|
Hai freeter ở Tokyo |
Nền kinh tế trì trệ của thập kỷ 90 đã sản sinh ra một lớp trẻ Nhật Bản không có công ăn việc làm ổn định, đời sống rất chật vật. Bấy lâu nay im lặng, giờ đây “thế hệ những kẻ thất thế” này đã bắt đầu lên tiếng.
Họ thành lập nghiệp đoàn, xuống đường biểu tình đánh động dư luận. Họ được nhiều nghệ sĩ cùng trang lứa, đồng cảnh ngộ hậu thuẫn và cố gắng tìm ra một lối thoát
Nữ văn sĩ Karin Amamiya, 32 tuổi, cách đây không lâu đã khiến người Nhật phải suy nghĩ nhiều khi chị cho đăng trên nguyệt san Ronza dành cho sinh viên và trí thức trẻ một bài báo nói về hiện tượng freeter, một từ vay mượn của Anh (free = tự do) và của Đức (arbeiter = người lao động) trong giới trẻ Nhật, chỉ những người làm việc lặt vặt. Amamiya là một trong những khuôn mặt tiêu biểu của dòng văn học dấn thân, chuyên viết truyện và tiểu thuyết dựa trên những kinh nghiệm bản thân từng là freeter.
Trong quán cà phê Manga
Tháng giêng năm 2007, một thanh niên 20 tuổi bị cảnh sát bắt giữ vì quỵt tiền ăn uống của một quán cà phê Manga. Đây là quán cà phê đặc biệt mở cửa 24/24 giờ. Khách hàng vừa uống cà phê vừa lướt net hoặc đọc truyện tranh Manga.
Chàng thanh niên đã ngồi lì trong quán ba ngày rồi. Anh ta chỉ có vỏn vẹn 15 yen (khoảng 2.000 VNĐ). Anh ta vào quán chủ yếu để tránh cái rét mùa đông. Trong ba ngày ăn dầm nằm dề trong quán, anh ta chỉ ăn một dĩa khoai tây chiên và một dĩa thức ăn thông thường của quán. Rồi ra sao thì ra.
Một nhân viên quán cà phê Manga khác kể rằng có một khách hàng trẻ tuổi cũng ngồi lì suốt một tuần mà chỉ uống vài ly nước giải khát cầm hơi. Sợ anh ta chết đói, anh nhân viên này báo cho cảnh sát biết để họ chở vị khách đáng thương đến một nơi khác an toàn hơn.
Trong bối cảnh một nước Nhật từng có một thời gian dài sống trong thịnh vượng sau thế chiến thứ hai, làm sao giải thích hiện tượng nêu trên? Như thế là có một thực tế cho thấy rằng đối với nhiều người trẻ tuổi, nước Nhật đang trở thành một bãi chiến trường. Và trên bãi chiến trường đó, họ cố gắng sống sót trong cảnh khốn khó và tạm bợ.
Suy thoái kinh tế kéo dài ở Nhật đã tàn phá nền móng của thị trường lao động. Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, rất nhiều thanh niên không tìm được việc làm ổn định và trở thành freeter. Vấn đề là chỉ có 1,6% xí nghiệp, công ty trên toàn nước Nhật sử dụng freeter. Theo thống kê nhà nước, năm 2006 toàn nước Nhật có 1,87 triệu freeter.
Ngay cả những thanh niên không phải là freeter may mắn tìm được một việc làm ổn định thì môi trường làm việc quá khắc nghiệt. Ở đó, ông chủ xí nghiệp dùng 3 người để làm công việc của 10 người và số người chết vì làm việc quá sức - người Nhật gọi là karoshi - số người tự tử và mắc bệnh tâm thần không bao giờ giảm.
Với những người chấp nhận mức lương xấp xỉ 1.000 yen (132.000 VNĐ)/giờ của lao động bán thời gian trong các ngành công nghiệp thì họ cũng chẳng còn lại bao nhiêu tiền sau khi đóng tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền gas sưởi ấm mùa đông.
