Sốt xuất huyết đang hoành hành cả nước
15:27', 27/6/ 2007 (GMT+7)

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng II.

Trẻ con bệnh, người lớn bệnh... Sốt xuất huyết hoành hành cả nước: Chỉ trong tháng 5-2007, số ca mắc bệnh tăng gần... 60% so với tháng 4/2007! Riêng phía Nam, dịch sốt xuất huyết diễn ra sớm hơn một tháng.

* 10% gia đình lơ là, đưa trẻ vào viện muộn 

Tại khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, bé Trần H. L., mới hơn 9 tháng tuổi, ở Đồng Nai, đã nhập viện vào ngày 26-6, vì sốt xuất huyết. Các bác sĩ đã đưa bé vào phòng cấp cứu nhi để theo dõi sát diễn biến. Trên người bé bắt đầu xuất hiện những nốt xuất huyết dưới da li ti.

Trước đó ba ngày, bé H. L. bị nóng sốt và co giật, nhưng khi đến khám tại một cơ sở y tế địa phương, bác sĩ cho rằng bé chỉ bị cảm và cho uống thuốc hạ sốt.

Theo mẹ của bé H. L., tuy cho bé ngủ mùng, nhưng nhà lợp lá, nên không tránh khỏi nước mưa còn đọng lại làm nơi sinh sản của muỗi.

Nhỏ hơn bé L. 5 tháng, bệnh nhi Huỳnh T. B. ngụ tại quận 9, nhập viện từ tối 23-6, sau khi bé bắt đầu nóng sốt và bú ít. Khắp mặt bé nổi nhiều nốt hồng ban nhỏ.

Phụ huynh của bé T.B. cho biết, khu vực chị có khá nhiều muỗi. Buổi trưa cho con ngủ, chị lại không bỏ mùng. Khu vực xung quanh nhà, sau hè lại có rất nhiều rác, lon đồ hộp chất đống.

Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đã cảnh báo nhiều phường ở quận 9 là những ổ dịch nóng của TP.HCM.

Trong khi đó, khu phố quanh nhà anh Đoàn L.Đ (19 tuổi) ở đường Nguyễn Văn Tần - quận 8,  từ đầu tháng sáu đến nay đã có 4 người mắc bệnh sốt xuất huyết. Bản thân anh cũng phải nhập viện BV Bệnh Nhiệt đới để theo dõi từ nhiều ngày qua.

Triệu chứng ban đầu của anh L.Đ rất giống với cảm cúm: sốt, nhức đầu, đau nhức tay chân, buồn nôn. Tuy nhiên, anh bị chảy máu chân răng. Các bác sĩ khoa Nhiễm cho biết, anh bị sốt xuất huyết độ II. Tiểu cầu trong máu tụt, chỉ còn 22.000 tiểu cầu/mm3 máu. Còn người bình thường là 250.000 - 500.000/mm3 máu.

Buổi trưa anh L. Đ. rất ít khi ngủ mùng. Trong khi đó, một trong những thời điểm hút máu của muỗi vằn, loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, là vào ban ngày.

"Nằm trong vùng nhiệt đới châu Á - Thái Bình Dương, vùng lưu hành của bệnh sốt xuất huyết, nhất là đang vào mùa mưa, không ngủ mùng và không vệ sinh môi trường, tạo điều kiện tất yếu cho muỗi phát triển, truyền bệnh từ nhũ nhi cho đến người lớn," BS. Nguyễn Thị Thúy, Phó khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II, nói.

Đại đa số người dân đã ý thức được nên khi trẻ sốt đã đưa trẻ đến sớm, đúng lúc và kịp thời. Tuy nhiên, cũng có 10% do gia đình lơ là, không chú ý đã đưa trẻ đến trễ, trong tình trạng sốc sốt xuất huyết. May mắn thay, theo BS. Thuý cho biết trong năm tháng đầu năm 2007, vẫn chưa có một ca tử vong nào trong 450 trường hợp nhập viện điều trị vì sốt xuất huyết.

* Phía Nam: Dịch sớm; vi rút Dengue 1 tấn công ngày càng rõ...

