Của anh, của em và của chúng ta…
8:43', 23/1/ 2008 (GMT+7)

Một buổi tư vấn, giải thích về Luật Hôn nhân gia đình tại cơ sở của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Huyện

Khi ly hôn xảy ra, không ít người đứng trước nguy cơ “tay trắng” vì lâu nay mọi tài sản có giá trị đều đứng tên riêng của chồng hoặc vợ; hoặc khối tài sản riêng mình có trước khi kết hôn đã được nhập thành tài sản chung…

* Từ nguy cơ trắng tay khi ly hôn

Mới đây, chị Thanh Nga* đã đến tòa soạn Báo Bình Định cầu cứu về việc chồng chị ngoại tình, ruồng rẫy vợ con. Mặc vợ con hết lời khuyên can, thậm chí chị Nga còn đến nhà tình địch để nói chuyện phải quấy, van xin “phở” buông tha chồng mình nhưng người chồng sắt đá không lay chuyển. Không những thế, anh ta còn âm thầm làm đơn xin ly hôn vợ. Hiện tại, chị Nga đang đứng trước nguy cơ trắng tay khi ly hôn.

Nguyên trước đây, khi mua đất, vì một số lý do, vợ chồng chị đã đồng ý nhờ một người bà con phía chồng đứng tên. Cách đây vài năm, vợ chồng chị bỏ tiền xây nhà trên mảnh đất đó trong khi danh nghĩa trên giấy tờ đất, nhà đều vẫn đứng tên người họ hàng. Tin tưởng chồng và cũng không lường hết được chữ “ngờ”, chị Nga cũng không đòi sang tên đất, nhà lại cho hai vợ chồng. Trong đơn, chị Nga viết: “Hiện tại tôi không có một bằng chứng nào chứng tỏ đất và nhà là của mình vì mọi thứ đều do chồng tôi nắm giữ. Tôi không biết phải làm gì để có thể giữ được tài sản cho các con sau này…”.

Trường hợp của chị Nga cũng rất thường gặp trong các vụ án hôn nhân– gia đình hiện nay. Bà Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: không ít trường hợp người phụ nữ ở nông thôn đã trắng tay khi ly hôn vì phần đông đều sống phía nhà chồng. Một lý do khác nữa là phần đông phụ nữ vẫn để cho chồng đứng tên tài sản đất đai, nhà cửa vì cho rằng “chồng làm là chính, mình đâu có đóng góp bao nhiêu”.

Theo kết quả khảo sát của một đề tài mà Hội LHPN tỉnh chủ trì, số phụ nữ đứng tên sở hữu nhà chỉ là 11,7% (đối với hộ gia đình nông dân), 23,9% (đối với hộ gia đình CNVC) và 20,3% (đối với hộ gia đình tiểu thương). Trong khi giấy chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất nam giới đứng tên đến 79,8%. Việc này đồng nghĩa với quyền quyết định sử dụng ruộng đất thường chỉ thuộc về nam giới. Mặt khác, khi đất đai được đưa ra làm tài sản thế chấp thì phụ nữ không thể lấy sổ đỏ mang tên chồng để thế chấp khi chồng vắng mặt.

* Đến nỗi niềm riêng - chung

Không ít người trước khi lập gia đình đã tích cóp kha khá tiền mặt hoặc nhà, đất do mình làm ra hoặc được thừa hưởng; hoặc sau lập gia đình vẫn được cha, mẹ cho tài sản. Nhưng, làm thế nào để vừa bảo vệ được khối tài sản riêng trong khi vẫn giữ được hòa khí trong gia đình, tránh cho người phối ngẫu cảm giác mặc cảm, khó xử lại là chuyện không hề đơn giản.

Bà Nguyễn Thanh (Quy Nhơn) trước khi tái giá với ông Trần Huynh, vẫn sống ở ngôi nhà trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo - vốn là tài sản của bà và của người chồng trước do bà đứng tên sở hữu. Trong quá trình chung sống, bà Thanh đã nhiều lần để ông Huynh làm đơn xin sửa chữa, cất nhà, đổi giấy tờ sở hữu. Lợi dụng lòng tin của vợ, ông Huynh âm thầm ghi tên mình đồng sở hữu ngôi nhà với bà Thanh. Hôn nhân trục trặc, bà muốn bán nhà nhưng với tư cách đồng sở hữu ngôi nhà, ông Huynh không đồng ý… Tranh chấp kéo dài đã nhiều năm nay.

Còn chị Thanh Hoa (Quy Nhơn) sau khi lập gia đình đã được cha mẹ ruột cho một ngôi nhà. Nghĩ đơn giản chuyện “nội bộ”, chị Hoa đã một mình đứng tên ngôi nhà, không hề bàn qua với chồng. Nhưng kể từ lúc đó, quan hệ vợ chồng chị không còn được như trước nữa. Anh chồng thường xuyên nói bóng gió, chì chiết vợ và gia đình nhà vợ vì mặc cảm đã là vợ chồng mà không tin tưởng.

* Mất lòng trước, được lòng sau

Đã là vợ chồng ai lại không muốn chung sống với nhau trọn đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn luật và tâm lý hôn nhân - gia đình, thì để tránh những trường hợp “chẳng đặng đừng” trên, vợ chồng nên thống nhất quan điểm về tài sản chung - riêng ngay từ đầu, thà mất lòng trước được lòng sau.

Điều 32 của Luật Hôn nhân gia đình có quy định: “Vợ chồng có quyền có tài sản riêng. Đó là tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung. Nếu như hai vợ chồng thỏa thuận nhập khối tài sản này thành tài sản chung thì khi hai vợ chồng ly hôn được xem là tài sản chung và chia cho 2 vợ chồng theo pháp luật”.

Trong quá trình vợ chồng chung sống, cùng tạo lập nên những giá trị tài sản lớn như nhà, đất, xe cộ thì nên thống nhất thỏa thuận đứng tên chung của cả hai. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.

  • Hoàng Lan

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nước muối giúp chữa cảm lạnh  (22/01/2008)
Mũ bảo hiểm tuyệt đối an toàn với trẻ em  (21/01/2008)
Viễn thông Việt Nam tăng tốc trong thời hội nhập  (21/01/2008)
Tạo ra vật liệu đen “chưa từng thấy”  (18/01/2008)
Sữa chua giúp ngăn chặn tăng cân  (17/01/2008)
90% mắt kính trên thị trường là hàng giả  (17/01/2008)
Phát hiện chuột kếch sù to hơn bò  (17/01/2008)
Triển vọng bước đầu  (17/01/2008)
Apple cho ra đời máy tính xách tay mỏng nhất thế giới  (16/01/2008)
Mỹ cho phép sản xuất thực phẩm từ động vật nhân bản  (16/01/2008)
Nên ra khỏi giường từ bên trái  (16/01/2008)
Khám phá bốn loài thằn lằn mới ở Việt Nam  (15/01/2008)
7 dấu hiệu bệnh nghiêm trọng ở trẻ  (15/01/2008)
Liệt do tổn thương cột sống vẫn có thể tự phục hồi  (13/01/2008)
Hàng loạt quốc gia cùng “giải quyết” túi nilon  (11/01/2008)