|
60-70% bệnh nhân TTPL rơi vào nhóm người trong độ tuổi lao động. Ảnh: Thu Phương |
2/3 bệnh nhân tâm thần phân liệt (TTPL) rơi vào nhóm người đang trong độ tuổi lao động (18-40 tuổi); bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn bị tái phát; nhận thức của cộng đồng về bệnh TTPL còn hạn chế… Những tồn tại trên đã khiến cho bệnh TTPL càng nguy hiểm.
* 2/3 bệnh nhân là người trẻ tuổi
Trong 6 tháng đầu năm 2007, Bệnh viện Tâm thần Bình Định đã khám và điều trị nội trú cho 736 bệnh nhân mắc các bệnh lý tâm thần, trong đó có khoảng 60-70% bệnh nhân từ 18-40 tuổi.
Anh Trần Anh V, 24 tuổi, ở tỉnh Phú Yên mắc bệnh TTPL và nhập viện điều trị trong giai đoạn muộn. Cách đây không lâu, từ một thanh niên khỏe mạnh, hoạt bát, anh V đột nhiên mắc chứng khó ngủ về đêm, sút cân nhanh. Một thời gian sau, người trong gia đình phát hiện anh V có nhiều biểu hiện bất thường như: nói nhảm, đi vòng vòng xung quanh nhà, trốn trong phòng tối… Với các biểu hiện này, bác sĩ đã kết luận, anh V mắc bệnh TTPL.
Hay, trường hợp bà Trần Thị X, ở TP Quy Nhơn cũng bị mắc bệnh TTPL từ rất lâu nhưng do gia đình chủ quan, nên bà X được nhập viện trong tình trạng bệnh đã nặng.
BS Châu Văn Tuấn, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết: “Khi xã hội càng phát triển thì con người càng bị nhiều sức ép, nhất là nhóm người 18-40 tuổi. Và khi không thể giải tỏa được mâu thuẫn thì họ rất dễ mắc các bệnh lý tâm thần mà nếu không được phát hiện sớm sẽ chuyển sang bệnh TTPL. Đáng nói hơn, đây là nhóm người trong độ tuổi lao động, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe bệnh nhân và cả cộng đồng”.
* Những quan niệm sai lầm
Bệnh TTPL là một bệnh loạn thần kinh nặng, phải được điều trị bằng thuốc an thần trong nhiều năm, thậm chí suốt đời. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân TTPL được điều trị khỏi nhưng bệnh đã tái phát do không tuân thủ chế độ điều trị sau khi khỏi bệnh. Đơn cử như trường hợp anh Võ Sỹ H, 37 tuổi, ở huyện An Nhơn, mắc bệnh TTPL năm 24 tuổi do “cú sốc” trong chuyện tình cảm. Sau khi điều trị khỏi bệnh, anh vào TP.HCM làm việc, lập gia đình và đã có con. Nhưng chỉ 5 năm sau, anh H bị tái phát bệnh, suốt ngày lang thang ngoài đường, nói nhảm và sống thu mình trong phòng tối. Lúc này, gia đình mới ngã ngửa vì nguyên nhân anh H tái phát bệnh là do uống thuốc không đều đặn khi bệnh đã khỏi.
Còn một nguyên nhân khác cũng làm cho những người có tiền sử mắc bệnh TTPL tái phát bệnh, đó là định kiến, phân biệt, đối xử của cộng đồng trong quá trình tái hòa nhập.
Hiện nay, quan niệm bệnh TTPL do ma quỷ gây ra vẫn còn tồn tại nên một số người chọn giải pháp mời thầy cúng làm phép và cho người bệnh uống các loại thuốc bắc như châu sa, thần sa… Theo các bác sĩ chuyên khoa, đây là những loại thuốc cực độc, chỉ có thể chữa trị trong trường hợp khẩn cấp. Nếu lạm dụng với liều lượng lớn thì sẽ dẫn đến nhiễm độc thần kinh, gan và để lại di chứng nặng nề. Điển hình như trường hợp của anh Sơn H, huyện Phù Cát, bị bệnh TTPL. Thay vì đưa anh đến bệnh viện (BV) chuyên khoa để điều trị, gia đình lại mời thầy cúng lễ, cho uống thuốc bắc hết 5 triệu đồng. Bệnh không khỏi mà còn có nguy cơ nặng hơn.
Nguy hiểm hơn, đã có bệnh nhân TTPL được gia đình xếp đặt vào một cuộc hôn nhân với lý giải làm thế bệnh sẽ… tự khỏi. BS Tuấn phân tích: Không hề có chuyện bệnh nhân tâm thần kết hôn thì khỏi bệnh, ngược lại những đứa con sinh ra cũng sẽ bị bệnh. Nếu một người bệnh kết hôn với người bình thường thì tỉ lệ mắc bệnh của đứa con là 40%; còn nếu cả hai vợ chồng đều mắc bệnh thì tỉ lệ này sẽ rất cao, 60 - 80%.
Hiện nay, có nhiều bệnh tâm thần được chữa trị khỏi hoàn toàn (lo âu, mất ngủ, stress…) nhưng bệnh TTPL lại không thể chữa khỏi hoàn toàn, cộng với những quan niệm sai lầm nói trên đã làm cho bệnh TTPL càng trở nên nguy hiểm hơn.
* Cần được quan tâm hơn
BS Nguyễn Thị Định, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Tâm thần cho biết: “Hiện nay, BV đang triển khai chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần, cung cấp thuốc miễn phí, thăm khám và quản lý bệnh nhân tại cộng đồng. Ngoài ra, BV cũng tổ chức các buổi tập huấn, cung cấp kiến thức cho cán bộ chuyên trách xã, phường, người nhà bệnh nhân, tránh việc người bệnh tự ý bỏ thuốc điều trị, dẫn đến tái phát bệnh”.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết là nhận thức của cộng đồng về bệnh TTPL còn nặng nề. BS Tuấn cho rằng: “Người mắc bệnh TTPL khi được điều trị ổn định thường mang mặc cảm, tự ti, nếu gia đình cũng như cộng đồng xã hội không quan tâm người bệnh sẽ rất dễ bị tổn thương và tái phát bệnh trở lại, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
|