|
Kỹ sư Trần An đang kiểm tra sự sinh trưởng của cây rép. Ảnh: Hữu Hà |
Cây rép là một loại cây thân gỗ, thuộc họ trinh nữ, lần đầu tiên được trồng thử nghiệm ở Bình Định (tại Tây Phú - Tây Sơn và Canh Hiển - Vân Canh) trong phạm vi của một đề tài nghiên cứu khoa học, do Chi cục Phát triển Lâm nghiệp (CCPTLN) tỉnh thực hiện.
Đây là đề tài khoa học “Trồng thử nghiệm cây rép trên đất gò đồi tỉnh Bình Định” do kỹ sư Trần An - chuyên viên của CCPTLN Bình Định - làm chủ nhiệm. Đề tài vừa mới được Hội đồng Khoa học - Công nghệ chuyên ngành của tỉnh nghiệm thu. Năm 2005, CCPTLN tỉnh bắt đầu trồng thử nghiệm loại cây này theo 4 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức từ 0,4 đến 0,7ha, mật độ từ 500 cây đến 1.600 cây/mỗi nghiệm thức. Nghiệm thức đầu hoàn toàn trồng cây rép; 3 nghiệm thức còn lại trồng cây rép hỗn giao với cây keo lá tràm theo một tỉ lệ nhất định.
Kết quả bước đầu cho thấy, sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm cây rép phát triển đều, xanh tốt; cá biệt những nơi đất trũng xen với đá thì cây phát triển mạnh hơn. 2 nghiệm thức trồng dày vừa phải (từ 1.000-1.100 cây/ha), hỗn giao với keo lá tràm phát triển hơn nghiệm thức trồng cây rép thuần và trồng thưa (500 cây/ha) cùng nghiệm thức trồng hỗn giao mật độ dày (1.600 cây/ha). Cây keo lá tràm (trồng hỗn giao với cây rép) cũng phát triển nhanh hơn. Cây rép có khả năng kháng bệnh cao.
Theo đánh giá của những người thực hiện đề tài, với mật độ trồng thích hợp, có thể nhân rộng cây rép trên đất gò đồi ở các xã như: Tây Xuân, Vĩnh An, Bình Tân, Tây Giang, Tây Thuận, Bình Thuận huyện Tây Sơn và một số huyện khác như Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh.
Mặc dù kết quả bước đầu rất khả quan, nhưng để có thể đưa vào trồng đại trà cần phải có thời gian kiểm chứng. Kỹ sư Trần An cho biết: “Sau 3 năm trồng thử nghiệm, những kết quả bước đầu cho thấy cây rép là loại cây có nhiều yếu tố thích nghi có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở Bình Định. Tuy nhiên, đây là loại cây gỗ lớn, thời gian sinh trưởng dài, nên kết quả nghiên cứu trong 3 năm của đề tài mới chỉ là cơ sở bước đầu. Vì vậy, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, theo dõi sự sinh trưởng để có những kết quả khoa học chính xác hơn trước khi có thể đưa vào trồng đại trà”.
Rép là cây lấy gỗ, ở vùng nhiệt đới, phân bố trong tự nhiên, ưa sáng, mọc nhanh, có chiều cao vút ngọn lên đến 20m, đường kính gốc đến 1m, rất thích hợp những vùng đất xám, đất đỏ bazan, ở độ cao không quá 580m trở xuống so với mặt nước biển, nhiệt độ thích hợp ở 25-290C; tập trung nhiều ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia… Ở Việt Nam, cây rép mọc rải rác trong rừng tự nhiên thuộc các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai. Gỗ cây rép có giá trị kinh tế khá, dùng làm đồ gỗ gia dụng. Ngoài ra, đây còn là một loại gỗ mềm thích hợp cho sản xuất bột giấy. Về môi trường, trồng rép có khả năng chống xói mòn đất, có thể trồng để làm rừng phòng hộ đầu nguồn...
Thực trạng thiếu gỗ nguyên liệu cho sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cũng như việc thiếu nguyên liệu cho các nhà máy dăm giấy hoạt động trên địa bàn tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung là rất lớn. Vì vậy, với những ưu điểm như trên, nếu được trồng thử nghiệm thành công, loại cây này sẽ bổ sung vào danh mục cây trồng rừng của tỉnh, góp phần bảo vệ nguồn gen cây rừng, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng kinh tế trong tỉnh.
|