Thống kê không chính thức của chương trình Phòng chống sốt xuất huyết khu vực phía Nam, cho đến ngày 17-6, 20 tỉnh phía Nam có hơn 19.000 người mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó tử vong là 23 ca (chiếm 0,12%). Riêng tại TP.HCM, cho đến 17-6, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết là khoảng 1.660.

"Ở khu vực phía Nam, những tháng đầu năm số ca sốt xuất huyết thấp hơn rất nhiều so với năm 2006 và 2005, nhưng đến giữa tháng 4, sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng nhanh. Riêng 3 tuần tháng 6 số người mắc bệnh đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái," ThS. BS. Lương Chấn Quang, Dự án Phòng chống sốt xuất huyết, cho biết.

Điểm nóng của khu vực phía Nam là các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, An Giang và Bến Tre. Tính trên số liệu mới nhất của tuần 24 (11 – 17-6), riêng 6 tỉnh này chiếm 87% trong tổng  2.371ca mắc ở khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, BS. Quang cảnh báo, nói như thế không có nghĩa là các tỉnh còn lại cũng êm ấm. 10/14 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều tăng hơn đường chuẩn trung bình cho phép và nằm trong cảnh báo dịch sốt xuất huyết (đường chuẩn này là trung bình cộng số ca mắc sốt xuất huyết của 5 năm trước đối với từng tỉnh trong khu vực). 

Theo BS. Trần Thị Việt - Trưởng khoa Nhiễm - BV Nhi Đồng II, năm 2007 dịch sốt xuất huyết có khả năng xảy ra lớn khi trước mắt, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không còn là những ổ dịch nhỏ lẻ tẻ mà tràn ngập các ổ dịch cục bộ. Một khi như vậy, trong tháng 7, TP.HCM sẽ phải đối đầu với dịch sốt xuất huyết.

Hơn thế nữa, BS. Quang nhận định, nhìn trên các báo cáo tuần, dịch sốt xuất huyết đã xảy ra sớm hơn năm ngoái gần 1 tháng, đặc biệt là ở những tỉnh nóng.

"Nguyên nhân chính gây ra tình trạng dịch bùng phát sớm này chủ yếu là do chuyển týp. Týp vi-rút Dengue 1 ở các tỉnh nóng càng ngày càng lộ rõ ra. Vi-rút gây bệnh ở Đồng Tháp chủ yếu là D1. Kiên Giang chỉ phát hiện ra D1. Ở An Giang, D1 gấp 3 lần so với D2, còn Tiền Giang, D1 tăng gấp 2. Một khi có sự đổi týp như vậy, nhiều người chưa được miễn nhiễm với týp mới này," BS. Quang giải thích.

Ngoài ra, khí hậu của miền Nam rất thuận lợi cho muỗi phát triển. Không mưa, thời tiết trở nên nắng nóng tạo điều kiện cho muỗi và lăng quăng có cơ hội phát triển nhanh.

Muỗi đang len lỏi vào từng nhà. Theo tiêu chuẩn của thế giới, mật độ muỗi mỗi nhà phải dưới 1 con. Vậy mà nhiều nơi ở ĐBSCL, người ta phát hiện mật độ muỗi bình quân ở mỗi nhà là 2 con muỗi!

Lý giải sâu hơn nữa, tất cả các nước trong khu vực đều đang trong trong tình trạng sốt xuất huyết gia tăng ào ạt. Trong năm tháng đầu năm, Singapore có 2472 ca ( tăng 89% so cùng kỳ năm 2006).  Đến 7-6-2007 Thái Lan có 11.574 ca, chủ yếu ở lứa tuổi 10-24 với 14 ca tử vong. Brazil  trong 4 tháng đầu năm 2007 có 246.833 ca, tăng 20 % so cùng kỳ 2006, 38 ca tử vong.

"Việc thay đổi týp của vi-rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết không thể giải thích được. Nhưng, Việt Nam là nước tồn tại song song cả 4 týp vi-rút (D1- D2- D3 - D4), khác với nhiều nước trong khu vực chỉ tồn tại 1 - 2 týp. Do đó, nguyên nhân sốt xuất huyết ở các nước hầu hết là do du nhập, còn ở Việt Nam dịch sốt xuất huyết do mầm bệnh tại chỗ," BS. Quang cho biết.

