Con trai là… nhất ?
8:26', 22/8/ 2007 (GMT+7)

Theo các chuyên gia về dân số, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng mất cân bằng giới tính đang xảy ra ở Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng trong những năm gần đây bắt nguồn từ một tư tưởng cũ: “trọng nam khinh nữ”. Ngoài những hệ lụy gây ra cho xã hội như bóc lột sức lao động, mua bán phụ nữ…, tư tưởng này còn làm nảy sinh ngay trong bản thân các gia đình sự “ngăn cách” giữa các thành viên.

* Quyết sinh con trai để làm ”vốn” 

Cách đây 2 năm, anh Hiền, làm nghề lái xe tải ở phường Đống Đa (Quy Nhơn) tuy có hai cô con gái, con đầu đã 17 tuổi, xinh xắn, học giỏi nhưng vẫn rầu rĩ vì mình chưa có con trai để “làm vốn”. Thế rồi năm ngoái, vợ anh - ở tuổi 45 - quyết sinh tiếp để có được con trai. Kết quả như ý muốn. “Hoàng tử” ra đời đã làm thay đổi hoàn toàn không khí của gia đình anh Hiền và dĩ nhiên là giành hết mọi sự thương yêu, chăm sóc của anh chị. Vợ anh Hiền bảo: “Sinh được một thằng cu thấy an tâm và khỏe cả người. Chứ không, biết đâu ổng đi kiếm con trai ở ngoài thì gay”. Còn anh Hiền thì nói: “Có con trai rồi ra đường tôi thấy nở mày nở mặt”.

 

Mẹ và con (ảnh chỉ có tính minh họa).  Ảnh: Hoàng Tuấn

 

Không phải đợi “sinh con gái rồi lo kiếm con trai” như vợ chồng anh Hiền, vợ chồng chị Hải - anh Huân (phường Nhơn Bình, Quy Nhơn) từ khi mới cưới đã lên kế hoạch phải sinh con trai đầu cho… chắc. Vậy mà, phải 4 năm sau, sau khi có một cô con gái, chị mới sinh được một thằng cu. Chị tâm sự: “Thời nay ai bảo con trai - con gái như nhau. Có một thằng là tui lấy lại được giá trị với gia đình nhà chồng rồi”. Chị kể, chồng chị không phải con trai đầu, cũng chẳng phải con trai một, vậy mà cả chồng và gia đình chồng cứ mong mỏi cháu trai!

Mặc dù xã hội ngày càng hiện đại và Luật Bình đẳng giới đang được tuyên truyền rộng rãi đến mọi người nhưng tư tưởng ‘‘trọng nam khinh nữ’’, sinh con trai để nối dõi tông đường ngày nay vẫn tồn tại âm ỉ trong nhiều gia đình, ở cả thành thị lẫn nông thôn. Anh Mỹ (phường Trần Phú), có 3 con gái và 2 con trai cho rằng: “Con gái là con người ta, “xuất giá tòng phu”, chỉ có con trai là ở với mình, lo cho mình. Hơn nữa có con gái như “bom nổ chậm” trong nhà, phải lo lắng đủ bề”. Vì vậy, theo anh, có 2 đứa con trai là “tạm đủ”. Ai cũng khen anh chị giỏi giang, anh đi xe ôm, chị buôn bán mà nuôi được đàn con nheo nhóc. Anh cười: “Có 2 đứa con trai đủ làm động lực để tui… chịu cực rồi”.

* Những ngăn cách trong gia đình

Ngay từ nhỏ, những quý tử là con trai đã nhận được sự thương yêu, gởi gắm đặc biệt từ bố mẹ. Dần dà, cha mẹ vô tình tạo sự đối xử thiên lệch của họ với những đứa con của mình. Cu Bi, 2 tuổi, con trai anh Hiền, từ lúc mới sinh ra đã được cưng như “ông trời con”, muốn cái gì là được cái ấy. Khi cu Bi “dở chứng” gào lên khóc thì lập tức 2 đứa con gái lớn sẽ bị anh chị “hỏi tội”. Anh Hiền cho rằng: “Phải để con trai quậy thoải mái lớn lên nó mới khôn và lanh lẹ’’.

