|
Vợ chồng chị Tuyết - anh Bân là một trong những đôi nhiệt tình nhất của CLB khiêu vũ Nhà văn hóa thiếu nhi Quy Nhơn. Ảnh: Công Tâm |
Thật bất ngờ, trong một lần tham dự giao lưu giữa các câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân tại thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ), tôi được thấy những người phụ nữ trung niên ở nông thôn đã bước lên “sàn” và tự tin theo từng bước nhảy...
* Điểm hẹn của những người cùng sở thích
8 giờ 30 tối thứ 5. Câu lạc bộ khiêu vũ ở Nhà văn hóa thiếu Nhi Quy Nhơn đã có khá đông người. Điệu tango cất lên. Từng đôi, từng đôi… lần lượt dìu nhau theo tiếng nhạc. Trong số đó, chúng tôi thấy có đến hơn một nửa là những phụ nữ ở lứa tuổi “U40”, “U50”…
Đợi hết bản tango, chúng tôi mon men đến gần hỏi chuyện. Chị Minh Đường, nhà ở gần chợ Đầm (Quy Nhơn) tâm sự: “Vợ chồng tôi biết khiêu vũ từ thời còn chưa lập gia đình nhưng mấy chục năm qua phải bỏ lơ vì bận bịu công chuyện làm ăn. Giờ đây con cái đã lớn, chúng tôi thảnh thơi hơn nên rủ nhau đi tập lại cho vui”.
Cách đây 4-5 tháng, CLB nữ doanh nhân tỉnh đã quyết định mời thầy về dạy khiêu vũ cho các chị nữ doanh nhân tại Hội LHPN tỉnh. Lúc đầu, nhiều chị lớn tuổi còn ngần ngại, ngượng ngùng và thoái thác rằng công việc bận rộn, khó sắp xếp được thời gian. Thế nhưng, tham gia được một vài buổi rồi, ai cũng hào hứng. Lớp học ngày một đông, phải tách ra làm hai. Tách thì tách nhưng rảnh ra, nhiều chị tham gia luôn cả 2 lớp.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và quảng cáo Mỹ Dung nói: “Qua khiêu vũ, tôi cảm thấy mình trở nên tự tin, thoải mái hơn, giảm được “stress” khi ngồi văn phòng nhiều…”.
Theo Ban chủ nhiệm CLB Nữ doanh nhân tỉnh, hiện nay, các CLB nữ doanh nhân có khoảng trên 300 chị đang tham gia sinh hoạt, trong đó, hơn một nửa số chị đều biết nhảy (ít nhất là các điệu cơ bản). Trong đó, phải kể đến là phong trào học nhảy và khiêu vũ của các nữ doanh nhân ở thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước), An Nhơn… phát triển khá nhanh và rầm rộ.
* Khiêu vũ- lợi gì, hại gì?
Tại Quy Nhơn, địa chỉ của những người yêu thích khiêu vũ là CLB khiêu vũ Nhà văn hóa thiếu nhi Quy Nhơn; Đình Cẩm Thượng (đường Trần Hưng Đạo); các phòng trà- ca nhạc của Khách sạn Hoàng Yến, Khách sạn Quy Nhơn…
Nhiều phụ nữ lớn tuổi tâm sự, họ tìm đến khiêu vũ như một hình thức thể thao vì nó giúp cơ thể thon gọn, mềm dẻo và linh hoạt. “Đi “sàn” gần một năm nay, các chứng bệnh nhức mỏi đầu gối, mệt mỏi của tui đều giảm hẳn”- chị Tuyết, nhà ở đường Trầân Hưng Đạo nói.
Ngoài mục đích khiêu vũ để được khỏe, trẻ và vui vẻ, nhiều người tìm đến với sàn nhảy vì mục đích khác. Chị Hậu- nhà ở đường Hai Bà Trưng- tâm sự, chị đã cố “kéo” ông xã đến sàn khiêu vũ, cốt để anh khỏi sa đà vào các cuộc nhậu nhẹt vô bổ. Biện pháp của chị đã tỏ ra khá hiệu quả vì, từ ngày theo vợ lên “sàn”, ông xã chị ít nhậu hẳn, tính tình cũng có phần ôn hòa hơn, không hay nổi nóng với vợ như trước.
Cuộc sống ngày một khá hơn, người phụ nữ trung niên đã dần được kéo ra khỏi những lo toan về con cái, việc nhà và họ có điều kiện hơn để nâng cao chất lượng sống của mình. Khiêu vũ được coi như một hình thức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật giải trí lành mạnh. Thế nhưng, không ít người vẫn còn mang tư tưởng chật hẹp, hễ cứ thấy nam - nữ nắm tay, ôm eo nhau là nghĩ ngay đến những điều xấu xa… Ngoài ra, cũng có không ít những lời đồn thổi về chuyện nảy sinh những mối tình “ngoài chồng, ngoài vợ” ở “sàn”...
Tuy nhiên, nói như anh Hùng- Phó Giám đốc Công ty TNHH thương mại và quảng cáo Mỹ Dung- người vẫn thường xuyên đưa đón vợ đi học nhảy, đi khiêu vũ- thì: “Mỗi người phải có đủ bản lĩnh, đủ văn hóa để “miễn dịch” và tự bảo vệ mình, góp phần xây dựng một thái độ văn hóa, quan niệm đạo đức mới về khiêu vũ”.
|