BS. Quang lấy thí dụ, sau khi týp vi-rút D3 gây ra vụ dịch năm 1998, tất cả mọi người đều nhiễm hết. Cỡ 10 - 12 năm hoặc 15 năm sau, một nhóm người từ 0 - 15 tuổi chưa hề miễn nhiễm với D3 được gầy dựng. Lúc đó D3 đang tồn tại trong cộng đồng, nhiễm qua muỗi mòng và có sẵn người chưa hề miễn nhiễm với týp vi-rút này, thì dịch sốt xuất huyết có khả năng xảy ra.

* Chống dịch: Còn nhiều lỗ hổng...

Không chỉ chuyển tiếp với khí hậu, mọi năm, số ca sốt xuất huyết tăng đều theo mùa dịch ở cả khu vực miền Đông và ĐBSCL. Năm nay, sốt xuất huyết tập trung chủ yếu ở 6 tỉnh nóng của ĐBSCL. Và trong một tỉnh, dịch sốt xuất huyết cũng chỉ tập trung một vài huyện.

Vì vậy, BS. Quang cảnh báo đây vẫn chưa phải là đợt dịch lớn của khu vực hay của cả nước vì dịch sốt xuất huyết hiện vẫn còn đang co cụm ở từng chỗ. Nếu ngành y tế không cảnh giác, không làm tốt công tác truyền thông, số ca sẽ càng đội lên nữa nếu dịch bùng phát trên diện rộng.

Tại sao tất cả các tỉnh làm công tác phòng chống sốt xuất huyết đều làm như nhau, theo đúng hướng dẫn của Viện Pasteur, nhưng có tỉnh dịch lại lên cao như vậy? 

Theo ghi nhận của Ban chỉ đạo chương trình Phòng chống sốt xuất huyết quốc gia khu vực phía Nam, nhiều nơi làm không đủ sớm trong xử lý ổ dịch nhỏ.

Sốt siêu vi và sốt xuất huyết có các triệu chứng ban đầu rất giống nhau, nên nhiều khi một ca bệnh vào viện, bác sĩ chẩn đoán là nhiễm siêu vi và sẽ không báo cho dự phòng.

Đến khi có dấu hiệu của sốt xuất huyết, bệnh nhân đó đã ở vào ngày thứ 4 hay thứ 5. Tính đến thời gian nhiễm bệnh ở nhà và cho tới khi chẩn đoán ra bệnh sốt xuất huyết, thời gian dự phòng xuống xử lý ổ dịch nhỏ không thể trong vòng 24 giờ được.

"Còn đứng v ề phía người dân, người dân lại không hợp tác. Khi  xử lý ổ dịch nhỏ, chúng tôi diệt lăng quăng và phun hóa chất. Phun hóa chất xong, nếu người dân không kiểm soát được lăng quăng cho tốt, một tuần sau muỗi đã xuất hiện trở lại. Mà thời gian có vi-rút trong người bệnh có thể lây truyền từ người này qua người kia là từ 7 - 12 ngày, " BS Quang nói.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đã có 4 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết  (27/06/2007)
Phát hiện hóa thạch chim cánh cụt lớn ở Peru  (26/06/2007)
1 tuổi già như cụ 80  (26/06/2007)
Dùng kính mát không đúng cách có thể gây mù lòa  (26/06/2007)
Ăn khoai tây giúp tăng cường hệ thống miễn dịch  (26/06/2007)
Lagos: Trung tâm New York ở Nigeria  (26/06/2007)
Giúp trẻ vượt qua tuổi dậy thì  (25/06/2007)
Hoa cúc xòe điều trị bệnh cảm  (25/06/2007)
Phát hiện xác ướp muối từ 1.800 năm trước  (25/06/2007)
Đi trên than hồng không phải là phép lạ  (25/06/2007)
Người mù có trí nhớ phi thường  (24/06/2007)
Nhiên liệu sinh học từ hoa quả  (24/06/2007)
Khả năng sinh sản của phụ nữ thuộc song sinh nam nữ giảm   (22/06/2007)
Ấn Độ: Dùng ếch trừ dịch sốt xuất huyết   (22/06/2007)
Ô nhiễm dầu: nhiễu loạn hoạt động sống trong hệ sinh thái  (21/06/2007)