|
Ảnh:corbis.com |
Gần đây dư luận xôn xao trước tin Viện Địa chất phát hiện ấm nước Trung Quốc có asen (thạch tín). Trong khi chờ nghiên cứu sâu hơn, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình bằng cách chọn ấm tốt.
Trong nghiên cứu sơ bộ của Viện Địa chất, họ sử dụng nước sạch (đã qua kiểm nghiệm độ an toàn) để đun trong các ấm Trung Quốc, và nhận thấy nước đun sôi có chứa asen gấp 3 lần mức cho phép.
Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, giám đốc Trung tâm hoạt hóa và điện hóa, người đã nhiều năm giảng dạy trong lĩnh vực vật liệu, cho biết: inox có thành phần chủ yếu là carbon, silic, mangan và phụ gia phốt pho, lưu huỳnh, niken, crom, đồng. Do vậy, ấm nước nếu được làm bằng inox thực sự thì không có asen (hoặc nếu có thì hàm lượng cũng rất nhỏ, không đáng kể). Ngoài ra, nhiệt độ sôi của nước cũng không đủ làm các hóa chất trong inox thôi ra.
Như vậy, "nếu trong nước đun sôi có asen, thì hoặc là vật liệu làm ấm không phải inox, hoặc là trong nước có vấn đề", ông Khải nói.
Trong trường hợp loại trừ cả hai yếu tố nguy cơ trên, theo Tiến sĩ Khải, có khả năng chính là do các cặn đóng vào đáy ấm lâu ngày. Hiện nay nước ngầm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nhiều nơi có chứa asen, một số nơi không được lọc hết. Khi đun ấm lâu ngày, nước đóng cặn, và asen có thể tích lũy trong cặn ấm. Do vậy, khi đi xét nghiệm, ngay cả nếu dùng nước đầu vào sạch, thì cũng có thể cho ra nước đun sôi chứa chất gây ung thư này.
Theo ông Khải, muốn biết có phải tại ấm sinh asen không, cần phải biết ấm đó là ấm mới tinh hay ấm cũ đã dùng lâu. Tốt nhất là kiểm tra với ấm mới tinh, và với nước trung tính. Vì nếu nước có độ pH <6 hoặc pH > 8 thì bản thân nước đã là một dung dịch có tính kiềm hoặc axit, nó tác dụng vào inox làm các chất tan ra. Nhiệt độ càng cao quá trình này càng mạnh.
Khuyến cáo chọn ấm của tiến sĩ Khải:
- Chỉ sử dụng khi biết rõ nhà sản xuất, làm bằng chất liệu gì, có đạt tiêu chuẩn hay không. Không nên mua hàng rẻ tiền, vì rất dễ là sản phẩm tái sinh.
- Với ấm inox hoặc hợp kim nhôm: chọn ấm nhẵn bóng, cứng cáp. Khi đun lên, nhìn vào bên trong lòng ấm không có hiện tượng đen hoặc các màu khác lạ.
- Không nên sử dụng ấm nhôm vì ở Việt Nam hiện nay, nhiều cơ sở thủ công sử dụng nhôm tái sinh rất bẩn, nhiều tạp chất. Loại ấm này có thể thôi ra đủ thứ chất độc hại. Các ấm nhôm cũ trước đây của Liên Xô có độ sạch trên 99%, và là hợp kim nhôm chứ không phải nhôm (để tăng độ cứng) nên rất tốt.
- Tất cả các loại ấm sau một thời gian đun đều có cặn. Nên lấy nước chè xanh đặc đun 2-3 lần sẽ bong hết cặn.
. Theo VnExpress |