|
Sao la - loài động vật lớn có vú đầu tiên trên thế giới được phát hiện kể từ năm 1936. Ảnh: WWF |
Hai khu bảo tồn, một ở Thừa Thiên Huế và một ở Quảng Nam, sẽ mở rộng khu vực sinh sống an toàn cần thiết của loài vật cực kỳ nguy cấp này. Quyết định được UBND hai tỉnh công bố hôm nay (28-9).
Mỗi khu bảo tồn có diện tích 121 km2, nằm gần nhau với một khu mở rộng có diện tích 165km2 nối hai khu bảo tồn này với vườn quốc gia Bạch Mã. Như vậy, một vùng bảo tồn có tổng diện tích hơn 2.900 km2 đã được hình thành, trải dài liên tục từ bờ biển Việt Nam đến Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Xe Sap ở Lào. Đây chính là một hành lang thiên nhiên ít chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển, sự thay đổi khí hậu, và những tác động của con người.
Điều phối viên Chương trình Bảo tồn Cảnh quan Trung Trường Sơn, thuộc WWF Greater Mekong tại Việt Nam, tiến sĩ Barney Long cho biết, “Số lượng sao la ở các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam mang lại cơ hội lớn nhất, nếu không muốn nói là cơ hội duy nhất, cho loài động vật đặc biệt của khu vực Trường Sơn này có thể sống sót. Việc thành lập thêm ba khu mở rộng đã tạo ra một khu vực sinh sống an toàn rất cần thiết cho loài sao la. Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh sống của một số loài động vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như mang Trường Sơn, voọc ngũ sắc, vượn má trắng, và nhiều loài khác mới được phát hiện và chưa được công bố".
Săn bắt chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tuyệt chủng của sao la. Theo một nghiên cứu do WWF tiến hành năm qua, số lượng cá thể của loài này đã giảm đi nhanh chóng kể từ khi loại bẫy thòng lọng xuất hiện vào khoảng giữa những năm 90. Hàng trăm cái bẫy được giăng một lúc và chó săn cũng là mối đe dọa lớn đối với sao la, vì loài này gần như không có phản ứng tự vệ đối với chó.
Sao la được phát hiện bởi một nhóm các nhà khoa học thuộc Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và WWF vào năm 1992. Đây là loài động vật lớn có vú đầu tiên trên thế giới được phát hiện kể từ năm 1936. Chúng chỉ sinh sống duy nhất tại dãy núi Trường Sơn thuộc Việt Nam và Lào. Mặc dù hiện nay có rất ít thông tin về loài sao la, nhưng tổng số cá thể trên toàn thế giới ước tính chỉ còn không quá 250 con và trên thực tế có thể thấp hơn nhiều.
. Theo VnExpress |