Tuần tới, một hành tinh mang tên 2007 TU24 có kích thước khoảng vài sân bóng đá cộng lại sẽ bay ngang qua Trái Đất. Các nhà thiên văn học dự kiến ngay cả những người nghiên cứu thiên văn nghiệp dư cũng có thể nhìn thấy hành tinh này vào đêm 29.1 sắp tới qua kính viễn vọng loại đơn giản nhất.
Hành tinh 2007 TU24 được tàu vũ trụ Catalina Sky Survey của NASA phát hiện ra vào ngày 11.10.2007. Ước tính đường kính của nó dao động trong khoảng 150m-610m.
2007 TU24 sẽ tiến đến gần Trái Đất nhất ở cự ly 537.500km vào lúc 12.33 phút sáng (giờ của khu vực Thái Bình Dương). (Khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và mặt trăng là 385.000km).
Tính đến thời điểm hiện nay, đây là lần đầu tiên một hành tinh lớn cỡ này tiến đến Trái Đất ở một khoảng cách gần như vậy. Khi 2007 TU24 đến gần Trái Đất nhất, nó sẽ có độ sáng biểu kiến là 10,3 tức là yếu hơn 50 lần so với một thiên thể mà ta có thể nhìn thấy được bằng mắt thường trong điều kiện trời đêm quang đãng.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, sẽ không có nguy cơ hành tinh 2007 TU24 đâm vào Trái Đất. Nếu ngược lại, hậu quả sẽ vô cùng thảm khốc. Bản thân vụ đụng chạm cũng đã hình thành nên một quả cầu năng lượng khổng lồ 1.500 megaton có đường kính 5km và tạo ra vô số mảnh vụn. Nếu hành tinh trên đâm xuống biển, nó sẽ tạo ra một cơn sóng thần tàn phá toàn bộ bờ biển gần nơi xảy ra vụ va chạm.
Giống như nhiều hành tinh khác, 2007 TU24 có quĩ đạo quay quanh mặt trời.
Các nhà thiên văn học dự đoán có khoảng 7.000 hành tinh có kích cỡ như 2007 TU24 đang bay gần Trái Đất. Trong số đó, trung bình mỗi 5 năm, sẽ có 1 hành tinh bay ngang qua Trái Đất và trung bình mỗi 37.000 năm, một thiên thể có kích thước tương tự sẽ thực sự ảnh hưởng đến hành tinh xanh của chúng ta. Cho đến nay, đã có hàng trăm hành tinh lớn nhỏ bay ngang qua vùng lân cận quĩ đạo Trái Đất. Tuy nhiên, chưa có một vụ đụng chạm nào với Trái Đất được ghi nhận.
|