|
Nguyệt thực toàn phần lần 2 năm 2007 sẽ bắt đầu lúc 10:37 GMT và diễn ra trong 90 phút. Trong ảnh: Nguyệt thực toàn phần năm 2004 (FortPhoto) |
Ngày mai 28.8, sẽ có nguyệt thực toàn phần lần thứ hai trong năm 2007. Nguyệt thực sẽ diễn ra vào 10 giờ 37 (giờ GMT), tức 17 giờ 37 (giờ Hà Nội).
Mặt Trăng sẽ bị che khuất hoàn toàn vào lúc 10:37 GMT, tương ứng với đầu buổi tối ở Sydney (Úc) và vài giờ trước khi Mặt Trời mọc ở Los Angeles (Hoa Kỳ) và Vancouver (Canada).
Trong lần nguyệt thực này, Mặt Trăng sẽ bị che khuất hoàn toàn trong 90 phút.
Những nơi có thể chứng kiến nguyệt thực toàn phần rõ nhất từ đầu tới cuối là vành đai Thái Bình Dương, bao gồm vùng duyên hải phía Tây nước Mỹ và Canada, cũng như ở Alaska, Hawaii, New Zealand và miền Động nước Úc.
Ngoài ra, khu vực Đông Á và Tây bán cầu cũng sẽ là những nơi có thể quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.
Theo NASA, nguyệt thực sẽ không được nhìn thấy ở châu Âu hoặc châu Phi.
Màu sắc của Mặt Trăng sẽ được nhìn thấy khác nhau ở từng khu vực, từ màu cam sáng đến đỏ thẫm, đến màu đồng hoặc xám đậm, tùy thuộc vào mức độ bụi và các chất khí trong bầu khí quyển.
Nguyệt thực toàn phần thường xảy ra khoảng vài năm 1 lần, nhưng riêng trong năm nay, thế giới được chứng kiến đến 2 lần – lần thứ 1 đã xảy ra vào ngày 3.3.
Theo các nhà thiên văn học, sau nguyệt thực lần này, lần nguyệt thực kế tiếp sẽ diễn ra vào ngày 21.2.2008, và sau đó, mãi đến tháng 12.2010, thế giới mới có dịp tiếp tục chứng kiến nguyệt thực.
. Theo VNN |