Hạt nở bị nghi gây ngộ độc cho hàng loạt học sinh
15:57', 20/12/ 2007 (GMT+7)

26 học sinh và một cô giáo ở Thanh Hóa phải liên tục nhập viện từ hôm 17 đến 19.12 vì chóng mặt, buồn nôn, khó thở, nghi do ngửi mùi của hạt nở ngâm nước - một loại đồ chơi Trung Quốc. Tuy nhiên, Sở Y tế cho rằng đây chỉ là phản ứng tâm lý dây chuyền kiểu hysteri.

 

Gói hạt trương nở bán khắp các cổng trường tiểu học ở Hà Nội.

 

Ngày 17.12, Bệnh viện Đa khoa Quảng Xương cấp cứu cho 22 học sinh và một cô giáo của trường THCS Quảng Phong, Quảng Xương, Thanh Hoá, với triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở; trong đó có 2 cháu bị co giật nặng. Ngày 19.12, có thêm 4 học sinh nữa nhập viện.

Theo lời các bệnh nhân, hiện tượng trên xảy ra sau khi ngửi mùi hôi từ cốc hạt trương nở ngâm nước để trong phòng học. Đây là loại đồ chơi được bán nhiều ở cổng trường, các hạt nhiều màu bé bằng đầu tăm sau khi ngâm nước sẽ nở to và long lanh, rất đẹp mắt.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết, hiện chưa có khẳng định chắc chắn về tình trạng bệnh của các cháu. Nhưng ông nghĩ nhiều nhất đến loại rối loạn có tính chất lan truyền do tâm lý, có tên là hysteri. Có thể ban đầu, mùi hôi của cốc hạt trương nở đã kích thích hô hấp và ức chế thần kinh của vài cháu, và sau đó các triệu chứng kể trên trở thành phản ứng dây chuyền.

Cơ sở để hướng đến chẩn đoán này, theo ông Thành, là vì hầu hết bệnh nhân là nữ (chỉ có 2 em trai), và mùi cốc hạt nở theo chủ quan của ông cũng không quá mạnh. Hiện phần lớn bệnh nhân đã ra viện, chỉ còn 7 cháu nằm điều trị (trong đó 2 cháu được chuyển tuyến trên).

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Nhiên, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Xương, nơi điều trị cho các cháu, thì cho rằng đây không phải là hysteri vì nạn nhân ở lứa tuổi 8-14, trong khi hội chứng này chủ yếu xảy ra ở tuổi dậy thì trở lên. Mặt khác, rất hiếm khi bệnh xuất hiện ở nam giới. 

Bệnh viện hướng đến khả năng ngộ độc ho hít phải hóa chất từ đồ chơi và điều trị theo chẩn đoán này để bảo đảm an toàn cho các cháu. Bác sĩ Nhiên cho biết các mẫu hạt nở mà học sinh trường Quảng Phong sử dụng đã được gửi ra Viện Khoa học hình sự để xét nghiệm xem có hóa chất độc không.

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Khôi, chuyên gia về hoá polymer ở Viện Hóa học, Viện Khoa học Việt Nam, có rất ít khả năng hạt nở gây ngộ độc cho học sinh do hít phải mùi của nó. Loại đồ chơi này thực chất được làm từ một loại polyme biến tính, chế thêm phẩm màu. Nó hút nước rất mạnh và có thể nở ra hàng trăm lần sau khi ngâm nước. Bản thân polyme không độc; độc chất nếu có trong phẩm nhuộm cũng rất ít, không đủ để gây độc cho mấy chục người chỉ qua đường hít thở trong một không gian rộng như phòng học.

Nhưng dù có hóa chất độc hay không thì hạt nở vẫn được các bác sĩ khuyên cáo không nên dùng cho trẻ em vì có thể gây nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu các hạt này lọt vào đường hô hấp và tiêu hóa của trẻ. Sau khi vào cơ thể, chúng sẽ hút nước và nở ra, làm tắc nghẽn đường thở, thậm chí tử vong. Ở đường tiêu hóa của trẻ nhỏ, một lượng hạt lớn có thể làm tắc ruột.

Theo bác sĩ Lộc, trẻ lớn ít có nguy cơ hít hay ăn phải hạt nở, nhưng có thể đưa về nhà và những em bé dưới tuổi đến trường sẽ cầm lấy chơi. Trẻ nhỏ hay có xu hướng cho bất cứ thứ gì tìm được vào miệng, vào mũi nên nguy cơ gặp nạn do hạt nở là có thể xảy ra.

Hạt nở khi mới vào cơ thể sẽ rất khó gắp vì quá bé, còn khi nở ra lại quá mềm. Bác sĩ Lộc khuyến cáo nếu phát hiện hạt này lọt vào đường thở của trẻ, hoặc lọt vào đường ăn với số lượng lớn, cần đưa ngay đến cơ sở y tế.

