Qua 2 năm thực hiện đề án 191 về việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hội nhập và phát triển, tình hình ứng dụng CNTT tại các DN ở Bình Định đã có những thay đổi đáng ghi nhận. Tuy vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các đơn vị triển khai và DN để đề án có thể mang lại những hiệu quả tích cực hơn nữa.
|
Số lượng các DN cung cấp phần mềm và dịch vụ tư vấn trong tỉnh còn rất ít. Trong ảnh: Nhân viên phòng công nghệ phần mềm của Cedasit đang làm việc.
|
* Đầu tư chưa hiệu quả
Trong 2 năm qua, Sở BC-VT tỉnh và Viện Tin học DN chi nhánh Đà Nẵng, đơn vị triển khai đề án 191 tại khu vực miền Trung, đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo chuyên đề và các khóa đào tạo kỹ năng CNTT, phát hành miễn phí gần 300 cuốn sổ tay thương mại điện tử và hơn 4.200 bản tin ứng dụng CNTT cho các DN. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình DN mẫu về ứng dụng CNTT cũng đã được triển khai tại 5 DN trong tỉnh với mục đích tuyên truyền, nhân rộng trong cộng đồng DN.
Trong khuôn khổ đề án 191, Sở BC-VT đã phối hợp với Viện Tin học DN chi nhánh Đà Nẵng tiến hành khảo sát về mức độ ứng dụng CNTT tại 251 DN trên tổng số gần 2.000 DN tại tỉnh ta. Kết quả điều tra đã cho thấy một số vấn đề bất hợp lý trong đầu tư ứng dụng CNTT tại các DN trong tỉnh. Đó là việc ứng dụng CNTT trong phần lớn DN chưa thật sự hiệu quả. Kết quả trong số 251 DN tham gia khảo sát, chỉ có 16 DN có bộ phận chuyên trách về CNTT (chiếm 6,4%), tỷ lệ kết nối internet tại DN cao (82%), nhưng chủ yếu là kết nối theo hình thức quay số; 96% DN trang bị máy tính nhưng phần lớn chỉ sử dụng ở mức độ... tra cứu thông tin; rất ít DN sử dụng những phần mềm chuyên dụng như phần mềm kế toán, quản lý... Các DN chỉ chú ý về đầu tư phần cứng (máy tính, máy in...) mà thiếu đầu tư cho phần mềm.
Về ứng dụng CNTT trong thương mại điện tử, tuy số lượng DN kết nối Internet khá cao, nhưng mức độ khai thác rất hạn chế. Hầu hết chỉ dừng lại ở việc xây dựng các trang web giới thiệu DN, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của DN chứ chưa sử dụng để điều hành và tương tác với khách hàng, chưa thể tham gia các sàn giao dịch thương mại lớn. Nguồn nhân lực CNTT tại các DN hiện nay rất hạn chế, rất ít DN có cán bộ phụ trách triển khai ứng dụng CNTT. DN chưa có kế hoạch và lộ trình cho ứng dụng tổng thể dài hạn mà chỉ ứng dụng ở vài bộ phận trong DN, mang tính tự phát, manh mún và thiếu liên kết.
* Những nguyên nhân chính
Trong 2 năm qua, về cơ bản đề án đã góp phần đưa CNTT đến với DN; tuy nhiên việc triển khai các hạng mục của đề án vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, dẫn đến hiệu quả triển khai không được như mong muốn.
Ông Võ Xuân Thanh - Giám đốc Sở BC-VT tỉnh - cho biết: “Sự phối hợp giữa Viện Tin học DN và sở cũng chưa được chặt chẽ. Chẳng hạn việc triển khai xây dựng mô hình DN mẫu về CNTT còn nhiều lúng túng vì chúng tôi không nhận được sự hướng dẫn cụ thể từ phía Viện Tin học DN mà hoàn toàn chủ động trong việc khảo sát và xây dựng. Phía DN cũng chưa thật sự chủ động trong việc tiếp nhận, cập nhật kiến thức CNTT cho đội ngũ cán bộ CNTT của đơn vị mình. Hơn nữa, vì phần lớn các DN trên địa bàn tỉnh là DN tư nhân nên lực lượng cán bộ của họ thay đổi liên tục, việc quan tâm đầu tư cho đào tạo, nâng cao trình độ rất hạn chế”.
Trong khuôn khổ đề án, đã có nhiều lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề rất phù hợp với nhu cầu ứng dụng CNTT của DN, nhưng thời gian dành cho các khóa đào tạo quá ngắn nên không thể truyền đạt được nhiều kiến thức cho DN. Ngoài các lý do nêu trên, một yếu tố làm hạn chế sự phát triển ứng dụng CNTT trong các DN là vấn đề số lượng và năng lực của các DN cung cấp sản phẩm, các đơn vị tư vấn về CNTT, đặc biệt là các DN cung ứng phần mềm. Hiện nay, trong tỉnh chỉ có khoảng 20 DN kinh doanh trong lĩnh vực CNTT-viễn thông, trong đó hầu hết là các công ty cung cấp sản phẩm phần cứng, còn số lượng DN cung cấp phần mềm và làm nhiệm vụ tư vấn thật sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, mặc dù nhu cầu của DN về CNTT còn rất lớn nhưng hầu hết đều chưa tin tưởng vào các đơn vị tư vấn trong tỉnh.
Để đề án 191 có thể phát huy hiệu quả hơn nữa trong những năm tới, cần thiết phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ các ngành chức năng và sự nỗ lực, quyết tâm từ các DN để thay đổi lại cách triển khai, đầu tư ứng dụng sao cho phù hợp hơn, thực tế hơn.
|