|
Nguyệt thực toàn phần lần 1, ngày 3.3.2007. Ảnh:meteorlogni.com |
Nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 trong năm nay sẽ xảy ra vào ngày 28.8 và sẽ được nhìn thấy ở các khu vực thuộc Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Thái Bình Dương, Đông Á và Úc. Khu vực bờ biển phía Tây Canada và Hoa Kỳ sẽ là nơi nhìn thấy nguyệt thực tốt nhất. Lần trước, nguyệt thực toàn phần đã diễn ra vào ngày 3.3.
Việc quan sát nguyệt thực sẽ khác nhau tùy theo từng vùng trên Trái Đất. Vào ngày nói trên, phần lớn khu vực Bắc Mỹ và phía Tây Nam Mỹ sẽ quan sát được nguyệt thực toàn phần.
Dọc theo bờ biển phía Tây Canada và Hoa Kỳ, nguyệt thực toàn phần sẽ được nhìn thấy trọn vẹn từ đầu đến cuối, trước khi trăng lặn vào sáng sớm thứ Ba, 28.8.
Trong khi đó, ở Hawaii, nguyệt thực sẽ diễn ra vào khoảng nửa đêm. Ở Úc và khu vực Đông Á, bao gồm Nhật Bản, hiện tượng thiên nhiên ngoạn mục này sẽ xảy ra cùng ngày, nhưng vào buổi chiều tối, khi trăng bắt đầu lên.
Theo dự báo, trong lần nguyệt thực này, thời gian Mặt Trăng bị che khuất hoàn toàn bởi bóng của Trái Đất sẽ kéo dài 90 phút. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Trái Đất đi vào giữa Mặt Trăng và Mặt Trời và che khuất hoàn toàn Mặt Trăng.
Tuy nhiên, vì một phần ánh sáng từ Mặt Trời chiếu đến Trái Đất bị khuếch tán và lan tỏa bởi bầu khí quyển Trái Đất, nên Mặt Trăng sẽ không bị Trái Đất che tối hoàn toàn, mà vẫn hấp thụ một phần nhỏ tia sáng Mặt Trời, đủ để tạo nên một vầng sáng màu đồng kỳ ảo ngay cả khi nó đã bị che khuất hoàn toàn.
Do đó, trong lần nguyệt thực sắp tới, Mặt Trăng sẽ sáng rõ ở phần dưới của nó, trong khi phần trên sẽ là một màu nâu thẫm hoặc xám đậm.
Ông Phan Văn Đồng, thư ký Hội Thiên văn học Việt Nam, cho biết theo tài liệu mà ông có, thời gian xảy ra nguyệt thực tính theo giờ Việt Nam sẽ bắt đầu từ 14 giờ 53 phút 39 giây, thời điểm nguyệt thực cực đại là 17 giờ 37 phút 22 giây và kết thúc lúc 18 giờ 22 phút 24 giây. Chiếu theo giờ này, một số khu vực ở Việt Nam có khả năng quan sát được nguyệt thực toàn phần là các đảo phía Đông.
. Theo VNN, TTO |