Mặc dù việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe gắn máy đã được thực hiện hơn 1 tháng nhưng vẫn có rất nhiều nghi ngại xung quanh chuyện trẻ em tuổi nào nên đội MBH và MBH thế nào mới an toàn.
Chúng tôi xin trích đăng thông điệp của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Tổ chức toàn cầu vì an toàn của trẻ em (Safe for kid world wide) về vấn đề này.
Hầu hết những người đi mô tô, xe gắn máy ở Việt Nam hiện đang đội mũ bảo hiểm và điều này đã có tác động tích cực giúp giảm thiểu các ca chấn thương sọ não và tử vong do xe máy gây ra. Đáng tiếc là các thông tin về mối nguy hiểm liên quan đến việc trẻ em đội mũ bảo hiểm đang ám ảnh nhiều người. Một số bài viết về quai đeo mũ bảo hiểm gây ra chấn thương cổ và cổ họng đang bị phóng đại.
Chính những nhận định vô căn cứ này khiến các bậc cha mẹ nghi ngờ liệu có nên cho trẻ đội mũ bảo hiểm hay không. Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Tổ chức toàn cầu vì an toàn của trẻ em khẳng định rằng đội mũ bảo hiểm là cách duy nhất bảo vệ trẻ khỏi các chấn thương sọ não do tai nạn xe máy gây ra. Tất cả các bậc cha mẹ cần biết những thực tế sau đây:
Nguy cơ chấn thương cổ hoặc cổ họng do quai mũ bảo hiểm gây ra là rất nhỏ so với những lợi ích mà mũ bảo hiểm mang lại. Hiện không có một dữ liệu chính thức nào kết luận rằng phần cổ của trẻ em sẽ bị tổn thương nếu trẻ đội mũ bảo hiểm được thiết kế đúng quy chuẩn và được cấp giấy chứng nhận chất lượng.
Các loại mũ bảo hiểm trẻ em đạt tiêu chuẩn TCVN 6979 đều rất nhẹ và có tác dụng thiết yếu bảo vệ cho não trẻ. Căn cứ trên thực tế hiệu quả bảo vệ mà mũ bảo hiểm trẻ em mang lại, Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á, Tổ chức toàn cầu vì an toàn của trẻ em khuyến cáo rằng tất cả trẻ em trên 6 tháng tuổi cần được đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, người lớn không bao giờ được chở trẻ bằng xe máy. Không có bất cứ ngoại lệ nào.
Đa phần mũ bảo hiểm trên thế giới đều được cài khoá dưới cằm - không phải ở ngay trên cằm. Các nghiên cứu về tai nạn giao thông cho thấy chấn thương cổ trong các vụ tai nạn giao thông do dây mũ bảo hiểm gây ra là vô cùng hãn hữu. Trên thực tế, những nghiên cứu này cho thấy tình trạng của các vết thương vùng đầu thường nặng hơn khi quai mũ bảo hiểm không được cài đúng cách hoặc cài lỏng và hậu quả là mũ bảo hiểm bị văng ra khỏi đầu khi tai nạn xảy ra.
Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và Tổ chức toàn cầu vì an toàn của trẻ em khuyến nghị rằng tất cả trẻ em khi ngồi trên môtô, xe gắn máy cần phải đội mũ bảo hiểm đúng cách với dây quai mũ được cài dưới cằm. Quỹ phòng chống Thương vong châu Á tin tưởng rằng đội mũ bảo hiểm đúng cách với quai mũ cài ở trên cằm là có thể chấp nhận được, tuy nhiên cài quai mũ dưới cằm sẽ tốt hơn.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mũ bảo hiểm làm giảm nguy cơ chấn thương đầu và chấn thương sọ não tới 69% và giảm nguy cơ chấn thương sọ não nghiêm trọng tới 79%. Kết quả này đúng cho mọi độ tuổi, kể cả trẻ nhỏ. Hoàn toàn sai trái khi ngăn cản hoặc làm cho các bậc cha mẹ và trẻ em sợ, không dám đội mũ bảo hiểm nữa.
Tác dụng bảo vệ của mũ bảo hiểm trong việc giảm tần suất cũng như mức độ chấn thương sọ não nghiêm trọng và chết người đã được toàn thế giới công nhận. Đội mũ bảo hiểm giúp bảo vệ mạng sống. Cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ con mình, bao gồm đội mũ bảo hiểm cho con bất cứ khi nào để con ngồi trên xe.
Không có “thuốc” nào chữa được chấn thương sọ não. Một khi thảm kịch này xảy ra, trẻ sẽ tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Các bậc cha mẹ không được để bất cứ luận điệu nào làm mình lầm tưởng rằng đội mũ bảo hiểm gây tác hại cho trẻ.
. Theo Giao thông Vận tải |