Phó giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa Nguyễn Văn Nhiên cũng cho rằng, phụ huynh không nên cho con chơi hạt trương nở vì đến nay chưa ai khẳng định được nó có thể chứa những chất độc hại nào, gây những phản ứng gì khi được nuốt vào bụng.

 

Những con vật này sẽ nở gấp 6 lần sau 48h ngâm nước.

 

Trong khi các bác sĩ lo lắng về tác hại của hạt nở thì loại đồ chơi này vẫn được bán rộng rãi trên thị trường với giá chỉ 1.000-2.000 đồng/gói. Theo tìm hiểu của phóng viên VnExpress, hầu hết gánh hàng rong gần cổng các trường tiểu học ở Hà Nội đều có bán loại đồ chơi này. Một số cửa hàng tạp hóa, văn phòng phẩm cạnh đó cũng có. Trên các gói hạt có dòng cảnh báo nhỏ xíu bằng tiếng Anh: "Cấm nuốt và không dành cho trẻ em dưới 3 tuổi", tinh mắt lắm mới thấy.

Tại trường tiểu học Khương Thượng (Đống Đa, Hà Nội), sau tiếng trống tan trường, nhiều học sinh ùa ra vây kín thúng hàng bánh kẹo, đồ chơi ở cổng. "Cho cháu túi 'trân châu' có con bọ cạp", "Cháu lấy con cánh cam màu vàng"... Chỉ một loáng, hơn 40 gói hạt trương nở của cô hàng rong đã hết nhẵn.

Theo lời người bán, loại đồ chơi này mới xuất hiện khoảng một tháng nay và rất được các em ưa thích. Ngày nào chị cũng bán được 40-60 gói. "Chơi cái này phải mất một chút công 'nuôi' nên kích thích trí tò mò của bọn trẻ ghê lắm", chị bán hàng nói.

"Nuôi" ở đây, theo giải thích của các em học sinh, là ngâm hạt nhựa vào nước. Sau khoảng 2 ngày, chúng mới đạt kích cỡ tối đa, gấp nhiều lần so với ban đầu. Lúc này, các em mới mang đến lớp, khoe với bạn bè bộ sưu tập "hạt trân châu" của mình.

Cầm một chai lavie chứa đầy hạt trương nở, em Nguyễn Anh Tú, học sinh lớp 2 Tiểu học Khương Thượng, tự hào khoe: "Em mất một tuần mới có được chỗ hạt toàn màu đỏ này đấy nhé. Phải mua hơn 10 gói mới chọn ra được ngần này".

Ngay cả các phụ huynh cũng có nhiều người thích thú với thứ đồ chơi này. Chị Ngân Giang (37 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội), cho biết khi thấy con trai mang hạt nở về nhà ngâm, chị cũng "mê mẩn vì thấy nó đẹp quá, long lanh đủ màu như ngọc ấy".

Còn chị Hải (29 tuổi, Khâm Thiên, Hà Nội) thì cho biết đã mua cho con hẳn một vỉ hạt nở ở phố Lương Văn Can khi được người bán giới thiệu: "Tôi thấy thứ đồ chơi này đẹp và kích thích trí tưởng tượng của con rất nhiều. Tưởng tượng nếu mình là trẻ con, tôi sẽ thấy việc các hạt ấy nở ra thành những viên ngọc thật là kỳ diệu".

Tuy nhiên, trước thông tin về tác hại của hạt trương nở, nhiều phụ huynh cho biết sẽ cấm con chơi thứ hạt này. "Từ giờ, tôi sẽ không cho phép con chơi những thứ lạ mà cháu được cho hay tự mua ở cổng trường" - chị Hải nói.

. Theo VnExpress

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trẻ dưới 3 tuổi đội mũ bảo hiểm dễ gây nguy hiểm  (20/12/2007)
Bảy đại công ty liên kết sản xuất chip siêu nhỏ  (20/12/2007)
Lần đầu tiên phát hiện ra sông băng hoạt động trên sao Hỏa  (20/12/2007)
Massage giúp giảm cơn đau và lo lắng sau phẫu thuật  (20/12/2007)
Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ tái phát  (20/12/2007)
Tổ lạnh, tổ rỗng thời hiện đại  (19/12/2007)
Nguy cơ gây ung thư từ chất BBP  (19/12/2007)
Những ý tưởng xanh nhất năm 2007  (19/12/2007)
WHO cảnh báo: Cúm gia cầm có thể lan mạnh trong mùa đông  (19/12/2007)
Vì sao trời rét khiến ta run rẩy?  (19/12/2007)
Thuốc mới Tykerb tiêu diệt tế bào ung thư vú gốc  (19/12/2007)
Phát hiện hai loài động vật quý hiếm ở Indonesia  (18/12/2007)
Web Việt siêu hạng về đánh lừa Alexa  (18/12/2007)
Tạo xà cừ ngọc trai bằng nuôi cấy tế bào  (18/12/2007)
Phơi nắng vừa phải và điều độ giúp giảm nguy cơ bị ung thư phổi  (18/12/2007)