Trong khi đó những người không có việc làm, những người thuộc diện NEET (tiếng Anh, viết tắt của cụm từ không đi học, không có việc làm và không được đào tạo) và hikikomori (thanh niên tự cô lập mình, không tiếp xúc với xã hội) bị dư luận lên án.
Theo tác giả bài báo, bằng cách mắng họ là những kẻ hư hỏng, chây lười, những người lớn tỏ ra rất mù mờ về họ. Nếu cuộc sống của giới trẻ Nhật chông chênh như vậy thì đó không phải do vấn đề tâm lý hay ý chí của họ mà là tham vọng xấu xa của các ông chủ xí nghiệp bóc lột sức lao động của nhân công mà họ muốn sa thải lúc nào tùy thích để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thanh niên Nhật đã bắt đầu nổi dậy. Nhưng trước đây họ không chống lại xã hội. Người Nhật có câu “mỗi người tự chịu trách nhiệm về số phận của mình”. Vài năm nay, câu này trở thành mốt trong giới trẻ. Họ tự trách rồi cũng tự trừng phạt bằng cách hủy hoại thân thể hoặc tự tử. Kể từ năm 2002, nguyên nhân hàng đầu của những cái chết trong lứa tuổi 20-39 là tự tử. Xã hội không ngừng gửi đến họ thông điệp: “Đồ vô tích sự, biến đi cho nhanh!”. Thế là họ tự xử.
"Trả xe đạp cho chúng tôi!"
Năm 2001, Nhật báo người nghèo ra số đầu tiên, đăng tuyên ngôn hô hào người nghèo nổi dậy bởi vì “Hoàn cảnh của chúng ta thật phi lý: Những ngày làm việc, chúng ta bị bóc lột với mức lương rẻ như bèo còn những ngày nghỉ, xã hội tiêu thụ nuốt hết tiền bạc của chúng ta (...). Trong hoàn cảnh đó, chỉ có một con đường là người nghèo đồng lòng nổi dậy, đập tan từng mảnh cuộc sống quỵ lụy xã hội. Chúng ta phải tiến công, áp đặt luật lệ của chúng ta”.
Năm 2005, Nghiệp đoàn Koenji NEET ra đời, tổ chức biểu tình trên đường phố đòi lại xe đạp bị tịch thu vì đậu trái phép. Hàng trăm thanh niên diễu hành sau một chiếc xe tải chở dụng cụ âm nhạc và dàn âm thanh. Họ hô to: “Trả xe đạp cho chúng tôi”. “Chúng tôi không có tiền để chuộc”. Vì phải có cả ngàn yen mới chuộc được xe.
Năm 2006, cũng nghiệp đoàn này tổ chức “nổi dậy đòi chỗ ở miễn phí”. Các đoàn viên giải thích: “Tiền thuê nhà quá đắt. Chúng tôi kiếm được quá ít tiền, có cái ăn hằng ngày còn không đủ. Làm sao chúng tôi có mấy chục ngàn yen để trả tiền nhà?”. Những người biểu tình tập kết trong một công viên, sau đó, họ diễu hành trên đường phố. Không có bạo động. Chỉ có âm nhạc và biểu ngữ. Dẫn đầu cuộc tuần hành là một chiếc xe tải phát đủ thứ nhạc, từ nhạc techno đến nhạc trữ tình nổi tiếng. Ca khúc No future (Không có tương lai) của ban nhạc Sex Pistol thật sự làm xúc động những người biểu tình bởi họ là những người không có tương lai.
Trong kế hoạch mang tên “Thách thức mới”, Chính phủ Nhật đặt ra mục tiêu đến năm 2010 giảm được 20% freeter. Nhà văn Amamiya thắc mắc: Còn 80% kia, họ sống ra sao?
. Theo NLĐ |