiên, sông băng trẻ đang hoạt động này có lẽ chỉ vài nghìn năm tuổi. Nó nằm ở vùng Deuteronilus Mensae giữa các cao nguyên lởm chởm ở phía nam sao Hỏa và các vùng trũng bằng phẳng ở phía bắc hành tinh đỏ.
Hiện tượng này chỉ xảy ra ở rất ít nơi trên sao Hỏa vì ngay khi băng bị lộ ra ngoài môi trường trên hành tinh này thì nó lập tức sẽ thăng hoa hoặc chuyển từ trạng thái rắn sang trạng thái khí.
Nước ngầm ở vùng Deuteronilus Mensae có 10.000 đến 100.000 năm tuổi. Điều đó có nghĩa là hiện có một sông băng đang hoạt động. Hiện tượng này là độc nhất vô nhị.
Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra các đặc tính của băng tại núi lửa Olypus Mons. Tuy nhiên, sông băng này có tới 4 triệu năm tuổi.
Robot tự hành sẽ tiếp tục tìm kiếm dấu hiệu của sự sống tại những khu vực trọng yếu có đặc tính sông băng hoạt động trên sao Hỏa.
Tháng trước, Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã tổ chức ăn mừng sự kiện tàu vũ trụ Hành trình sao Hỏa quay vòng thứ 5.000 quanh quỹ đạo của sao Hỏa. Tàu vũ trụ này đã đến quỹ đạo của sao Hỏa vào ngày 25.12.2003.
|