80% ung thư gan là do viêm gan B
10:43', 2/7/ 2007 (GMT+7)

Xác định gen virus viêm gan siêu vi B và C trên hệ thống xét nghiệm HCV tự động tại Medic.

Viêm gan B là bệnh về gan thường gặp, nằm trong danh mục 10 bệnh dịch gây tử vong cao nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện có khoảng 400 triệu người trên toàn cầu nhiễm siêu vi viêm gan B, tại VN các số liệu điều tra về dịch tễ học cũng cho biết có khoảng 15% dân số, tương đương 12 triệu người đang bị nhiễm siêu vi viêm gan B, cao gấp 40 đến 50 lần số người nhiễm HIV.

Nguồn gốc lây nhiễm siêu vi viêm gan B ở VN là khoảng 25% từ mẹ sang con lúc chưa sinh, 50% lây nhiễm ở tuổi thiếu nhi và 25% còn lại do các nguyên nhân khác. Cũng theo WHO, hơn nửa triệu người chết mỗi năm do ung thư gan nguyên phát thì có đến 80% là do viêm gan B.

Giáo sư Bác sĩ Phạm Hoàng Phiệt, Chủ tịch Hội Gan mật TP.HCM và là Chủ tịch Hội đồng xúc tiến điều trị Viêm gan B cho hay, bệnh này dễ lây lan và vi rút có thể tồn tại bên ngoài cơ thể con người đến 7 ngày. Viêm gan nghĩa là lá gan bị đốt cháy do nhiễm một trong những loại siêu vi viêm gan, từ viêm gan A đến viêm gan G. Nhiễm viêm gan B mạn tính xảy ra khi virút này vào người qua các chất dịch của cơ thể: qua đường tình dục, máu, chất dịch trong lây truyền mẹ sang con, con sang con và hệ miễn dịch không thể giết (hoặc diệt sạch) virút viêm gan B…

Viêm gan B mạn tính có thể dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan và tử vong. Suy gan và ung thư gan do viêm gan B mạn tính làm chết nhiều người tại Châu Á, từ 350. 000- 400.000 người/năm.

Điều đáng chú ý là vào thời điểm nhiễm và khi mắc viêm gan B bệnh nhân không bộc lộ bất cứ triệu chứng nào, hoặc nếu có, thì triệu chứng rất nhẹ và giống cúm. Ngay cả khi bệnh trở nên nghiêm trọng, bao gồm giai đoạn đầu của ung thư gan người bệnh vẫn không có dấu hiệu rõ ràng của bệnh. Đa số bệnh nhân không biết mình mang virút có thể lây nhiễm cho người khác, do đó, theo Giáo sư Phiệt để biết bệnh chỉ có cách thực hiện xét nghiệm tầm soát bệnh.

“VN có tỷ lệ nhiễm siêu vi viêm gan B cao, nếu có điều kiện chúng ta nên làm xét nghiệm tầm soát cho mọi người. Nếu điều kiện hạn chế chúng ta nên ưu tiên tầm soát ở các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao như người được truyền máu hay sản phẩm của máu (nhất là truyền trước năm 1990 khi chưa áp dụng sàng lọc máu phổ biến để loại trừ lây nhiễm siêu vi viêm gan B), người sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch, có người thân trong gia đình viêm gan B hoặc xơ gan, ung thư gan…” - Giáo sư Phiệt cho biết thêm.

Mục tiêu điều trị đối với viêm gan B mạn tính là làm giảm mức tải virút trong máu bệnh nhân. Theo hướng dẫn mới của Hiệp hội Nghiên cứu bệnh gan Mỹ (AASLD) được công bố tại hội nghị APASL 2007 ở Châu Á, mục tiêu cơ bản của điều trị là đạt được sự ức chế duy trì đối với sự sao chép của virút viêm gan B và đẩy lùi bệnh gan. Mục tiêu tối hậu là ngăn chặn xơ gan, suy gan và ung thư gan.

Với người đã nhiễm B thì có 2 khả năng: nếu tự lành thì họ sẽ có miễn dịch bảo vệ hoặc nếu nhiễm mạn tính thì tiêm phòng không còn tác dụng nữa. Đối với một số người nhiễm mạn tính (khoảng 25%) cần điều trị thì có thuốc đặc hiệu là uống và tiêm. Thuốc uống hiện có 4 loại đã được Cơ quan dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho sử dụng trong điều trị là Lamivudine, Adefovir, Entecavir và Telbivudine.

. Theo VNN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện virus mới tại Malaysia  (01/07/2007)
Lão ông VN cao tuổi hơn “người già nhất thế giới”  (01/07/2007)
Một ly rượu trong bữa ăn giúp giảm nguy cơ bị đường trong máu  (29/06/2007)
Những điều thú vị về ớt  (28/06/2007)
Cảm xúc có vai trò lớn cho quá trình hồi phục sau phẫu thuật  (28/06/2007)
Máy ATM kỷ niệm sinh nhật lần thứ 40  (28/06/2007)
Khẩn trương đối phó dịch sốt xuất huyết  (28/06/2007)
Chăm sóc trẻ tại nhà - sự lựa chọn tốt nhất?  (27/06/2007)
Sốt xuất huyết đang hoành hành cả nước  (27/06/2007)
Đã có 4 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết  (27/06/2007)
Phát hiện hóa thạch chim cánh cụt lớn ở Peru  (26/06/2007)
1 tuổi già như cụ 80  (26/06/2007)
Dùng kính mát không đúng cách có thể gây mù lòa  (26/06/2007)
Ăn khoai tây giúp tăng cường hệ thống miễn dịch  (26/06/2007)
Lagos: Trung tâm New York ở Nigeria  (26/06/2007)