Có lần, tôi đến nhà anh Mỹ chơi và chứng kiến một cảnh vừa buồn cười vừa thấy tội nghiệp cho đứa con gái lớn của anh. Thấy cậu út cưng đang chơi bỗng nằm vạ ra khóc, anh Mỹ lại dỗ dành: “Con nín đi, lại đá chị Hai một cái nào!” và quay sang bảo con gái lớn của anh: “Trang, ngồi im cho cu út đá cái coi!”. Trước mặt khách, tôi nghĩ bé Trang sẽ “quê” trước sự đối xử kỳ cục của ông bố, nhưng em nhìn tôi cười gượng với vẻ mặt buồn: “Con quen rồi”.

Quan niệm “trọng nam khinh nữ” không chỉ ảnh hưởng đến cách đối xử của cha mẹ và con cái mà tình cảm giữa chị em gái - anh em trai dần dà cũng có sự cách biệt. Những cục cưng là con trai ngay từ nhỏ đã hình thành “cái tôi” rất lớn trong quan hệ giữa các anh chị em trong gia đình bởi chúng nhận thức được mình là trung tâm, là “vốn” của gia đình. Cu Ba, cục cưng của anh Huân tuy là em út trong nhà nhưng ngang ngạnh và tỏ rõ “uy quyền” con trai một của mình trước người chị cả. Như khi chỉ có 2 chị em ở nhàø, cu Ba “ra lệnh” chị mình phải trông nhà, nấu cơm, còn mình thì đi… chơi. Mọi công việc nhà phụ giúp bố mẹ, chị cu Ba phải làm một mình. Đây như là nguyên tắc “bất di bất dịch” hình thành giữa hai chị em mà chính vợ chồng anh Huân cũng… đồng tình vì cho rằng, con trai chỉ phải lo việc “đại sự”. Hai chị em ít khi nào gần gũi, thân mật, hòa hợp được với nhau. Tuy ấm ức vì sự không công bằng của bố mẹ và thái độ vô lễ của em mình, nhưng chị cu Ba đành chịu vì từ lâu đã là “nếp nhà”.

Khi tâm sự với những em gái ở các gia đình kể trên, hầu hết các em đều tủi thân, không tự tin khi kể về gia đình mình. Các em chỉ mong muốn bố mẹ hãy thương yêu, đối xử một cách công bằng dù em là gái hay trai để anh chị em “như thể tay chân”, biết thương yêu, đùm bọc nhau…

  • Nguyễn Xuân Vinh
In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vật liệu siêu giữ nước cho cây trồng  (21/08/2007)
Cấm lưu hành thuốc Phong thấp cốt thống hoàn, Phong nhức hoàn  (21/08/2007)
Kính viễn vọng siêu nhỏ giúp cải thiện thị lực  (20/08/2007)
Nhà sáng tạo khuyết tật Võ Đình Minh được mời dự  (20/08/2007)
Lại phát hiện độc chất trong thực phẩm của Trung Quốc  (19/08/2007)
Các Bà Đi Tập Dưỡng Sinh  (18/08/2007)
Trăng rằm gây hiểm họa  (17/08/2007)
Công nghệ "thay cầu siêu tốc"  (16/08/2007)
Hiệu quả thiết thực  (16/08/2007)
Phát hiện hai loài lan hiếm ở Phú Quốc  (14/08/2007)
Điên đầu vì e-mail  (14/08/2007)
Băng ở Bắc cực giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay  (13/08/2007)
Ban hành Quy chế quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH-CN  (13/08/2007)
Andean, thị trấn bị ô nhiễm nghiêm trọng tại Peru  (12/08/2007)
20% thanh nữ ở VN thiếu máu do thiếu sắt  (12/08/2007)