Đã có thiết bị xử lý nước bị nhiễm Fluor
17:26', 19/7/ 2007 (GMT+7)

Sau 1 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã lựa chọn được hệ thống xử lý Fluor theo quy mô hộ gia đình cho một số địa phương trong tỉnh có nguồn nước bị nhiễm Fluor. Đề tài này đã được nghiệm thu và xếp loại khá. Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

 

Mô hình thiết bị lọc nước quy mô hộ gia đình.Ảnh: H.X

 

Vừa qua, Hội đồng khoa học chuyên ngành tỉnh đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu xử lý tình trạng nhiễm Fluor trong nước ngầm tại các xã Bình Tường, Tây Giang (Tây Sơn) và xã Nhơn Tân (An Nhơn), do PGS.TS Nguyễn Văn Phước - Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh - làm chủ nhiệm đề tài.

Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành lấy 45 mẫu nước giếng của các hộ dân trên địa bàn 3 xã nói trên để kiểm nghiệm. Qua kết quả phân tích tổng hợp, 27/45 mẫu nước ngầm (chiếm 60%) có lượng Fluor vượt quá tiêu chuẩn quy định (không quá 1,5mg/lít nước). Trong đó, thôn Hòa Hiệp (xã Bình Tường) và thôn Nam Tượng 1 (xã Nhơn Tân) có 100% mẫu phân tích có chỉ tiêu Fluor vượt xa tiêu chuẩn cho phép; hàm lượng Fluor đo được là 8mg/lít và là nguyên nhân chính khiến nhiều người dân ở các địa phương này có biểu hiện bị các bệnh về răng và xương khớp.

Theo các nhà khoa học thực hiện đề tài, nguyên nhân nguồn nước ở các khu vực nói trên bị nhiễm Fluor là do đặc điểm cấu trúc địa chất. Nguyên tố Fluor có sẵn trong các thành phần đất với hàm lượng cao và hòa tan vào mạch nước ngầm, phân tán rộng trên địa bàn.

Trên cơ sở xác định nguyên nhân và chọn lựa nhiều công nghệ, nhóm thực hiện đề tài đã lựa chọn hệ thống xử lý ở quy mô hộ gia đình được thiết kế theo hướng sử dụng các cột hấp thụ Fluor bằng nhôm hoạt tính. Chi phí đầu tư ban đầu cho một hệ thống xử lý có công suất 40lít/ngày với giá thành khoảng 800.000 đồng/thiết bị. Trung bình, khoảng một năm phải thay vật liệu trao đổi Ion nhôm hoạt tính trong hệ thống xử lý một lần; chi phí cho một lần thay khoảng trên 100 ngàn đồng. Nhóm thực hiện đề tài cũng đã lắp đặt thử nghiệm 30 hệ thống xử lý ở hộ gia đình tại 3 xã trong phạm vi nghiên cứu. Sau khi sử dụng, hiệu chỉnh và lấy mẫu đánh giá hiệu quả xử lý của thiết bị, cho thấy nước sau khi được xử lý đạt hàm lượng Fluor đạt tiêu chuẩn quy định.

Theo các nghiên cứu, hàm lượng Fluor trong nước ngầm tối ưu cho mục đích sinh hoạt của con người là từ 0,7-1,2mg/lít nước. Nếu hàm lượng Fluor thấp hơn 0,7mg/l có thể dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu Fluor, gây bệnh giòn và mục răng; nếu hàm lượng Fluor cao trên 1,5mg/l có thể gây ăn mòn men răng, làm đen răng hoặc đốm răng, ảnh hưởng đến thận và tuyến giáp. Hàm lượng Fluor trên 4mg/l còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xương và có thể gây ung thư.

Theo ông Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mặc dù đề tài đã nghiên cứu và triển khai thử nghiệm quy trình công nghệ và thiết bị lọc nước khử Fluor theo quy mô hộ gia đình, nhưng để có thể triển khai đại trà lại gặp vướng mắc. Đa số các hộ dân tại các xã nói trên đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vì vậy, chi phí 800.000đ/thiết bị là một con số tương đối lớn. Hơn nữa, thiết bị sau khi sử dụng một tuần phải được súc rửa 1 lần. Một số ý kiến cho rằng, khoảng cách thời gian của việc súc rửa (1tuần/lần) là quá ngắn, sẽ khiến người dân… không kiên trì sử dụng.

Kết quả của đề tài còn cho thấy, nguồn nước ở các địa phương nói trên không chỉ bị nhiễm Fluor và một số chất khác do đặc điểm cấu trúc địa chất, mà còn bị nhiễm một số chất hữu cơ do ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ gia đình xây dựng chuồng chăn nuôi gia súc và các công trình phụ gần với nguồn nước, làm cho nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường ở cấp cơ sở và ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân chưa cao.

PGS.TS Nguyễn Văn Phước cho biết: “Theo chúng tôi, giá thành của thiết bị lọc nước hơi cao so với điều kiện của người dân. Tuy nhiên, nếu thiết bị này được triển khai rộng rãi thì giá thành sẽ giảm xuống vì được đặt sản xuất với số lượng lớn. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc mua thiết bị lọc nước. Điều quan trọng nhất là phải đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về đặc điểm và tác hại của tình trạng ô nhiễm Fluor và nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe bằng cách bảo vệ môi trường sống của mình”.

  • Mai Hồng
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tại sao phải xây dựng tiêu chuẩn ISO 14000?  (19/07/2007)
Phát hiện chiếc mặt nạ vàng thứ hai ở Bulgaria  (17/07/2007)
Phát hiện loài phong lan mới tại Công viên quốc gia Yosemite của Mỹ  (17/07/2007)
Paris ưu ái xe đạp   (16/07/2007)
Nhà xây bằng... nước  (15/07/2007)
Robot giúp bác sĩ sát cánh cùng bệnh nhân  (15/07/2007)
Những lời có cánh  (14/07/2007)
Đà Nẵng: Xe máy chạy bằng 25% xăng và 75%... nước!  (13/07/2007)
Quy Nhơn: 10 ngày có thêm 117 bệnh nhân sốt xuất huyết  (13/07/2007)
Sốt xuất huyết diễn biến khác thường  (12/07/2007)
Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững đầm Thị Nại  (11/07/2007)
Thư gởi con gái  (11/07/2007)
Nuốt kẹo cao su có hại không?  (10/07/2007)
Họ đã trở thành freeter như thế nào?  (09/07/2007)
Sự sống ngoài trái đất có thể lạ hơn ta tưởng  (08/07/2007)