Vi phạm an toàn và kiểm soát bức xạ đã giảm
14:53', 30/8/ 2007 (GMT+7)

Các cơ sở y tế cần chủ động kiểm tra an toàn bức xạ cho các thiết bị X-quang. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm phân tích kiểm nghiệm (Sở KH-CN) đang giới thiệu bộ Kit kiểm định X-quang. Ảnh: M.H

Vừa qua, Sở KH-CN tỉnh đã tiến hành công tác thanh tra về an toàn và kiểm soát bức xạ trong năm 2007. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Trần Tấn Hoàng - Chánh thanh tra Sở KH-CN - xung quanh vấn đề này.

+ Kết quả của quá trình thanh tra về an toàn bức xạ ở tỉnh ta như thế nào, thưa ông?

- Ở Bình Định có tổng số 40 cơ sở cần được kiểm tra an toàn và kiểm soát bức xạ (AT-KSBX). Trong năm nay, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra 38 cơ sở hoạt động trong 3 lĩnh vực: y tế, khai thác khoáng sản và xây dựng. Kết quả cho thấy có 4/38 cơ sở vi phạm về AT-KSBX. Đối với lĩnh vực y tế, có 3 cơ sở vi phạm các quy định pháp luật của AT-KSBX như: sử dụng giấy phép quá thời hạn; vi phạm quy định che chắn để lọt tia bức xạ quá liều cho phép; sử dụng thiết bị X-quang sai vị trí đã được cấp phép.

Đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản và xây dựng, hầu hết các cơ sở đã đảm bảo đầy đủ các quy định về AT-KSBX, tuy nhiên, vẫn còn 1 cơ sở không có nội quy về AT-KSBX và không kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên bức xạ theo quy định. Nhìn chung, so với năm 2006, tỉ lệ vi phạm về AT-KSBX đã giảm nhiều và công tác đảm bảo AT-KSBX đã được thực hiện tốt hơn.

+ Qua kết quả thanh tra, ông có thể cho biết thực trạng của việc đảm bảo AT-KSBX trên địa bàn tỉnh?

- Những năm qua, công tác thanh tra AT-KSBX được tổ chức định kỳ hàng năm đã có tác dụng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ sở đối với việc thực hiện các quy định pháp luật về AT-KSBX. Hầu hết các cơ sở y tế, khai thác khoáng sản và xây dựng đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp ngăn ngừa, đảm bảo ATBX, định kỳ kiểm tra chất lượng thiết bị bức xạ, kiểm tra môi trường nhằm giảm thiểu tối đa những tác động có hại do tia phóng xạ đến môi trường xung quanh. 100% đơn vị được thanh tra đã trang bị liều kế cá nhân, hầu hết các cơ sở đều trang bị bảo hộ lao động thích hợp cho nhân viên bức xạ và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên bức xạ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện tốt các quy định này như đã nêu trên. Nguyên nhân là do các cơ sở chưa nhận thức đầy đủ những quy định pháp luật về AT-KSBX. Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, nhiều thiết bị X-quang quá cũ nhưng chưa được thay thế cũng ảnh hưởng đến việc đảm bảo về an toàn bức xạ…

+ Ông có thể cho biết những định hướng về công tác quản lý AT-KSBX trong thời gian tới. Lĩnh vực nào cần phải đảm bảo AT-KSBX nhất, thưa ông?

- Quản lý an toàn bức xạ là một lĩnh vực mới, nên mức độ am hiểu về an toàn bức xạ trong xã hội còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở KH-CN sẽ có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Chính phủ trong lĩnh vực AT-KSBX để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở triển khai thực hiện tốt hơn. Đồng thời, chúng tôi sẽ hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở có nguồn bức xạ trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ như đã quy định, theo một biểu mẫu thống nhất cho từng lĩnh vực công tác để việc thanh tra, kiểm soát an toàn bức xạ được thực hiện chặt chẽ hơn. Công tác tuyên truyền cũng sẽ được triển khai tích cực hơn trong thời gian tới.

Trong 3 lĩnh vực có liên quan đến AT-KSBX, y tế là lĩnh vực cần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về AT-KSBX nhất. Nếu việc kiểm soát bức xạ không được thực hiện nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của kỹ thuật viên X-quang và người được chụp X-quang. Vì vậy, các cơ sở y tế cần chủ động hơn trong việc kiểm tra định kỳ, nhằm đảm bảo các thông số kỹ thuật của thiết bị.

+ Xin cảm ơn ông!

  • Mai Hồng(thực hiện)

Trong y tế, người ta dùng nguồn bức xạ để điều trị ung thư hay dùng những thiết bị xạ trị để diệt được các tế bào ung thư nằm sâu trong cơ thể; các khảo sát bằng bức xạ như chụp X-quang, để chẩn đoán bệnh. Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, khai thác khoáng sản… người ta sử dụng nguồn bức xạ để kiểm tra chất lượng bê tông, chất lượng của công trình nền móng… Ở Việt Nam nói chung và tỉnh ta nói riêng, ngành y tế và ngành khai thác khoáng sản sa khoáng là 2 lĩnh vực tiếp xúc với nguồn bức xạ nhiều nhất.

In trangGửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xác nhận một trường hợp cúm H5N1 truyền từ người sang người  (30/08/2007)
Thời tiết cả nước đẹp trong dịp Quốc khánh  (29/08/2007)
Việt Nam: Chuẩn bị ghép tế bào gốc tái tạo mô da  (29/08/2007)
Thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ  (29/08/2007)
Những ngộ nhận về trẻ trai, trẻ gái và khoa học  (28/08/2007)
Trung Quốc dùng công nghệ cao ngăn mưa tại Olympic Bắc Kinh - 2008  (28/08/2007)
Ngày 28.8: Nguyệt thực toàn phần  (27/08/2007)
Thất tình không đau đớn như người ta tưởng  (23/08/2007)
Nhật Bản gom đũa thành nhiên liệu sinh học  (23/08/2007)
Bất cập và lỏng lẻo  (23/08/2007)
Vi-rút gây béo phì   (22/08/2007)
Con trai là… nhất ?   (22/08/2007)
Vật liệu siêu giữ nước cho cây trồng  (21/08/2007)
Cấm lưu hành thuốc Phong thấp cốt thống hoàn, Phong nhức hoàn  (21/08/2007)
Kính viễn vọng siêu nhỏ giúp cải thiện thị lực  (20/08/2007)