Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng:
Bệnh lợn tai xanh không lây sang người
15:59', 2/8/ 2007 (GMT+7)

TS Nguyễn Huy Nga

Trao đổi với báo chí, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề xung quanh bệnh liên cầu lợn và bệnh lợn tai xanh.

*  Thưa Tiến sĩ, theo Viện các Bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, từ đầu năm đến nay, Viện đã tiếp nhận gần 30 bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó có 3 ca tử vong. Các bệnh nhân đa phần ở khu vực phía Bắc đều tiếp xúc trực tiếp với lợn như: giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại, ăn thịt lợn bị chết. Xin TS cho biết đây có phải là bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta?

- Bệnh liên cầu lợn ở người có tên khoa học là Streptococcus suis, bệnh lây từ động vật sang người (các động vật như lợn, ngựa, chó, mèo) nhưng chủ yếu là từ lợn sang người. Đây cũng không phải là bệnh mới xuất hiện, từ năm 1960, y văn thế giới đã ghi nhận. Năm 2005, tại Trung Quốc, bệnh đã xuất hiện rộ lên trên đàn lợn và với hàng trăm người mắc, trong đó có hàng chục người tử vong vì căn bệnh này. Còn tại Việt Nam, năm 2005, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM qua hệ thống xét nghiệm lần đầu tiên đã chính thức xác nhận bệnh liên cầu lợn. Đến năm 2007, hệ thống xét nghiệm của Viện các Bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia cũng mới xác định người mắc bệnh liên cầu lợn.

Tuy nhiên, không có nghĩa là từ năm 2005, Việt Nam mới có bệnh này mà trước đó đã xuất hiện rải rác. Một vài bệnh nhân có các dấu hiệu lâm sàng điển hình của bệnh liên cầu lợn nhưng hệ thống phòng thí nghiệm Việt Nam lúc đó chưa xác định được.

Theo tôi, con số cộng dồn từ đầu năm của Viện các Bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia thông báo chưa ở mức độ dịch nguy hiểm, bởi năm 2005, hệ thống xét nghiệm của Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM đã phát hiện 40 người mắc nhưng không có trường hợp nào bị tử vong.

* Số người mắc, tử vong vì bệnh liên cầu lợn không phải ở mức độ cảnh báo nhưng người dân lại hết sức hoang mang vì sau dịch SARS, đến cúm A (H5N1), tiếp đến là bệnh liên cầu lợn thì gia cầm, gia súc là trung gian lây bệnh sang người. TS có thể nói rõ cơ chế lây bệnh, cách phòng tránh bệnh này?

- Đúng là bệnh liên cầu lợn và các bệnh SARS, cúm A (H5N1) ngay cả sốt xuất huyết và nhiều bệnh khác có nguồn gốc truyền qua gia cầm, gia súc, muỗi... nhưng bệnh liên cầu lợn đã có phác đồ điều trị rất hiệu quả từ lâu. Đồng thời, theo y văn khả năng lây bệnh từ lợn sang người rất ít gặp và chưa có trường hợp nào bị lây từ người sang người.

Thực tế, số người mắc bệnh liên cầu lợn vừa qua nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, chủ yếu bằng kháng sinh thì vấn đề tử vong là rất hy hữu. Tôi được biết, nhiều người dân hoang mang và lo lắng do hiểu nhầm bệnh lợn tai xanh chính là bệnh liên cầu lợn đang xuất hiện ở các tỉnh miền Trung.

* Vậy TS nói rõ bệnh lợn tai xanh và bệnh liên cầu khuẩn giống nhau và khác nhau ở điểm nào, cơ chế lây truyền cụ thể ra sao? Loại bệnh nào ở lợn lây được sang người?

- Theo Trung tâm Chẩn đoán thú y T.Ư, bệnh lợn tai xanh có tên khoa học là hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn. Bệnh này do virus Lelystad gây ra. Virus này tấn công vào đại thực bào làm giảm chức năng hệ thống bảo vệ cơ thể, làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh kế phát như: tả, phó thương hàn, liên cầu khuẩn, hen suyễn... và chỉ lây từ lợn sang lợn chứ không lây bệnh cho người.

