|
(Ảnh: aolcdn) |
Chính phủ Australia cho biết, họ muốn từng bước hủy bỏ việc sử dụng túi nilon miễn phí.
Bộ trưởng Môi trường Australia, Peter Garrett, nói, việc dùng túi nilon quá nhiều là đáng phê bình, vì túi nilon có hại cho đất và môi trường tự nhiên của đất nước. Ông cho biết, sẽ có cuộc họp với các nhà lãnh đạo để thảo luận kế hoạch cụ thể trong tháng 4, đưa ra các biện pháp thực thi toàn diện vào cuối năm 2008.
Hôm thứ Ba, Trung Quốc đã có lệnh cấm phát túi nilon miễn phí bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6. Nước này cũng cấm sản xuất túi nilon siêu mỏng. Đây là biện pháp mà Trung Quốc tin rằng cần thiết để giảm bớt ô nhiễm và tiết kiệm nguồn tài nguyên.
Ông Garrett tin tưởng, hầu hết người dân Australia sẽ ủng hộ việc chấm dứt phân phát túi nilon miễn phí trong siêu thị và các cửa hiệu. Ông Garrett chưa công bố chi tiết quy mô lệnh cấm và việc xử lý người vi phạm.
Hàng loạt quốc gia đã và đang cân nhắc hành động nhằm giảm bớt việc sử dụng túi nilon.
Hôm thứ Tư, thành phố New York đã thông qua quy định các cửa hiệu lớn phải cung cấp thùng rác đựng túi nilon để tái chế. Những thành phố khác của Mỹ như San Francisco, đã cấm sử dụng túi nilon ở các cửa hiệu tạp hóa.
Ở Ireland, theo một đạo luật được thông qua năm 2002, người mua hàng sẽ phải trả tiền cho mỗi túi nilon họ dùng.
Leaf Rapids, Manitoba (Canada), đã đề xuất và thông qua quy định cấm sử dụng túi nilon trong các cửa hiệu. Chính quyền thị trấn cho hay, có sự “đồng lòng nhất trí” kể từ khi quy định có hiệu lực vào tháng 4.2007. Quy định ghi mức phạt 1.000 đô la Canada cho mỗi trường hợp vi phạm.
Kenya, Uganda và Tanzania cũng ban hành lệnh cấm sử dụng túi nilon siêu mỏng. Nhiều siêu thị độc lập ở Thủ đô Nairobi (Kenya) đã yêu cầu khách hàng trả mức phí nhỏ cho mỗi túi nilon sử dụng nhưng từ chối phát miễn phí.
Hầu hết các cửa hiệu ở Đức đều đưa cho khách hàng các chọn lựa giữa túi nilon và túi vải với mức phí nhất định. Túi nilon, tùy vào kích cỡ, có giá từ 7-74cent. Túi vải giá khoảng 1,47 USD. Rất nhiều người mua hàng ở Đức đã tự mang túi khi đi mua sắm.
Và cho dù khách hàng có hay không dùng túi nilon, tất cả cửa hàng ở Đức đều tính phí tái chế với người mua hàng.
Thụy Điển, Anh cũng có những biện pháp khuyến khích người dân tái sử dụng túi vải khi đi mua sắm.
. Theo VNN |