BÁC SĨ TRẦN BIỂU - PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM Y TẾ DỰ PHÒNG TỈNH:
Tháng 8, 9 mới là “đỉnh điểm” của dịch sốt xuất huyết!
19:10', 9/8/ 2007 (GMT+7)

Dọn dẹp vệ sinh môi trường, không để muỗi phát triển là giải pháp chính để phòng chống SXH. Ảnh: Thu Hiền

Tính đến thời điểm hiện tại, dịch sốt xuất huyết (SXH) ở tỉnh ta đã có dấu hiệu chững lại. Từ đầu tháng 8, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 10 trường hợp mắc SXH, rải rác ở các huyện. Tuy nhiên, bác sĩ Trần Biểu, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, khẳng định, SXH vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

* Bác sĩ có thể nói rõ hơn sự phức tạp của dịch SXH trong thời điểm này?

- Đúng là hiện nay, dịch SXH ở tỉnh ta đã giảm về số ca mắc cũng như tính chất bệnh. Điều này chứng tỏ các biện pháp phòng chống dịch đã phát huy hiệu quả. Theo giám sát của chúng tôi, bình quân mỗi ngày tỉnh ta có khoảng 5-7 trường hợp mắc cả 2 thể bệnh SXH Dengue và sốt Dengue. Tại TP Quy Nhơn, địa bàn bùng phát dịch trong tháng 6 và 7, sau hàng loạt các biện pháp xử lý đến nay các chỉ số vectơ cũng đã giảm rất nhiều.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, bệnh SXH gia tăng là do công tác phòng chống dịch của tỉnh ta chưa triệt để, quyết liệt, chiến dịch diệt lăng quăng trễ, không đồng bộ, việc xử lý các ổ dịch nhỏ không kịp thời, hầu như chỉ chạy theo xử lý phần “đuôi dịch”. Sau khi UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp phòng chống SXH thì các hạn chế nói trên đã được khắc phục.

Tuy nhiên, dù dịch đã có dấu hiệu chững lại nhưng chúng ta cũng không được lơ là, chủ quan bởi vì theo quy luật tháng 8 và 9 mới là “đỉnh điểm” của dịch. Đặc biệt, trong mấy ngày qua, thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển, nguy cơ bùng phát dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

* Vừa qua, một số thông tin cho rằng muỗi Aedes aegypti có dấu hiệu kháng hóa chất Permethrine 50EC vì ở các địa bàn đã được xử lý bằng hóa chất này vẫn tiếp tục có người mắc bệnh và số lượng muỗi còn nhiều?

- Tôi có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này, tỉnh ta vẫn chưa có tình trạng muỗi kháng hóa chất. Ở cấp tỉnh thì trung tâm chưa có đủ thiết bị để làm thử độ nhạy cảm của hóa chất đối với muỗi nhưng qua giám sát cho thấy số lượng muỗi đã giảm hẳn. Trong tháng 6, Viện Pasteur Nha Trang làm thử độ nhạy cảm của hóa chất đối với muỗi ở một số hộ dân thuộc phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn) cũng cho kết quả là chỉ số mật độ muỗi gây bệnh SXH bắt được trên số hộ dân được điều tra giảm từ 0,9 xuống  còn 0,2.

Sở dĩ SXH vẫn còn xảy ra rải rác là do nhiều nguyên nhân. Thời gian ủ bệnh của SXH từ 3 - 7 ngày nên nhiều người đã mang mầm bệnh mà chưa phát bệnh. Mặt khác, chúng tôi phun hóa chất xong nhưng người dân không kiểm soát được ổ bọ gậy, lăng quăng thì chỉ một tuần sau muỗi đã xuất hiện trở lại. Mà thời gian có vi rút trong người bệnh có thể lây truyền từ người này sang người kia là 7 - 12 ngày.

Do đó, biện pháp chính dự phòng SXH hiện nay là huy động cả cộng đồng tham gia diệt bọ gậy, loại trừ những nơi mà bọ gậy và muỗi có thể sinh sống; đồng thời giám sát tốt để kịp thời phát hiện, điều trị các ca bệnh, khống chế không để dịch lây lan.

* Cảm ơn bác sĩ!

  • Hiền Lê(thực hiện)
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ăn kiêng có khả năng dẫn đến béo phì ở trẻ em  (09/08/2007)
Chào hàng trên Net  (09/08/2007)
Đầu năm 2007: Thời tiết khắc nghiệt nhất trong 127 năm qua  (08/08/2007)
Phát hiện rừng bách 8 triệu năm tuổi  (08/08/2007)
Cà phê làm chậm quá trình giảm trí nhớ ở phụ nữ lớn tuổi  (07/08/2007)
Thả một con rùa xanh nặng hơn 1 tạ về với biển  (07/08/2007)
Thiết bị an toàn trong đời sống hiện đại  (07/08/2007)
Bệnh sán lá gan lớn có nguy cơ gia tăng trong mùa mưa  (07/08/2007)
Sốt xuất huyết có dấu hiệu chững lại  (07/08/2007)
Sự biến mất của các vùng đồng bằng ở Pakistan  (06/08/2007)
87,5 % người VN dưới 18 tuổi bị sâu răng  (06/08/2007)
Dấu hiệu trẻ bị cận thị  (05/08/2007)
Nên đứng khi uống thuốc  (05/08/2007)
Khỏe, đẹp cùng Aerobic  (04/08/2007)
Bệnh đái tháo đường đang có chiều hướng gia tăng  (04/08/2007)