Khoa học thiếu thông tin và thông tin thiếu khoa học
16:18', 10/1/ 2008 (GMT+7)

Dịch tiêu chảy cấp lại một lần nữa quay trở lại với Thủ đô Hà Nội. Bộ Y tế vẫn lần này vẫn đưa ra cảnh báo người dân nên thận trọng với mắm tôm, một món ăn vừa được chế biến mất vệ sinh lại vừa bị pha chế tạp nham. Thế nhưng, theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên, hiện đang hành nghề tại Ôxtrâylia, vi khuẩn tả khó có cơ hội sống sót ở môi trường mắm tôm. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của ông Nguyễn Đình Nguyên về vấn đề này.

Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Dũng, ông Bộ Trưởng Bộ Y tế cho biết 3 lý do để Bộ Y tế ra quyết định cấm sản xuất, mua bán và sử dụng mắm tôm, tóm tắt như sau: vi khuẩn tả có thể sống trong mắm tôm có độ mặn 6% được 5 tiếng; 93% người bệnh có ăn mắm tôm; mắm tôm đã có tiền sử là “nghi can” gây ra các dịch về tiêu hóa trước đây.

Ngoài ra, ông còn nêu kiến nghị của “hội đồng chuyên môn” là trong thời gian dịch không dùng mắm tôm sống, kết thúc dịch thì lại ăn như với thịt gà sau dịch cúm gà thôi”.

Những quyết định chuyên môn để đảm bảo tính khoa học và tính pháp lý đều phải dựa trên bằng chứng khoa học hiện hành và thuyết phục nhất có thể có được. Cho đến hiện nay, những lập luận mà Bộ Y tế dựa vào đó để cấm mắm tôm trong mùa dịch tả là hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học và cơ sở khoa học không rõ ràng.

1- Vì khuẩn tả có thể sống trong mắm tôm có độ mặn 6% được 5 tiếng?

Theo một phân tích tổng quan cho thấy, vi khuẩn tả không khả năng tăng trưởng và phát triển cũng như phát huy độc lực trong môi trường muối mặn quá mức 3.5%. Điều đó cũng có nghĩa rằng, trong môi trường mắm tôm hiện tại, với nồng độ muối 15-30%, hoặc mắm tôm Việt Nam pha loãng với nồng độ muối 15%, thì gần như vi khuẩn tả không thể tồn tại và phát triển.

Chưa có tài liệu khoa học nào công bố rằng vi khuẩn có thể sống trong mắm tôm 6% được 5 giờ, kể cả tài liệu trong nước.

Trong khi đó, khả năng sống sót của vi khuẩn tả trong các môi trường khác được biết như sau: trong móng tay người 1-2 giờ; trong tiền kim loại đến 7 ngày; trong bụi từ 3-16 ngày; trong đất trồng trọt 1 tuần; trong môi trường vật chứa bằng thủy tinh cho đến 30 ngày; trong phân người đến 50 ngày; và sống rất lâu trong nước tùy điều kiện nhiệt độ, độ mặn và độ toan.

Như vậy, cho dù vi khuẩn tả có sống trong mắm tôm đến 5 giờ đi nữa thì môi trường mắm tôm vẫn là một trong những môi trường kém thuận lợi nhất để vi khuẩn tả tồn tại.

Đó chưa kể là, mắm tôm và bất cứ thực phẩm tươi sống nào khác cũng như đôi tay nhiễm bẩn chỉ là môi trường trung chuyển cuối cùng của khâu nhiễm bệnh tả chứ không phải là môi trường dung dưỡng và phát tán lây lan mầm bệnh tả. Cần lưu ý, phân và chất nôn của bệnh nhân tả cũng như phân của người lành mang mầm bệnh tả mới là nơi phóng thích mầm bệnh.

Một bệnh nhân tả nặng có thể phóng ra một số lượng vi khuẩn tả đến 1013 (1 nghìn tỷ con vi trùng tả) trong một ngày và nguồn nước là môi trường phát tán mầm bệnh lớn nhất cho đến hiện nay khoa học biết được. Cho nên tả được xếp vào loại bệnh truyền nhiễm qua nguồn nước (water-born disease).

Các con đường khác chủ yếu để phát tán vi khuẩn tả đi nơi khác là người lành mang bệnh (nhưng cũng thải vào nguồn nước) và côn trùng có cánh là ruồi bọ, có thể lây trực tiếp vào bệnh nhân hoặc qua thức ăn.

Cho nên lý do thứ nhất được nêu ra là chỉ mới được đặt trong một bối cảnh thông tin đơn độc, không được tham chiếu với thông tin khoa học hiện hành, như thế lập luận có thể trở thành chủ quan và duy ý chí ngoài việc thiếu cơ sở khoa học và thiếu logic.

2- Vì 93% số lượng người mắc bệnh tả có ăn mắm tôm mà phải cấm sản xuất và tiêu thụ mắm tôm?

Thứ nhất, con số này liên tục thay đổi, khi thì 80-90%, khi thì 100%, bây giờ lại ở con số 93%, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có con số báo cáo chuyên môn dưới dạng báo cáo khoa học. Tuy nhiên, ở đây các chuyên gia trong hội đồng chuyên môn có thể có sự nhầm lẫn giữa “yếu tố nguy cơ” và nguyên nhân. 

