Từ đầu tuần đến nay, thời tiết chuyển lạnh đã khiến cho số trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp, tiêu chảy do virus… tăng nhanh. Các bác sĩ cảnh báo, đây là những bệnh thường gặp khi thời tiết lạnh và ẩm thấp nhưng sẽ nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
|
Trung bình mỗi ngày có khoảng 90-100 trẻ em khám bệnh ở khoa khám, BVĐK tỉnh.
|
* Quá tải do nhiễm khuẩn hô hấp cấp
Bác sĩ Nguyễn Quốc Tính, khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết: “Khi thời tiết lạnh đột ngột và ẩm thấp như hiện nay, trẻ rất dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi… Nhiều cha mẹ thường không chú ý giữ ấm cho trẻ. Hơn nữa, tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo do điều kiện phòng ốc không đủ ấm, lại không có phòng riêng để cách ly trẻ đang có bệnh nên rất dễ làm cho hàng loạt trẻ cùng bị mắc bệnh”.
Hiện nay, tại khoa Nhi của các bệnh viện trong tỉnh, số bệnh nhi nhập viện và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp rất đông, dẫn đến tình trạng quá tải. Chỉ tính riêng tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh, số trẻ em mắc bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp chiếm 50-60% số bệnh nhân, trung bình mỗi ngày có khoảng 90-100 trường hợp trẻ đến khám ở đây và 30% trong số này buộc phải nhập viện.
Thường, trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp có biểu hiện sốt (sốt nhẹ: 38-38,50C, sốt cao: 39-400C), có khi sốt liên tục, có khi sốt từng cơn, ăn uống kém; hắt hơi, ho kèm theo thở khò khè, khô hốc mũi, khó chịu trong họng, chảy nước mũi (có màu xanh hoặc trong), cánh mũi phập phồng và có dấu hiệu rút lõm lồng ngực, nhịp thở nhanh hơn bình thường. Nếu trẻ có một trong các biểu hiện nói trên cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Bác sĩ Tính khuyên: “Khi trẻ sốt, phụ huynh có thể cho trẻ uống Paracetamol để giảm sốt, lau mát bằng nước ấm, cho uống nhiều nước và vỗ lưng để làm loãng đờm… Trong trường hợp trẻ bị sổ mũi, cha mẹ nên dùng giấy mềm hoặc khăn quấn loa kèn lau mũi cho trẻ, tránh hút đờm mũi bằng dụng cụ có áp lực rất dễ dẫn đến xây xát niêm mạc mũi và theo dõi diễn biến bệnh của trẻ để có sự điều chỉnh kịp thời”.
|
... và 30% trong số này buộc phải nhập viện, dẫn đến quá tải bệnh nhân.
|
* 20% bệnh nhi tiêu chảy do virus
Với thời tiết lạnh ẩm, nguy cơ bùng phát bệnh tiêu chảy do virus là khá cao và thường xuất hiện ở trẻ em từ 5 tuổi trở xuống, nhiều nhất là trẻ bắt đầu thời kỳ ăn dặm đến 2 tuổi.
Trong những ngày vừa qua, ở các bệnh viện trong tỉnh, bình quân mỗi ngày có khoảng 20% trong tổng số bệnh nhi nhập viện là do bệnh tiêu chảy với các triệu chứng bị mất nước, nôn, phân lỏng.
Cho đến nay, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF, đối với việc điều trị tiêu chảy ở trẻ chưa bị mất nước nhiều là sử dụng dung dịch oresol bù nước và điện giải, tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn bổ sung như bình thường, không nên sử dụng kháng sinh và thuốc cầm tiêu chảy (trừ trường hợp bị lỵ) vì như vậy sẽ làm rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa.
Nếu không có oresol thì có thể dùng nước cháo muối, nước dừa. Nhưng với trường hợp bệnh nặng, mắt trũng, môi khô, da nhăn nheo, nôn nhiều, đi ngoài nhiều thì phải bù nước bằng cách truyền dịch.
Hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn còn nhầm lẫn cho trẻ bị tiêu chảy uống nước có ga, nước hoa quả pha đường. Một số người lại quá kiêng khem. Cả hai cách trên đều nguy hiểm vì làm cho bệnh của trẻ càng nặng hơn. Khi thấy dấu hiệu trẻ mất nước nhiều như mệt mỏi, sốt cao, li bì cần đưa tới cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phó trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh cảnh báo, do virus tồn tại trong không khí và dễ phát triển khi điều kiện vệ sinh không đảm bảo nên rất dễ lây chéo từ trẻ này sang trẻ khác dẫn tới dịch tiêu chảy. Vì thế, người lớn nên giữ vệ sinh cho trẻ và bản thân mình trong khi chăm sóc trẻ. Trường hợp bệnh nhi Trần Duy Minh, 2 tuổi, ở TP Quy Nhơn là một ví dụ. Sau khi nhập viện điều trị khỏi bệnh tiêu chảy về nhà 2 ngày đã quay lại bệnh viện do người mẹ không giữ vệ sinh trong lúc chăm sóc con nên bé bị tái phát.
* Giữ ấm, vệ sinh sạch sẽ
Đó là hai biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và tiêu chảy do virus của trẻ. Đặc biệt, cần phải đảm bảo dinh dưỡng trong các bữa ăn để trẻ đủ sức khỏe chống lại bệnh và giúp cơ thể nhanh hồi phục.
Việc cải thiện môi trường sống, chăm sóc trẻ khi thời tiết thay đổi, thường xuyên giữ ấm cho trẻ, tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh, cho trẻ bú sữa mẹ, tiêm phòng vaccin đầy đủ, đúng lịch… cũng rất cần thiết.
|