|
TS. Lê Sinh bên chiếc xe ô tô chạy bằng không khí nén của hãng MDI. Ảnh: Tư liệu |
Xe hơi chạy bằng... không khí! Loại xe công nghệ mới này đã được giới thiệu tại Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM vào ngày 27.12. Với 150 - 200 lít không khí, xe có thể chạy được 133km, vận tốc 60km/giờ.
Ngày 27.12, một cuộc họp giới thiệu công nghệ khí nén (compressed air technology system – CAT) ứng dụng trong máy xe hơi đã được tổ chức tại TP.HCM. Ba thành phần tham gia là đại diện Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) TP.HCM, Tổng Công ty Cơ khí Vận tải Giao thông (SAMCO) và TS Lê Sinh – Việt kiều Pháp.
Xe chạy bằng không khí
TS Lê Sinh năm nay 65 tuổi. Ông đã sang Nhật vào năm 1965. Năm 1968, ông sang Pháp lấy bằng tiến sĩ ngành Địa chất và định cư tại đó.
Trong một cơ duyên, ông đã tiếp cận được với công nghệ khí nén này và quen biết với người đã phát minh ra nó.
Quá say mê công nghệ mới, đồng thời trước tình trạng giá xăng dầu đang tăng trong khi cả thế giới đang báo động về tình trạng ô nhiễm, TS Lê Sinh đã theo đuổi và tìm mọi cách để giới thiệu công nghệ mới này về Việt Nam.
Ông cho biết, công nghệ khí nén ứng dụng trong xe hơi là phát minh của Paul Durand. Paul Durand là kỹ sư chuyên về mô tơ dành cho xe đua của hãng Renault.
“Khác với các loại xe thông thường, tất cả xe đua sử dụng không khí nén để đẩy không khí vào xilanh với áp suất cao. Xăng cũng được đẩy vào xilanh theo phương cách này. Paul Durand phát hiện ra trong nhiều trường hợp, xe đua dù hết xăng nhưng vẫn có thể chạy được. Không khí được đẩy dưới áp suất mạnh nên có thể thay nhiên liệu đốt", TS Sinh nói.
Từ đó, Paul Durand đã nghiên cứu một loại mô tơ chỉ sử dụng không khí. 10 năm, phát minh ra đời. Hiện nay, Paul Durand là Giám đốc Công ty Moteur Development International - MDI, nơi quản lý bản quyền loại mô tơ ứng dụng công nghệ không khí nén này.
Hiện nay, các loại xe MDI đang sử dụng các mô tơ thuộc sê ri 34. Đây là mô tơ có 4 xi lanh, 800 phân khối, 25 mã lực với vòng quay 4.000 lần/phút. Trọng lượng của mô tơ nặng 28kg.
Bình chứa không khí nén được chế tạo dựa trên một công nghệ đặc biệt. Đó là công nghệ chế tạo các bình chứa oxy lỏng hay kinh khí lỏng dùng trong phi thuyền không gian.
Người ta đã chế tạo một loại bình nhựa có quấn sợi cacbon. Do đó bình sẽ không phát nổ. Khi không chịu nổi áp lực, các sợi cacbon sẽ giãn ra nên bình chỉ chịu tình trạng xì không khí.
Mô tơ được nối với một động cơ điện 5kW. Động cơ này được dùng để quay mô tơ khi sử dụng mô tơ với chức năng máy nén khí cao áp. Ngoài ra động cơ điện còn đóng vai trò như máy đề, máy sạc bình, phanh điện, và hỗ trợ năng lượng (khi xe leo dốc chẳng hạn).
Một chiếc ô tô MDI 4 chỗ, hay còn gọi là CityCat, thường có độ dài từ 3,84 - 3,9m, rộng 1,72m và cao 1,75m. Mỗi xe được trang bị 3 bình không khí nén, với 100lit/bình. Mô tơ sẽ có nhiệm vụ đẩy hai bánh sau. Còn 2 bánh trước có nhiệm vụ lái.
Ngoại trừ các cửa kính, sườn xe làm bằng hợp kim nhôm, cứng chắc, nhẹ, không sét rỉ. Vỏ xe (mui, cửa...) làm bằng composite hai mặt đặc biệt, lõi xốp (bằng sáng chế công nghệ MDI). Xe còn trang bị 4 thắng dĩa. Mọi điều khiển nằm trên tay lái. Và hệ thống điện 1 dây.
