|
Nhiều bạn trẻ Trung Quốc là những người tiêu dùng hăm hở |
Một buổi tối cuối tuần, sáu người bạn rủ nhau đi chơi. Tiệc hải sản bày trước mắt, cuộc trò chuyện sôi nổi bắt đầu. Maria Trương đeo chiếc khuyên tai lớn, vận áo khoác lông đắt tiền và trang điểm rất kỹ càng, bắt đầu kể về một hòn đảo mà mọi người thường đi nghỉ ở bờ biển phía đông Thái Lan.
Cô nói, hòn đảo có môn lặn biển rất thú vị, rất nhiều người Trung Quốc ở đó nên chẳng phải lo lắng gì về ngôn ngữ. Bạn cô, Vicky Dương kè kè bên mình chiếc máy tính xách tay, đang tải bức thư điện tử từ một vị khách hàng trên điện thoại di động. Là một chuyên viên thống kê tại hãng tư vấn, Vicky cần phải hoàn tất một dự án được giao vào đêm nay. Trong khi cô mải gọi điện thoại cho một người bạn, thì buổi trò chuyện quanh bữa tiệc tối trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Chủ đề liên quan đến các loại máy nghe nhạc iPod rồi hiện tượng bùng nổ thẻ tín dụng tại Trung Quốc.
Trần ngồi im lặng. Anh là một chuyên gia tài chính cho tập đoàn quảng cáo Ogilvy & Mather tại Bắc Kinh. Anh nói gần đây nhận được sáu thẻ tín dụng trong thư. "Mỗi thẻ trị giá 10.000 nhân dân tệ’’, Trần cười. "Đột nhiên tôi trở nên giàu có với 60.000 nhân dân tệ’’. Câu chuyện trở lại với ngành kinh doanh bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc, rồi đột nhiên ngắt quãng để các thành viên "xoay xở’’ với tôm, cá.
Một chủ đề cả nhóm không đả động gì tới, đó là chính trị. Điều này làm cho họ khác hẳn với những thế hệ tầng lớp trung lưu trước đây tại Trung Quốc - những người trải qua nhiều sự kiện lớn vào khoảng nửa thế kỷ trước: Cách mạng văn hóa, sự mở cửa với phương Tây…
Có khoảng 300 triệu người Trung Quốc dưới tuổi 30 - lớp người "cầu nối’’ giữa những năm "đóng cửa’’ và "mở cửa’’ với nền kinh tế toàn cầu hóa. Thế hệ trẻ Trung Quốc là động lực và cũng là những người được hưởng lợi từ sự phát triển vượt bậc của đất nước thời gian gần đây. Theo kết quả cuộc thăm dò của Credit Suisse First Boston, thu nhập của lớp người 20-29 tuổi tăng 34% trong ba năm qua và tính đến thời điểm này là nhóm có thu nhập lớn nhất trong mọi nhóm tuổi. Phần lớn trong số này tôn trọng "cái tôi’’ và không quan tâm đến chính trị. Hỏi đa số các bạn trẻ Trung Quốc ngày nay, bạn sẽ biết họ thường uống Starbucks, mặc đồ Nikes và ám ảnh với blog.
Theo các nhà quan sát Trung Quốc thì, thế hệ "Cái Tôi’’ hiện nay ở đại lục tự hào về những gì Trung Quốc đạt được và rất lạc quan, tin cậy vào chính phủ.
Lần đầu tiên tôi tới thăm Trung Quốc năm 1981, đến Công viên Nhân dân ở Thượng Hải với hai người bạn. Một người bạn ở Bộ Ngoại giao đưa chúng tôi đi qua cổng đặc biệt chuyên dành cho "các bạn nước ngoài’’. Tôi thấy có một nhóm các bạn trẻ Trung Quốc tập trung phía ngoài, khi chúng tôi đi qua, một số người lên tiếng luận bàn về sự phân biệt này. Người bạn tôi là phiên dịch, cũng bày tỏ lòng đồng cảm bằng tiếng Trung Quốc. Lập tức, nhóm ấy vây quanh chúng tôi, đưa ra những câu hỏi thể hiện nhiều khát khao: Vẫn còn người nô lệ ở Mỹ? Bạn đã học tiếng Trung Quốc ở đâu? Có phải mỗi gia đình ở Mỹ đều có tới ba chiếc xe hơi?...
