Tính đến ngày 27-6, toàn tỉnh đã có 292 trường hợp bị mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh, từ ngày 23-6 đến nay, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tăng vọt đột biến.
|
Đông đảo người nhà bệnh nhân ngồi chờ tại hành lang của khoa Truyền nhiễm - BVĐK tỉnh.
|
* 3 ca tử vong chỉ trong nửa cuối tháng 6
Trong đó, có hai trường hợp - một là bệnh nhi 7 tuổi (Phước Lộc, Tuy Phước) và 9 tuổi (phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn).
BS Trần Thị Ngọc Diệp- Trưởng khoa Nhi- BVĐK tỉnh cho biết về hai trường hợp này: Trường hợp bệnh nhi tử vong cách đây hai tuần ở Phước Lộc (Tuy Phước) vào viện trong tình trạng đã xuất huyết độ 4: mạch: 0, huyết áp: 0 và đã tử vong hai ngày sau. Trường hợp của bệnh nhi Đỗ Xuân Th. (9 tuổi ở phường Đống Đa, Quy Nhơn) mới tử vong ngày 25-6 thì lại khác. Cháu Th. nhập viện khi bệnh chỉ mới độ 2 nhưng kèm có các triệu chứng đau bụng, ly bì, nôn ói không ăn uống được, cơ địa lại béo phì nên lại càng khó chữa trị. Do tiên lượng bệnh rất xấu, các BS đã quyết định để cháu Th. nằm phòng cấp cứu ngay từ đầu và tích cực cứu chữa. Nhưng cháu Th. vẫn không qua khỏi sau 3 ngày điều trị tích cực.
“Đây là “type” xuất huyết rất nặng. Bệnh nhân bị xuất huyết nội tạng, nôn, đi tiêu ra máu nhiều lần. Bản thân tôi điều trị bệnh SXH trong nhiều năm qua, cũng không khỏi ngỡ ngàng trước ca bệnh diễn biến quá nặng”- BS Diệp nhận xét.
BS Nguyễn Văn Đức (khoa Truyền nhiễm): Trong thời điểm dịch SXH đang bùng phát như hiện nay, nếu bệnh nhân sốt vài ngày đầu vẫn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi đã có những triệu chứng như: xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam hoặc nôn, đi tiêu ra máu thì phải cấp tốc đến bệnh viện để được chẩn đoán và phát hiện bệnh kịp thời.
Về phía người nhà bệnh nhân: phải luôn túc trực, theo dõi tình trạng biến chuyển bệnh. Bệnh nhân ăn, uống được nghĩa là tín hiệu khả quan. Ngược lại, không ăn, uống được, đau bụng… thì tình trạng bệnh đã xấu đi. Trường hợp bệnh nhân đã hết sốt nhưng vẫn vật vã, mệt mỏi, tay chân lạnh cần phải thông báo với bác sĩ hoặc đưa đi cấp cứu ngay. |
Trước đó một ngày, ngày 24-6, bệnh nhân (BN) Võ Nguyên H. (36 tuổi, ở phường Quang Trung, Quy Nhơn) cũng tử vong trong tình trạng bị xuất huyết ồ ạt tại khoa Truyền nhiễm của BVĐK tỉnh. Anh H. sốt trước đó vài ngày, điều trị tại nhà nhưng bệnh không giảm. Đêm 23-6, anh H. nhập viện trong tình trạng ói ra máu, đi tiêu phân đen nhiều lần trong ngày. Đến sáng 24-6, BN xuất huyết ồ ạt. Các BS đã hồi sức tích cực, truyền đến 4,7 lít máu nhưng cũng vô phương cứu chữa.
Như vậy, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 4 trường hợp tử vong vì bệnh SXH: 1 trường hợp tử vong đầu năm 2007 tại xã Cát Khánh (Phù Cát) và 3 trường hợp tử vong tại BVĐK tỉnh. “Về 3 ca tử vong mới đây, chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm các xét nghiệm, gởi mẫu vào Viện Pasteur Nha Trang để chờ kết quả chính thức, dù các triệu chứng lâm sàng đều cho thấy bệnh nhân bị SXH”- Thạc sĩ Trần Biểu- Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thận trọng nói.
Ngày 27-6, tại khoa Truyền nhiễm- BVĐK tỉnh, các phòng bệnh đều trong tình trạng quá tải. Hai, ba bệnh nhân phải nằm chung một giường. Nhiều người đã phải mua giường xếp vào nằm vì không đủ giường. Chủ yếu bệnh nhân đều mắc bệnh SXH, không chỉ trẻ em mà người lớn chiếm số lượng cũng khá đông. BS Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, từ ngày 23-6 đến nay, số bệnh nhân bị SXH nhập viện tăng đột biến. Hai, ba chục bệnh nhân cùng nhập viện trong một ngày, trong đó có khá nhiều bệnh nhân ở hai khu vực vừa có người tử vong.
Hiện tại, số BN tại khoa khoảng 110 người. Gia đình chị Nguyễn Thị Phượng, 28 tuổi ở Phước Lộc, Tuy Phước có 5 người thì cả 5 đều bị SXH. “Gia đình tôi đi bác sĩ tư, mua thuốc điều trị tại nhà. Đến nay, những người khác đã khỏe, riêng tôi vẫn sốt hầm hầm, đầu váng vất. Sáng nay, tôi xuống BVĐK tỉnh khám thì các BS cho nhập viện luôn”- chị nói.
|
Vì quá tải, 2 bệnh nhân này phải nằm 1 giường.
|
* Phải khẩn trương dập dịch
Trong tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, cộng với thời tiết mưa nắng bất thường tạo điều kiện cho vectơ gây bệnh SXH phát triển mạnh. Các chỉ số muỗi và bọ gậy tăng cao vượt qua ngưỡng cho phép là nguy cơ cao bùng phát dịch SXH trên diện rộng. Ngày 21-6, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo cho các trung tâm Y tế huyện, thành phố phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai chiến dịch diệt bọ gậy ở các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Chiến dịch đợt 1 phải hoàn thành trước ngày 31-7.
Thống kê mới nhất (ngày 27-6) của Trung tâm Y tế dự phòng: Toàn tỉnh đã có 292 trường hợp mắc SXH, tăng 222 ca so với cùng kỳ năm 2006. Chỉ trong tuần từ 19 đến 27-6, đã có thêm 32 trường hợp bị SXH, tập trung ở thành phố Quy Nhơn (17 ca), Tuy Phước (7 ca) và Phù Cát (8 ca). Cho đến nay, tại Phù Cát đã có 127 trường hợp mắc bệnh SXH, Quy Nhơn: 80 ca, Tuy Phước: 31 ca, Vân Canh: 32 ca, Phù Mỹ: 16 ca… |
Chiều 26-6, Đội Vệ sinh phòng dịch - Sốt rét thành phố Quy Nhơn phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành xử lý các ổ dịch nhỏ tại hai phường Đống Đa và Quang Trung bằng biện pháp phun thuốc diệt lăng quăng, đồng thời phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành. Trước đó, Đội Vệ sinh phòng dịch của huyện Tuy Phước cũng đã phun thuốc xử lý ổ dịch nhỏ ở Phước Lộc và sẽ tiến hành phun thuốc tại xã Phước Thuận trong vài ngày nữa. BS Trần Thị Ngọc Diệp cũng cho biết, trước tình hình bệnh SXH nguy hiểm như hiện nay, khoa Nhi đã tổ chức thông báo cho các BS, y tá tình hình, diễn biến bệnh SXH, đồng thời tăng cường hướng dẫn người nhà theo dõi diễn biến của bệnh nhân.
|