“Không khí liên tục được đẩy vào xilanh, nên không khí nén bị giãn ra và hấp thu nhiệt. Do đó, càng chạy, máy càng lạnh. Tuy đối với các nước ôn đới, điều này không được hoan nghênh, nhưng ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, đây là một điều kiện rất thuận lợi. Chúng ta không cần sử dụng năng lượng để làm lạnh không khí trong xe”, TS Lê Sinh trình bày.
Bên cạnh đó, khác với xe chạy bằng điện không phát ra tiếng ồn, xe chạy bằng không khí sẽ phát ra những tiếng động như tiếng "xì" do không khí chuyển động trong xi-lanh. Đây là một yếu tố an toàn dành cho người đi đường và các phương tiện di chuyển khác.
Quan trọng là nguồn động lực
TS Lê Sinh cho biết, MDI chỉ bán bản quyền công nghệ và một nhà máy sản xuất ô tô trọn gói hết 9,5 triệu euro. Trong đó, bản quyền công nghệ là 6 triệu euro.
Mới đây, hồi tháng 7/2007, một công ty sản xuất ô tô Ấn Độ, Tata, đã ký hợp đồng mua bản quyền tất cả các loại mô tơ dành cho các loại xe hiện có và sắp tới với giá là 100 triệu euro. Công ty này dự tính sẽ sản xuất và bán xe với giá 3.500 USD.
Hiện nay, ở các nhà máy sản xuất ô tô bình thường, một xe ô tô hoàn chỉnh mất từ 1 - 2 phút. Còn loại xe công nghệ khí nén cần 30 phút. Do đó, với 10 giờ/ngày người ta chỉ sản xuất được khoảng 20 xe.
TS Sinh tính toán, nếu lợi nhuận ước tính là 1.000 USD/xe. Một năm công suất nhà máy sản xuất khoảng 5.000 xe thì sau 3 năm doanh nghiệp có thể thu hồi lại vốn.
Ông Trần Quốc Toản - Phó Tổng Giám đốc SAMCO, cho rằng không thể tính toán lợi nhuận như thế được. Vì một năm sản xuất được 5.000 xe nhưng có thể chỉ bán được 100 xe.
Theo ông Toản, Việt Nam hiện đang phát triển, cơ sở hạ tầng còn kém, phụ thuộc rất nhiều vào sự điều chỉnh của Nhà nước. Do đó, cần có một đề tài nghiên cứu tính khả thi của công nghệ ô tô sử dụng không khí nén này. Qua đó tìm đầu ra của thị trường và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp.
TS Lê Sinh cho biết, công nghệ này không chỉ áp dụng cho ô tô mà còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác như: máy bơm nước, sản xuất xe máy... Do đó, đầu ra không chỉ là ô tô.
Còn PGS-TS Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM, nói rằng không phải tự nhiên châu Âu đưa ra tiêu chuẩn môi trường cao, kiểm soát khí thải từ các loại xe rất khắt khe. Công nghệ không khí nén là một nguồn động lực mới mà triển vọng ứng dụng rất cao. Do đó, ông hứa nếu TS. Lê Sinh cần gì, Sở KH-CN TP.HCM sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng của mình.
Trước mắt, ông Lê Hoài Quốc gợi ý có thể tổ chức một hội thảo chuyên đề. Trong đó, thành phần tham dự sẽ là các nhà quản lý, các nhà khoa học, các trường ĐH, viện... để tìm hiểu sâu hơn về công nghệ này.
Một đại diện khác của Sở KH-CN TP.HCM nói, hiện nay ở Pháp đã cho phép lưu hành loại xe này, nên đề nghị TS. Lê Sinh tìm giúp các tiêu chuẩn để xe có thể lưu hành trên thị trường Việt Nam.
Ông này cho biết, trước đây xe chạy bằng gas ban đầu lưu hành trên thị trường cũng gặp nhiều khó khăn về mặt tiêu chuẩn. Hiện nay, cơ chế quản lý của Việt Nam vẫn chưa mở, nên chưa có quy định nào dành cho các loại xe thuộc công nghệ mới như thế.
Do đó, thời gian để ô tô áp dụng công nghệ không khí nén được sản xuất và lưu hành ở Việt Nam phải tính theo năm, chứ không thể nhanh hơn được.
. Theo VNN |