Nguyên nhân thì chỉ có một, trong đợt dịch tiêu chảy cấp tính này, nguyên nhân chính chắc chắn là vi trùng tả (mặc dù chỉ có tối đa 15% số lượng bệnh nhân tìm thấy có vi trùng tả qua xét nghiệm), nhưng nguy cơ thì có thể có nhiều, chẳng hạn như nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, ăn phải đồ ăn tươi sống như hải sản, rau tươi bị nhiễm vi trùng tả, tắm sông, tụ tập ăn uống trong mùa dịch…

Khác với nguyên nhân, loại bỏ nguy cơ mắc bệnh không bao giờ loại trừ được 100% khả năng mắc bệnh mà chỉ làm giảm nguy cơ mắc bệnh ở một mức độ nào đó. Cho nên việc can thiệp loại bỏ một yếu tố nguy cơ nào đó trong một loại bệnh có nhiều yếu tố nguy cơ và đa tương tác cần phải có bằng chứng khoa học rõ ràng, và kỳ vọng sẽ có thể ngăn ngừa được bệnh lý ở mức nào. Yếu tố nguy cơ nào là thiết yếu cần phải can thiệp.

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có một báo cáo khoa học nào phân tích mối đa tương quan giữa các yếu tố nguy cơ gây đợt tiêu chảy cấp tính này.

Đã có một số phân tích cho thấy sự nhầm lẫn trong quyết định cấm mắm tôm nếu chỉ dựa vào con số phần trăm bệnh nhân tả có ăn mắm tôm. Một phân tích đã cho thấy, chỉ có tối đa 116 người có thể mắc bệnh tả trong số 100 000 người ăn mắm tôm. Điều này cho thấy rằng mắm tôm là một yếu tố nguy cơ, nhưng cũng chỉ là một nguy cơ đồng tồn của bệnh chứ không phải là nguy cơ chính yếu.

Một phân tích khác, giả định nếu cấm ăn mắm tôm thì có thể ngăn ngừa được bao nhiêu phần trăm bệnh nhân tả, câu trả lời là 23%. Ngược lại nếu giải quyết nguồn nước thì có thể ngăn ngừa được 90% số lượng bệnh nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với cơ chế bệnh sinh kinh điển của bệnh tả.

Cho nên, việc cấm mắm tôm để ngăn ngừa lây lan bệnh tả là hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học và bất hợp lý.

3. Vì mắm tôm đã có tiền sử là “nghi can” gây ra các dịch về tiêu hóa trước đây?

Thứ nhất, theo kiến nghị của “hội đồng chuyên môn”: dưới ánh sáng của y học thực chứng, ý kiến của hội đồng chuyên môn không phải là những ý kiến có giá trị về mặt khoa học, nếu không nói đó là những ý kiến có giá trị khoa học thấp nhất trong bậc thang giá trị khoa học.

Nếu có, các ý kiến đề xuất đó cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học hiện hành. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào nói điều đó, và nếu không nói rằng phát biểu “mắm tôm đã từng gây ra những đợt dịch trước” là thiếu xác đáng về mặt ngôn ngữ khoa học: dịch về tiêu hóa là dịch gì? Mà nếu có là dịch tả đi nữa thì mắm tôm chỉ là một yếu tố nguy cơ, không phải là nguyên nhân.

Thứ hai, quan trọng hơn hết là như ở mục số hai đã đề cập. Mắm tôm chỉ là một khâu rất nhỏ trong mắt xích lây nhiễm (không phải phát tán, lây lan) bệnh tả. Cho nên, dù mắm tôm đã từng có liên quan đến những vụ dịch tả trước, nó cũng không phải là yếu tố nguy cơ chủ yếu cần phải loại bỏ trong chu trình lây nhiễm bệnh tả.

Chính vì thực phẩm chỉ là khâu trung gian không thể tránh khỏi và không thể loại trừ được trong quá trình lây nhiễm và lây lan bệnh tả, nên Tổ chức Y tế Thế giới có khuyến cáo là không có nghiêm cấm đặc biệt nào đối với việc sản xuất, buôn bán, trao đổi, xuất khẩu thực phẩm từ các vùng, các quốc gia đang có dịch tả lưu hành. Và vì thế, quyết định này của Bộ Y tế là đi ngược lại với khuyến cáo của tổ chức chuyên môn cao nhất thế giới.

Những quyết định khoa học có tính cách pháp lý áp dụng trên quy mô rộng lớn mà không dựa trên bằng chứng thông tin khoa học phổ quát một cách đầy đủ, có chứng cứ cũng như chỉ dựa trên những thông tin thiếu khoa học không những không đem lại hiệu quả mong muốn mà còn có thể gây tác hại và có ảnh hưởng bất lợi không nhỏ đến cộng đồng về nhiều mặt, nổi bật là hiệu quả kinh tế và môi sinh.

. Theo VTC News

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vì sao một số phụ nữ dùng nhiều nước hoa?  (10/01/2008)
Chính phủ điện tử và cải cách hành chính  (10/01/2008)
Các cơ quan Đảng đi tiên phong  (10/01/2008)
Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm  (10/01/2008)
Nhật mở cửa "tháp thang máy cao nhất thế giới"  (08/01/2008)
Ô nhiễm không khí làm chậm sự tăng trưởng của thai nhi  (08/01/2008)
Dịp Tết: Dịch tiêu chảy cấp có nguy cơ bùng phát cao  (08/01/2008)
Ổ lưu trữ tự động sao lưu dữ liệu lên Internet  (08/01/2008)
Những dấu hiệu chứng tỏ con bạn có tài  (08/01/2008)
Ra mắt trang Quản trị bán hàng dành tặng riêng cho các doanh nghiệp ở Bình Định  (08/01/2008)
Sẽ đưa vaccine tiêu chảy vào chương trình tiêm chủng  (07/01/2008)
Cảnh giác với rác thải là bóng đèn tiết kiệm năng lượng  (07/01/2008)
Quá trình tiêm chủng có thể xảy ra nhiều sự cố!  (07/01/2008)
Nghiên cứu trị bệnh bằng côn trùng  (07/01/2008)
12 lời khuyên khi dùng thức uống có cồn  (06/01/2008)