Virus dịch lợn tai xanh biến đổi nhanh
15:39', 3/9/ 2007 (GMT+7)

TS A.Speedy

Virus gây dịch bệnh lợn tai xanh ở Việt Nam và Trung Quốc là loại nguy hiểm, biến chủng nhanh, chỉ có thể kiểm soát bằng một chiến lược thú y tổng hợp.

TS Andrew Speedy, Trưởng Đại diện Tổ chức Nông lương (FAO) tại Việt Nam cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới.

Theo thông cáo báo chí ngày 21.8.2007 của FAO, lợn tai xanh không phải là bệnh mới. Lần đầu tiên, giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, bệnh được phát hiện ở Mỹ.

Nhưng có ý kiến cho rằng một chủng virus mới nguy hiểm hơn đang hoành hành ở Việt Nam, Trung Quốc, và dịch rất khó kiểm soát.

Đúng là một chủng khác gây bệnh lợn tai xanh hay còn gọi là hội chứng hô hấp và sinh sản ở lợn (PRRS) gây ra các ca bệnh trên lợn ở Trung Quốc năm ngoái và ở Việt Nam hiện nay. Loại virus này dễ biến chủng.

Do khác với chủng ban đầu ở Mỹ, sẽ khó khống chế bệnh bằng vaccine nếu không nhận diện được chủng mới. Tuy nhiên việc chủng mới xuất hiện không có nghĩa đó là chủng độc lực cao.

Tôi cũng cho rằng bệnh đang phát triển thành dịch.

Tuy nhiên đoàn công tác của FAO sau chuyến thăm một tuần đầu tháng Tám ở tỉnh Quảng Nam phát hiện nhiều trường hợp tử vong ở lợn là do bội nhiễm chứ không phải trực tiếp do PRRS. Bởi thế, để giảm tử vong ở lợn, có thể dùng kháng sinh điều trị.

Để giúp Việt Nam đối phó với tình hình, FAO đang khẩn trương xây dựng một dự án trị giá 500.000 USD.

Có tin đồn một số người ở vùng dịch ngã bệnh do nhiễm virus PRRS?

Virus này không lây sang người mà chỉ từ lợn qua lợn. Trong cơ thể lợn, nó tấn công đại thực bào vốn có khả năng loại trừ các vi khuẩn xâm nhập. Lợn trưởng thành có thể tự phục hồi và tăng cường miễn dịch.

Tuy nhiên, virus và bội nhiễm có thể gây tử vong cho lợn nái và lợn con. Tai của chúng thường chuyển sang màu xanh khi bị bội nhiễm.

Tình hình xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lấy từ Việt Nam đến đâu rồi. Trong số các quốc gia có dịch bệnh, nước nào gửi mẫu bệnh phẩm đầu tiên cho FAO tính đến thời điểm này, thưa ông?

Các mẫu bệnh phẩm từ Việt Nam đang được xét nghiệm tại một phòng thí nghiệm của Mỹ. Tôi không biết chính xác khi nào thì có kết quả nhưng có thể tuần sau.

Tôi thực sự ấn tượng trước phản ứng tức thì của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ mẫu bệnh phẩm và hợp tác với các tổ chức quốc tế.

Việt Nam không chờ đợi quốc tế yêu cầu. Tháng trước, Chính phủ yêu cầu FAO trợ giúp sau khi dịch bệnh gia tăng trong tháng Sáu và Bảy.

Các mẫu bệnh phẩm của Việt Nam đang được xét nghiệm bằng phương pháp giải trình tự gene để xác định chủng virus và từ đó tìm ra vaccine thích hợp.

Như vậy vaccine sẽ là biện pháp phòng chống dịch chủ yếu ở Việt Nam?

Không phải. Chính phương pháp quản lý dịch tổng hợp mới kiểm soát được dịch bệnh trong đó có PRRS. Sự biến chủng của virus gây bệnh PRRS khác với các virus khác. Nếu chỉ dùng vaccine để đối phó với PRRS không thôi sẽ không cho kết quả.

Như tôi nói ở trên, PRRS thường không trực tiếp gây tử vong ở lợn.

PRRS chỉ làm giảm hệ miễn dịch và dẫn đến bội nhiễm, làm lợn mắc bệnh do vi khuẩn gây ra mà phổ biến là Streptococcus suis, Haemophilus parasuis, và Salmonella. Cũng do hệ miễn dịch suy giảm, lợn có thể mắc bệnh do virus khác gây ra.

Để đối phó với tình hình, FAO khuyến cáo thực hiện các biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp ở các trại lợn nhỏ. Lợn con có thể được chữa các bệnh bội nhiễm bằng cách tiêm kháng sinh được phê duyệt và sẽ giảm đáng kể số chết.

Thông điệp cho người tiêu dùng Việt Nam trong lúc dịch bệnh chưa thoái trào của ông là gì?

Tôi nhấn mạnh rằng virus gây bệnh lợn tai xanh không lây sang người và rằng không có lý do gì ngừng ăn thịt lợn. Vấn đề là phải ăn thức ăn chín trong mọi trường hợp.

Cám ơn ông.

. Theo TPO

- “Sự biến chủng của virus thực sự đáng giật mình. Có lẽ đây là một trong những virus tiến hóa nhanh nhất mà tôi từng chứng kiến”, TS Trevor Drew - Trưởng phòng Virus học, Cơ quan Thí nghiệm Thú y ở Weybridge, Anh, nói.

Theo ông, thông thường, virus lưu hành ở vật chủ và gây bệnh hiểm nghèo rồi giảm dần độc lực theo thời gian.

Với PRRS, virus hành xử theo cách ngược lại.

Đầu tiên, chủng không độc hại lưu hành trên vật chủ ở các trại lợn Bắc Mỹ.

Sau đó, chúng biến chủng và độc lực ngày càng mạnh tại các nước trong đó có Việt Nam.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vi phạm an toàn và kiểm soát bức xạ đã giảm  (30/08/2007)
Xác nhận một trường hợp cúm H5N1 truyền từ người sang người  (30/08/2007)
Thời tiết cả nước đẹp trong dịp Quốc khánh  (29/08/2007)
Việt Nam: Chuẩn bị ghép tế bào gốc tái tạo mô da  (29/08/2007)
Thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ  (29/08/2007)
Những ngộ nhận về trẻ trai, trẻ gái và khoa học  (28/08/2007)
Trung Quốc dùng công nghệ cao ngăn mưa tại Olympic Bắc Kinh - 2008  (28/08/2007)
Ngày 28.8: Nguyệt thực toàn phần  (27/08/2007)
Thất tình không đau đớn như người ta tưởng  (23/08/2007)
Nhật Bản gom đũa thành nhiên liệu sinh học  (23/08/2007)
Bất cập và lỏng lẻo  (23/08/2007)
Vi-rút gây béo phì   (22/08/2007)
Con trai là… nhất ?   (22/08/2007)
Vật liệu siêu giữ nước cho cây trồng  (21/08/2007)
Cấm lưu hành thuốc Phong thấp cốt thống hoàn, Phong nhức hoàn  (21/08/2007)