Buổi thảo luận ấy đã cách đây 25 năm. Những người Trung Quốc tôi gặp ngày đó có thể giờ đây là cha mẹ của nhóm bạn đang ăn hải sản ở một nhà hàng tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, có vẻ giữa họ không có điểm chung nào về quan điểm, kinh nghiệm sống, giáo dục cũng như mơ ước tương lai…
Do chính sách một con của Trung Quốc bắt đầu từ năm 1978, nhóm bạn trẻ bây giờ đều là con một, bị ám ảnh bởi chủ nghĩa tiêu dùng, internet và video games. Cùng lúc đó, thế hệ trẻ Trung Quốc hiện tại được giáo dục tốt hơn và thực tế hơn những người đi trước. Thế hệ lớn lên trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa phải chật vật để tốt nghiệp trung học, thế hệ bây giờ có tới khoảng ¼ bạn trẻ ở độ tuổi 20 theo học các trường đại học. Đại lục mở cửa với phương Tây khiến ngày càng có nhiều người dân thành thị thích thú với việc tìm hiểu thế giới bên ngoài: khoảng 37 triệu người sẽ du lịch nước ngoài vào năm 2007. Trong thập niên tới, ước tính số du khách Trung Quốc du lịch nước ngoài còn nhiều hơn số du khách Mỹ - Âu cộng lại.
Thế hệ hiện tại sống trong yên bình và tăng trưởng kinh tế. "Chúng tôi đều có những mong ước, khát khao về mọi thứ hơn cha mẹ chúng tôi’’, Maria Trương, 27 tuổi nói. "Chúng tôi ăn nhiều hơn, thưởng thức nhiều hơn, chiêm ngưỡng nhiều hơn và muốn nhiều hơn…’’.
Còn Vicky là hiện thân của giới trẻ Trung Quốc. Cô có mục tiêu theo đuổi, 29 tuổi hiếm khi cười đùa. Cô và bạn bề gặp nhau thường xuyên để ăn tối, và tại các quán bar, cô nói cô không bao giờ dùng bữa tại nhà. Người ta thấy trên blog của cô toàn là hình chụp các bữa tiệc nhân những kỳ nghỉ, dịp lễ Tây phương như Halloween hay Giáng sinh. Năm trước, Vicky đã đi du lịch Ai Cập.
Được sự khuyến khích của cậu bạn trai mới Vương Ninh, Vicky quyết định đầu năm nay tham gia hoạt động thể thao. Để chuẩn bị cho môn trượt tuyết, cô tới một khu phố buôn bán sầm uất ở Bắc Kinh với giá cả đặc biệt, chuyên doanh dụng cụ trượt tuyết nhập khẩu. Vicky đã chi khoảng 700 USD để mua ván trượt, găng tay, kính bảo hộ…
Khi được hỏi vì sao cô sẵn sàng đầu tư nhiều tiền cho một môn thể thao cô chưa từng biết đến, cô trả lời: "Tôi tin là cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi quyết định bắt đầu một sở thích mới’’. Cô nhấn mạnh: "Thậm chí nếu tôi không thích trượt tuyết, thì cũng cảm thấy rất thú vị khi nhìn những dụng cụ tuyệt đẹp này trong căn phòng của mình. Bạn bè khách khứa cũng chẳng biết tôi không sử dụng nó’’, Vicky nói vui. Ngồi uống cà phê ở Starbucks, cô giải thích một cách nghiêm túc rằng: “Vì cuộc sống của chúng tôi khá tốt đẹp. Tôi chỉ quan tâm đến quyền lợi của mình khi tới một nhà hàng đánh giá chất lượng người phục vụ hay đi mua đồ xem chất lượng sản phẩm’’.
Những người như Vicky và bạn bè cô đại diện cho một số lượng lớn các bạn trẻ ở Trung Quốc - là những người tiêu dùng đầy hăm hở. Vicky không ít lần nhắc lại câu nói yêu thích: "làm việc nhiều, vui chơi còn nhiều hơn’’. Tới năm 2015, số người trưởng thành ở Trung Quốc dưới độ tuổi 30 ước tính vào khoảng 500 triệu người (tương đương với toàn bộ dân số EU).
Tại nhà hàng, khi bát đĩa được dọn dẹp sạch sẽ, bên tách trà và đĩa hoa quả, không khí có vẻ trầm xuống. "Chúng tôi may mắn hơn cha mẹ mình’’, Maria Zhang, thành viên nhóm quản lý một trong những câu lạc bộ đắt tiền nhất tại Bắc Kinh nói. "Cha mẹ tôi chẳng có gì cho mình, họ sống vì tôi’’. Vương Ninh, người vừa thành lập một công ty quảng cáo cũng đồng ý như vậy. "Chúng tôi ngày càng chú ý đến bản thân nhiều hơn, chúng tôi sống vì chính chúng tôi và điều đó không phải là xấu, chúng tôi cần phải đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Đó là sức mạnh của chúng tôi, khả năng được đóng góp. Đó là cách thế hệ chúng tôi cống hiến cho đất nước’’.
. Theo VNN
|