Còn bệnh liên cầu khuẩn ở lợn có tên khoa học Streptococcus suis lây từ lợn sang người qua ăn uống, hô hấp và các vết trầy xước ngoài da khi tiếp xúc trực tiếp với lợn hoặc thịt lợn bị nhiễm bệnh, sờ mó súc vật, cầm nắm thịt tươi và các sản phẩm sống khác từ lợn bị nhiễm bệnh hoặc khi chăn nuôi, dọn dẹp chuồng trại mà không có phương tiện bảo vệ cá nhân. Các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao như thợ giết mổ lợn, công nhân lò mổ, người bán thịt, người chế biến thịt lợn...

Về cơ chế và con đường lây nhiễm, tác nhân gây bệnh, hai bệnh khác nhau hoàn toàn. Tôi khẳng định, chỉ có lợn bị bệnh liên cầu mới lây sang người còn bệnh lợn tai xanh không thể lây sang người. Tuy nhiên, người ta cảnh báo nguy cơ lợn tai xanh vì khi đã mắc bệnh tai xanh thì sức đề kháng của lợn rất yếu, khả năng bị nhiễm thêm các bệnh khác rất cao, trong đó có cả bệnh liên cầu.

* Như TS nói, bệnh liên cầu có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm, vậy những dấu hiệu điển hình nào giúp người bệnh phát hiện sớm để đến cơ sở y tế điều trị?

- Đối với những người nằm trong vùng có bệnh liên cầu lợn, những người tiếp xúc và ăn thịt lợn ốm, chết nếu có các dấu hiệu như sốt cao, rét run, đau bụng, rối loạn tiêu hóa nổi ban đỏ hoặc xuất huyết dưới da thành mảng trên cơ thể hoặc triệu chứng viêm màng não... cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị kịp thời.  

3 ca tử vong vừa qua, bệnh nhân đều bị phát hiện muộn và điều trị không đúng phác đồ, khi đến điều trị tại Viện các Bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới quốc gia thì đã nhiễm bệnh nặng, không thể cứu được.

* Theo TS những biện pháp nào để phòng bệnh liên cầu lợn và bảo vệ sức khỏe nhân dân?

- Cục Y tế Dự phòng Việt Nam đã có Công văn ngày 30.7.2007 gửi Sở Y tế các địa phương hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh trong dân và cộng đồng (xin xem Khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng bệnh liên cầu lợn lây sang người); đồng thời tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh này.

Tôi cũng nói rõ, chỉ có 2 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm, khẳng định bệnh nhân có nhiễm liên cầu lợn hay không, đó là: Viện các Bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia và Bệnh Viện bệnh Nhiệt đới TP HCM mà thôi.

* Xin cảm ơn Tiến sĩ.

. Theo TTXVN

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát hiện thêm 28 trường hợp HIV/AIDS  (02/08/2007)
Nga thăm dò dầu mỏ ở đáy biển Arctic  (01/08/2007)
Mất cân bằng về tỉ lệ giới tính có chiều hướng gia tăng  (01/08/2007)
Thế hệ "cái tôi" ở Trung Quốc  (31/07/2007)
Tại sao không gọi la bàn là kim chỉ bắc?  (31/07/2007)
75% người Việt Nam mắc bệnh giun sán  (30/07/2007)
Mọi người thường lãng phí thời gian tại công sở  (29/07/2007)
Chất độc da cam có thể làm tăng huyết áp  (29/07/2007)
Yêu nhau vì giọng nói  (28/07/2007)
Bàn giao 1 con chồn mực cho Trung tâm Cứu hộ Cúc Phương  (28/07/2007)
Học sinh nông thôn giỏi khoa học hơn  (27/07/2007)
Việt Nam sẽ có nguyệt thực toàn phần vào ngày 28.8  (26/07/2007)
3 tháng tới, nắng nóng hơn mọi năm  (26/07/2007)
Chọn mua ấm đun nước đúng cách?  (24/07/2007)
Trung Quốc: Tách đôi cặp song sinh dính liền thân  (23/07/2007)